Nhà vệ sinh bệnh viện: “Nhắm mắt” vào liều vì không thể nhịn?

Lê Nhi,
Chia sẻ

Chỉ cần một ngày vào viện là đã có thể mục sở thị đầy đủ thực trạng kinh hoàng và hôi hám từ nhà vệ sinh bệnh viện.

Nếu như chưa từng đi vệ sinh ở các nhà vệ sinh của một số bệnh viện thì sẽ không thể cảm nhận đầy đủ được mùi xú uế nồng nặc đến thế nào. Nhưng chỉ cần một ngày vào viện là đã có thể mục sở thị đầy đủ thực trạng kinh hoàng và đầy hôi hám  từ nhà vệ sinh bệnh viện rồi.

“Nhắm mắt” liều vào WC vì không thể nhịn?

Có mặt tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (80 Thái Thịnh 2, Thịnh Quang, HN) vào những ngày cuối tháng 2, thực sự chị Lê Cẩm Vân cũng phải phát “nản” với mỗi lần muốn "giải quyết nỗi buồn" hàng ngày của mình.


Nhà vệ sinh bệnh viện Nội tiết Trung ương nằm sát ngay phòng bệnh nhân và lúc nào cũng ướt lép nhép vì nước chảy lênh láng

Suốt một tuần liền đi chăm người thân mổ u tuyến giáp, tất nhiên chị không ngày nào là không phải vào nhà vệ sinh bệnh viện vài lần. Nhưng lần nào vào nhà vệ sinh là lần ấy chị phải đấu tranh tư tưởng mới dám vào vì bước vào đó chị sẽ phải đối mặt với tình trạng nước lênh láng lép nhép hết cả dép guốc, những “bãi mìn” của nhiều bệnh nhân vô ý hay máu kinh nguyệt của những chị em đi vệ sinh lười không dội nước... Nói chung với chị, việc phải có mặt tại nhà vệ sinh mỗi ngày cũng là vì bất đắc dĩ và vì “không thể nhịn được”…

Chị Vân cho biết: “Nếu không vào viện, chắc chị cũng không thể tưởng tượng nổi nhà vệ sinh chỉ có cửa phòng bên ngoài khép hờ được, tuyệt nhiên không có chốt cửa bên trong, nước chảy thì lênh láng trên sàn bất kể ngày hay đêm. Vào đến phòng thì khai mù và chỉ có độc một chiếc bồn cầu dơ bẩn, nhơ nháp. Phòng vệ sinh này, thậm chí cửa đã bị tháo mất”.

Như hôm vừa mới đây khi “nỗi buồn âm ỉ” lại réo gọi chị phải vào nhà vệ sinh, “Vì cửa phòng nhà vệ sinh he hé, nên chị vẫn tự nhiên bước vào. Vừa bước vào đã bắt gặp một chị phụ nữ khác đang ngồi ngấp nghé trên bồn cầu để đi nặng khiến chị ấy kêu hết hồn. Cả chị ấy và chị đều cảm thấy ngượng ngùng vì phòng vệ sinh không cửa giả”.

Vì không có cửa phòng vệ sinh nơi có bồn cầu đi nặng nên
các bệnh nhân đi nặng hoặc nhẹ thường phải "chạm trán" trong trường hợp oái oăm vì ngượng


Khi “ngượng hết cả mặt” về lại phòng bệnh nhân, chị kể cho mọi người nghe tình huống “chạm trán” trong nhà vệ sinh vừa rồi thì mọi người trong phòng cười ồ và bảo thường xuyên gặp tình cảnh ấy chan chát rồi?! Vì cửa nhà vệ sinh bị mất từ lâu, cửa phòng chính lại không có chốt bên trong nên người đi nặng và người đi nhẹ chạm trán nhau là chuyện thường! Dù ngại nhưng hầu hết mọi người đều cười trừ. Và những người cùng phòng mách chị Vân rằng: Nếu muốn an toàn hơn thì phải rủ thêm một người khác cùng đi. Khi ấy một người vào trong tiểu tiện còn một người đứng ngoài cửa “canh gác và cảnh báo” hộ.

Mùi “đặc trưng” bay đến cả phòng bệnh nhân

Ở Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, do nhà vệ sinh được bố trí sát vách ngay các phòng bệnh nhân, thế nên chuyện mùi đặc trưng bay nồng nặc đến các phòng bệnh khi có cơn gió lạ cũng là chuyện thường ngày.

Theo anh Đặng Văn D, một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này cho biết: Ngay từ hôm làm thủ tục nhập viện, anh đã được phân nằm ở phòng 302 cùng các bệnh nhân khác. Phòng này nằm ngay sát phòng vệ sinh công cộng, nên mỗi khi ra vào phòng, anh đều thấy có mùi nồng nặc rất khó chịu. “Nhất là những hôm trời trở nồm hoặc những hôm có gió thì mùi ô uế và khai nồng từ nhà vệ sinh bốc ra khiến ai cũng cảm thấy không thể thở được. Các phòng trở nên bí bách và ngột ngạt hơn vì mùi khai và mùi xú uế khác. Những khi ấy tôi thường phải lấy tay bịt mũi, nín thở hoặc đi xuống cổng bệnh viện cho thoáng. Còn buổi tối khi đi ngủ thì các bệnh nhân đều thống nhất đóng chặt cửa phòng lại dù chịu kín và ngột ngạt còn hơn phải chịu mùi kinh khủng.

Với tôi, mùi khủng khiếp thế nào thì bệnh nhân chúng tôi cũng đành phải chịu đựng. Nhưng tôi lo sợ nhất là bệnh viện phải là nơi sạch sẽ, nhất là những bệnh nhân mới mổ xong cần được ở nơi vô trùng. Nhưng với phòng bệnh gần nhà vệ sinh không đảm bảo sạch sẽ như thế, tôi thấy rất lo lắng".


Muốn sạch sẽ thì cố gắng đừng phải nằm viện?

Muốn sạch sẽ thì cố gắng đừng phải vào viện?

Bệnh nhân nào cũng kêu la, người nhà bệnh nhân nào cũng ngán ngẩm, những ai vào viện cũng đều lắc đầu nguầy nguậy về nỗi khổ sở và kinh hoàng khi phải đi vệ sinh ở viện. Nhưng vì phải nán lại để điều trị bệnh tật nên hầu hết những bệnh nhân và người nhà họ đều mang tâm lý “sống chung với lũ” và “muốn sạch sẽ thì cố gắng đừng phải nằm viện”.

“Tại vì bệnh viện có quá đông bệnh nhân và cơ sở hạ tầng lại quá sập sệ thế nên nhà vệ sinh bệnh viện cũng chỉ có thế. Thế nên, dù kinh hoàng và sợ hãi khi vào những nhà vệ sinh bẩn thỉu thì cũng cố phải thích nghi và sống chung thôi vì vẫn đang phải nằm điều trị bệnh. Nhưng sau khi ra viện rồi nếu ai hỏi tôi vào viện sợ nhất điều gì thì tôi sẽ bảo: vào viện sợ nhất là đi vệ sinh”. – Bác Phạm Văn Kiên, 54 tuổi, bệnh nhân điều trị u đơn tuyến giáp chia sẻ.
Chia sẻ