Nguy hiểm bé chậm vận động và chậm nói

,
Chia sẻ

Bé Tũn 30 tháng tuổi mà chưa biết đi. Mỗi lần nghe con nói: "Mẹ ơi con muốn đi lắm" chị Hương lại ứa nước mắt vì thương con.

“Mẹ ơi, con muốn đi lắm”

Bé Tũn đã 30 tháng rồi mà chưa biết đi. Mẹ đưa Tũn đi khám, bác sỹ chuẩn đoán con phải theo dõi bại não do đẻ non. Lúc bé Tũn sinh mới tròn 7 tháng, nặng 1,5kg. Chị Hương đã cho con tập vật lý trị liệu ở bệnh viện hơn một năm nhưng con vẫn chưa đi được.

Hiện bé Tũn thuộc và hát được rất nhiều bài, trí nhớ và phản xạ tốt, nhưng vận động chỉ như em bé chưa tròn một tuổi. Bé chỉ biết đi men, đứng một mình chưa đầy một phút. Bác sỹ kê cho con nhiều loại thuốc, thuốc bổ não và những thuốc gì ấy, tập vật lý trị liệu cũng khá tốn kém. Mỗi lần nghe con nói: “Mẹ ơi, con thích đi lắm” chị lại ứa nước mắt, thương con và xót xa vô cùng.

Con chị Hải sinh non ở tuần thứ 28. Khi chào đời, con nằm một tháng ở trong viện Nhi vì bị bệnh màng trong, suy hô hấp, bệnh lý võng mạc, trào ngược dạ dày thực quản… Bé đã 26 tháng rồi mà chưa nói được. May mắn là con nhanh nhẹn, nghịch lắm, và biết nghe lời. Cô giáo dạy ở lớp của bé khuyên chị Hải đưa con đi kiểm tra ở trung tâm phục hồi chức năng ở bệnh viện Nhi để con phát triển kịp với độ tuổi.

Hiện nay, nhiều bố mẹ thường chủ quan với việc phát triển vận động, chậm nói của con, nên đưa đến các trung tâm phục hồi chức năng thường bị muộn. Những bé bị chậm phát triển nên được can thiệp sớm từ ngay sau khi sinh cho đến 3 tuổi. Vì hệ thần kinh của trẻ lúc này chưa trưởng thành, có thể uốn nắn được. Các bác sỹ sẽ có những can thiệp giúp trẻ phát triển vận động, giác quan, điều hòa các cảm xúc giác quan.
 
Bố mẹ cần theo dõi các mốc phát triển của con
để phát hiện bất thường

Trẻ chậm đi, chậm nói cần được can thiệp sớm

Thực tế, những trẻ sinh ra bị ngạt, sinh non, tim bẩm sinh, sau sinh mắc một số bệnh lý thần kinh như viêm màng não, xuất huyết não, vàng da, hội chứng Dawn, hoặc phải nằm điều trị ở khoa Hồi sức sơ sinh… có nguy cơ cao khuyết tật vận động, chậm phát triển, chậm nói. Nếu được can thiệp sớm về PHCN, trẻ có thể khắc phục các khiếm khuyết do bệnh lý gây ra, ngăn ngừa được các biến chứng giảm khả năng khác, giúp trẻ phát triển tốt.

Khi nuôi dạy con cái, bố mẹ cần lưu ý đến những dấu hiệu báo động trong qua trình phát triển của trẻ (dù là ở trẻ khỏe mạnh, lên cân, bú tốt…). Một số biểu hiện của bé phát triển chậm.

Về vận động: trẻ không lật được cho đến 7 tháng tuổi, không ngồi được một mình cho đến 10 tháng tuổi, không đứng lên được cho đến 12 tháng tuổi, không đứng chựng được cho đến 14 tháng tuổi, không đi được cho đến 18 tháng tuổi; trẻ thường nắm chặt hai bàn tay cho đến 6 tháng tuổi, không biết đưa hai tay ra trước mặt cho đến 10 tháng tuổi, không biết vỗ tay cho đến 12 tháng tuổi hoặc trẻ chỉ dùng một tay.

ề nhận thức: Trẻ không phân biệt lạ quen cho đến 8 tháng tuổi (thường được ngộ nhận là trẻ dễ tính, ai bồng cũng được), không biết chơi “giả vờ” với búp bê (như đút cho búp bê ăn, hôn búp bê) cho đến 15 tháng tuổi.

Về cảm giác: Trẻ thường lăng xăng, kém tập trung, kén ăn, sợ tắm, sợ đánh răng, sợ cắt tóc hay thích sờ mó vuốt ve người khác. Có trẻ hay cắn bạn, tát, xô ngã bạn và dường như không nghe nên không quay lại khi được gọi tên…

Bố mẹ cần phải theo dõi từng mốc phát triển của trẻ, nếu gặp điều bất thường phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra, can thiệp sớm. Tốt nhất bố mẹ nên đi con đến khám và điều trị các khoa chức năng và khoa tâm bệnh của bệnh viện Nhi để được tư vấn một cách kỹ càng nhất!

Thu Hằng

Chia sẻ