Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm Tết vì hãi thực phẩm bẩn

Hà Hương,
Chia sẻ

Lo sợ thực phẩm bẩn lọt vào bữa cơm tất niên, nhiều bà nội trợ tại thành phố đã trở nên "khó tính" hơn trong việc chọn lựa các loại rau củ, thịt cá hay quà bánh cho dịp Tết Nguyên đán.

Ái ngại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc

Dọc theo các chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ cóc Nghĩa Dũng, chợ Linh Đàm, chợ Cầu Giấy, Hàng Buồm, Hàng Đường... các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, hướng dương, giò, chả… được bày bán tràn lan mà không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) – một trong những nơi được coi là thủ phủ của các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoạt động mua bán hàng Tết đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng bánh, kẹo đã có tới hơn chục cửa hàng, mỗi cửa hàng có trên dưới 100 loại sản phẩm khác nhau. Đáng chú ý là nhiều loại ô mai, mứt, hạt bí, hạt dưa… đa dạng mẫu mã, màu sắc nhưng lại không hề có hạn sử dụng, xuất xứ, tất cả đều được bày bán công khai.

Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm Tết vì hãi thực phẩm bẩn 1
Bánh kẹo không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng được bày bán tràn lan - Ảnh: Tiền Phong.


"Bây giờ đi chợ, nhìn rau, củ cái gì cũng xanh mơn mởn, bằng mắt thường khó mà phân biệt được thực phẩm nào ướp, phun thuốc hay dùng thuốc bảo quản, chứ chưa nói đến thực phẩm đã thành sản phẩm như bánh kẹo, bánh chưng, giò chả… Làm sao mình biết nó là hàng tốt không phải hàng trôi nổi, kém chất lượng" - chị Mỹ Hoa (Mỹ Đình, Hà Nội) lo lắng.

Tâm lý lo sợ, e dè với các mặt hàng được bày bán tại các chợ không chỉ là niềm của riêng chị Hoa mà là nỗi lo lắng chung của nhiều bà nội trợ. Chị Huyền Hương (Nghĩa Tân, Hà Nội) nhớ lại kỷ niệm đau thương: "Năm trước, tôi từng phải vứt đi 2kg giò lụa mua ngoài chợ. Vì công việc quá bận rộn nên năm đó sát 30 Tết tôi mới ra chợ sắm Tết, trong đó có 2kg giò, 2kg chả. Nhưng tới đêm giao thừa khi cắt ra thì khoanh giò nồng nặc mùi hôi hòa với mùi kháng sinh".

Chị Đỗ Thị Mai (Lĩnh Nam - Hà Nội), đang mua bánh kẹo cân tại chợ Đồng Xuân chia sẻ: "Tôi đang chọn mua bánh kẹo, hướng dương để chuẩn bị Tết, nhưng đi từ nãy tới giờ mà chưa chọn được gì. Bánh kẹo, hướng dương… bán theo cân thì nhiều, nhưng khổ nỗi phần đa lại không có nguồn gốc rõ ràng hay hạn sử dụng thì mờ ảo. Có lẽ tôi phải quay về siêu thị hay đại lý lớn để mua, đắt một chút nhưng đảm bảo chất lượng".

Khác với tâm lý người mua hàng, cô Hoa Lý – chủ của một sạp bán bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân hớn hở nói: "Ôi lo bò trắng răng! Người mua hàng cứ sợ chết, như chúng tôi đây ăn ầm ầm có thấy sao đâu? Hơn chục năm nay tôi bán hàng, nhưng nói thật là hàng giả nhái hàng thật giờ tinh vi lắm, khó mà nhận biết được. Thôi thì 'khuất mắt trông coi' chứ biết làm thế nào".

Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm

Những ngày giáp Tết, lượng khách đổ tới các siêu thị, cửa hàng đại lý lớn mua hàng đông gấp nhiều lần so với những địa điểm nhỏ lẻ, chợ cóc. Anh Phạm Minh Đức, chủ một đại lý bánh kẹo lớn ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Mấy ngày gần đây, người dân tới mua tại cửa hàng rất nhiều. Hàng bánh kẹo nhà tôi nhập về bán chủ yếu là hàng nội tên tuổi như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica... Với bánh kẹo ngoại chúng tôi luôn để thêm hóa đơn mua hàng tại nước ngoài để khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc".

Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm Tết vì hãi thực phẩm bẩn 2
Người tiêu dùng thường đến siêu thị, cửa hàng thực phẩm có tiếng, uy tín để mua sắm (Ảnh: Việt Linh).

Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm Tết vì hãi thực phẩm bẩn 3
Để mua được món khoái khẩu này, người tiêu dùng tìm đến siêu thị lớn để mua, tại siêu thị những mặt hàng này đều ghi rõ ràng nơi sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì (Ảnh: Hà Hương).

Để giảm bớt nỗi lo về hàng giả, hàng kém chất lượng, nhiều gia đình thay vì mua đồ ngoài lại dành thời gian tự tay làm hoặc đặt người thân quen làm giúp giò chả, bánh chưng, ô mai, mứt tết, thịt bò khô...

Cũng giống như nhiều bà nội trợ với sự lo lắng về mứt Tết bẩn đang trà trộn và bán nhiều ngoài thị trường, chị Hoài Thu (Hàng Cót) chia sẻ: "Vừa rồi mình đọc mấy bài báo cho biết phát hiện ra những cơ sở sản xuất mứt cổ truyền nhiễm bẩn. Vì thế, năm nay, thay vì mua mứt vừa tốn tiền lại vừa không đảm bảo, tôi tự tay làm một vài loại mứt từ củ, quả. Làm như thế này thì đảm bảo an toàn cho sức khỏe, không mất vệ sinh mà lại không tốn kém tiền mấy, chỉ thời gian thôi".

Quả thật, khi những thông tin về mứt hỏng, chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm vượt quá mức quy định khiến nhiều người không yên tâm khi mua mứt làm sẵn dù rằng chúng rất tiện và đẹp.

Là người làm việc cho một công ty lắp ráp tại Hà Nội, chị Đỗ Thị Lý ở Gia Lâm không có nhiều thời gian để sắm Tết, chị cho biết, chị đã nhờ người bà con ở dưới quê gói hộ ít bánh chưng, làm hộ giò, chả rồi gửi lên cho chị. 

Chị Tuyết Trinh (Hàng Phèn, Hà Nội) chia sẻ bí quyết của mình: "Dù bận tới đâu chị cũng chọn mua gà sống rồi nhờ người ta làm lông ngay tại chỗ rồi đem về nhà chế biến. Phải nhìn tận mắt các công đoạn làm tôi mới an tâm".

Chẳng ai bảo ai, Tết đến, những cửa hàng thực phẩm truyền thống như ô mai, giò chả nổi tiếng đều chật kín người đứng. Anh Hiếu – người mua ô mai chia sẻ: "Trước ma trận thực phẩm bẩn bủa vây, vợ tôi dặn phải mua ô mai ở đúng cửa hàng này để đảm bảo bữa ăn 'sạch' cho các thành viên trong gia đình".
Chia sẻ