Người lưỡng tính, chuyển giới tự tiêm testosterone: Cẩn trọng kẻo gia tăng bệnh lý về da, bệnh lây qua đường tình dục

TT,
Chia sẻ

Ngoài việc mắc các bệnh về da, cộng đồng chuyển giới cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục là giang mai, chlamydia và lậu.

Mắc bệnh về da vì tự tiêm testosterone

Thời gian gần đây Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) đến khám các bệnh lý về da, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục và chỉnh sửa khuôn mặt sau chuyển giới.

Cụ thể như trường hợp bệnh nhân N.V.H, 25 tuổi (sống tại TP.HCM). Bệnh nhân H đến bệnh viện khám vì bị mụn trứng cá nặng. Khai thác bệnh sử, được biết đây là bệnh nhân chuyển giới, đã tự tiêm testosterone từ 6 tháng nay để "nam tính hơn".

TS.BS Nguyễn Trọng Hào - Giám đốc BV Da liễu cho biết, mụn trứng cá là tác dụng phụ thường xuất hiện trong vong 4-6 tháng sau khi sử dụng testosterone. Trường hợp mụn nặng mới cần điều trị bằng các loại thuốc bôi và uống vì bệnh có thể tự giảm sau 12 tháng.

Gia tăng bệnh lây qua đường tình dục là giang mai, chlamydia và lậu

TS.BS Nguyễn Trọng Hào đánh giá, ngoài việc mắc các bệnh về da, cộng đồng LGBT cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, chlamydia và lậu.

Nhiều bệnh nhân chuyển giới tự tiêm testosterone gia tăng bệnh lý về da, nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục - Ảnh 2.

Đặc biệt, để tạo ngoại hình giống với giới tính thật, nhiều người không ngại ngần tìm đến các dịch vụ tiêm chất làm đầy hay silicon bất hợp pháp vào mông, đùi, mặt, ngực, bắp chân. Biến chứng của việc tiêm không đúng kỹ thuật cộng với sản phẩm không rõ nguồn gốc gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như u hạt do dị vật, nhiễm khuẩn lao không điển hình, sẹo, loét, biến dạng, phù bạch huyết, viêm phổi quá mẫn thậm chí tử vong.

TS. BS Nguyễn Trọng Hào nhấn mạnh, những người chuyển giới, đặc biệt là những người phải trải qua điều trị để xác đinh giới tính (sử dụng hormone và phẫu thuật) đòi hỏi sự chăm sóc y tế đặc biệt và bác sĩ da liễu là người đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này bằng cách điều trị các tác dụng phụ ở da do hormone và phẫu thuật.

Theo các chuyên gia y tế trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vì thế, điều lo ngại nhất là người dùng có thể bị tiêm phải sản phẩm chất làm đầy không rõ chất lượng. Trong đó phải kể đến nhiều loại collagen kém chất lượng, khi dùng có thể gây những hậu họa cả về sức khỏe và thẩm mỹ.

Khi có một chất lạ như filler vào cơ thể, dù là hàng tốt cũng có thể gây phản ứng, do đó có thể gây các sự cố không mong muốn như dị ứng, viêm. Còn với hàng trôi nổi khi đưa vào cơ thể, ngay dưới da, chúng có thể nhanh chóng đông cứng và vón cục, gây tình trạng xuất hiện những cục cứng lạ dưới da sau tiêm chất làm đầy. Hay như silicon lỏng cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hại vì khi vào cơ thể sẽ đóng cục tại chỗ, chúng cũng lan đến nhiều nơi trên cơ thể gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Chất này rất khó lấy hết và dễ gây viêm nhiễm.

Chia sẻ