Người đàn bà xây nhà

xuongrong40nd@...,
Chia sẻ

- Chị Yến - người con gái nông thôn xinh đẹp, hiền dịu, vì hoàn cảnh gia đình đã rũ bỏ hình tượng ấy để trở nên mạnh mẽ cùng chồng đi xây, làm những công việc nặng nhọc mong kiếm tiền xây nhà.<br/>- Khi xây nhà và đang mong chờ được hưởng sự bình yên thì chị bị ung thư vú.<br/>- Chữa trị không thành công, bệnh viện trả về... chị ra đi khi khao khát sống còn mãnh liệt và sự lưu luyến với người thân.<br/>- Nhờ những sự hi sinh của chị mà con chị có một ngôi nhà tử tế, bé hiểu lòng mẹ và ngoan ngoãn sống bên ông bà và bố.

Thời điểm tôi viết bài này là lúc vừa trải qua giỗ đầu của chị Yến, thời gian nhanh mà cũng nhanh nói chậm thì cũng chậm. Chậm như từng ngày từng ngày cuối đời trải qua trong đau đớn của chị, và cũng nhanh kể từ cái lần tôi biết chị .

Ngày ấy tôi cùng chồng tới nhà chị là lúc anh chị đang xây nhà, ngôi nhà 2 tầng khang trang ấy có công của hai người thợ chính là chị và chồng. Gây ấn tượng với tôi là hình ảnh chị mặc chiếc áo  bò cũ và cái quần lửng ngang gối, mái tóc dày cắt cộc trên tai y như đàn ông. Chị có cái vẻ bụi bặm, bỗ bã của một người quen đi phụ hồ hết công trình này tới công trình khác, cái má phúng phính trên khuôn mặt đầy đặn lộ rõ sự lực lưỡng , khỏe mạnh. Chị nhanh thoăn thoắt, lúc thì trộn vữa, lúc thì ném gạch, lúc lại ù té phóng xe máy ra ngoài mua ít dây thép…Dù luôn tay luôn chân là thế nhưng trên gương mặt chị không hề có chỗ cho biểu hiện của sự mệt mỏi nặng nhọc mà chỉ có niềm hân hoan, tự hào của người bao lâu đi xây nhà cho người ta giờ mới tự tay góp sức xây nhà cho chính mình.

Rồi sau lần ăn tân gia ở nhà chị tôi nghe chồng nói rằng anh chị đang rong ruổi theo hết công trình này đến công trình kia ở hà nội để kiếm tiền trả nợ. Nghe đâu vì cố xây nhà hết vốn, lại phải vay chừng trăm triệu nên anh chị lại tiếp tục gửi con ở quê cho bố mẹ cùng ngôi nhà mới để đi xa. Anh, nhất là chị rất chăm chỉ, trừ ngày nào không thể làm chứ có khi tháng có 30 ngày thì anh chị làm tới 29 công. Tôi cũng mừng mà nghĩ : cầu trời cho anh chị sức khỏe, thì chỉ chừng 2 năm là cả nhà đoàn tụ với nhau.

Âý thế mà bẵng đi một thời gian , tôi nghe chồng nói chị bị ốm nặng lắm, chồng đưa vợ chạy chữa khắp nơi, phẫu thuật , xạ trị ở Viện K. Khi tôi sắp xếp công việc vào thăm thì chị lại vừa về quê, thế là cuối tuần nhân dịp cả nhà về quê, một lần nữa tôi lại được chồng đưa sang nhà anh chị. Trên đường đi trong đầu tôi vẫn mường tượng ra  hình ảnh chị mạnh khỏe của ngày nào: nhanh nhẹn, tháo vát, hóm hỉnh và vô tư lạ. Nhưng thực tế thật khác, chị nằm trên chiếc giường cá nhân, da xanh nhợt nhạt, khung người thì vẫn to, thô kệch nhưng là to vì phù do truyền thuốc, trên mái đầu rụng gần hết tóc che tạm bởi chiếc mũ vải mỏng. Ánh mắt buồn của chị làm những câu bông đùa có phần gượng gạo của chị với vợ chồng tôi trở nên vô duyên, làm câu chuyện đôi khi cứ bị bỏ dở giữa chừng . Đã thỏa thuận trước với chồng là sang đó chỉ nói chuyện vui, không được nói gì làm chị buồn, vì gia đình giấu tình hình bệnh của chị, nhưng nhìn chị quá khác so với ngày nào cũng đôi lần tôi phải lén quay mắt đi chỗ khác mà cố kìm cho nước mắt không rơi.

Lần sau nữa nghe mẹ nói chị chắc không qua khỏi , tôi lại sắp lịch về thăm chị, lần này chị nằm đó, thi thoảng khẽ rên rên vài tiếng mỗi cơn đau nhói lên bên ngực, qua làn áo mỏng khoác ngoài che chắn, tôi không nhìn rõ nhưng nghe tả rằng ở nơi ngực chị, khối u đã bung ra và có dấu hiệu hoại tử. Gần đây chị đã phải dùng móc phin, thứ thuốc gây nghiện có tác dụng làm người ta giảm cảm giác đau đớn. Rồi mẹ anh kể những lúc chị đau đớn không chịu nổi mà chửi bậy, chửi tục khắp mọi người trong nhà – y mấy câu tục của đám đàn ông thợ xây. Bà nói bà chẳng trách con dâu, bởi bà biết chị vốn là người rất giỏi chịu đựng, kể cả khi đẻ con, chị cũng chẳng kêu gào như người ta: “chỉ thương, nhìn nó đau mà mình không gánh đỡ cho con được”.

Kể ngẫm ra cả đời chị , nói cho dài chứ mới có ba mươi lẻ vài cái xuân xanh, chưa được hưởng thụ gì cả, chỉ có lao vào mà làm, mà kiếm tiền, vun vén cho chồng cho con, ấy vậy mà….

Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng ngày con gái chị cũng xinh, cũng thục nữ lắm, mái tóc dài tha thướt ấy, cái giọng nói dịu dàng ấy làm anh bên chồng tôi mê đắm mà nhất quyết chấm dứt đời trai ngang tàng, tu chí làm ăn, chăm lo gia đình. Thế mà chẳng hiểu sao, anh chị lận đận gặp mấy sự việc không may rùi chị phát đau dạ dày, chữa mãi mới khỏi. Sau khi kinh tế khó khăn quá, mình anh làm không đủ nuôi gia đình, chị mới xin đi phụ hồ, mà chẳng hiểu thế nào từ lúc “bập” vào cái nghề “ đàn ông” ấy chị thay đổi hình ảnh luôn. Cắt phăng mái tóc dài, đi đứng như đàn ông, mà kể cũng lạ từ ấy chị trở nên khỏe mạnh vô cùng, cái sức dẻo dai của chị khối ông thợ theo không kịp. Chị cứ làm như thế mấy năm cùng chồng mà không còn nghe thấy cái hắt hơi sổ mũi, chẳng thế mà không những trả được nợ lại xây nhà đẹp. Ai cũng mừng cho anh chị.

Ngày đưa chị ra đồng, tôi vừa sinh cháu nhỏ nên không về được, nghe mọi người nói trước lúc chết chị nắm chặt tay anh và con, chị nhìn khắp ngôi nhà mà mình cố gắng xây dựng bằng bao mồ hôi và sự hi sinh, dường như chị không nỡ rời xa nơi ấy. Có người nói rằng lúc ra đi mà chị vẫn muốn níu kéo dương gian như thế sau này sẽ không buông tha cho anh lấy người khác nhưng thực tế, trong bản viết tay chị để lại dưới đầu giường có nội dung: chị khuyên anh sớm tìm người mới để cùng anh trả nợ và chăm lo cho con…

Lễ bốn chín ngày và giỗ đầu của chị được anh lo rất chu đáo, thằng con chị từ ngày biết mẹ bệnh đã trở nên rất người lớn, bé biết hằng ngày cúng cơm cho mẹ, rất chăm học và nghe lời ông bà. Đã một năm thiếu bóng chị, gia đình có vắng vẻ buồn hơn, nhưng nhờ công bố con anh nên ngôi nhà vẫn luôn sạch sẽ gọn gàng như lúc chị còn ở đây. Có thể một vài năm sau, ngôi nhà này sẽ có thêm bàn tay săn sóc của một người đàn bà khác, nhưng tôi tin người đến sau sẽ nhớ công của chị, bàn tay chị đặt từng viên gạch xây nên ngôi nhà này sẽ mãi là nơi che chở cho bố con anh, tình yêu mà chị gửi lại nơi đây.
Chia sẻ