“Nhầm” đại lý vé Vietnam Airlines, hành khách thiệt hại

Theo Dân Trí,
Chia sẻ

Giá vé bị chênh cao hơn nhiều so với quy định thực tế, có vé trong tay nhưng không có tên trên chuyến bay... Đó là một trong số những thiệt hại mà hành khách gặp phải khi mua vé tại các cơ sở phông phải là đại lý của Vietnam Airlines

Theo khảo sát của PV tại Hà Nội, hiện nay trên thị trường vé máy bay có rất nhiều cơ sở, điểm giao dịch mang biển hiệu là đại lý vé của các hãng hàng không. Đơn cử như trên phố Kim Mã (Hà Nội), chỉ hơn 2km đường nhưng có tới hơn 5 cơ sở bán vé máy bay, hay tại các khu phố cổ đông đúc nhộn nhịp – nơi tập trung lượng lớn khách du lịch như phố Hàng Bạc, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến,… tuyến phố nào cũng có vài ba điểm bán vé. Nơi giăng biển lớn, chỗ chỉ xếp biển hiệu nhỏ, nhưng điểm chung là các cơ sở này đều trưng logo và thông tin là đại lý bán vé cho VNA, vì thế nhiều người đã ghé mua mà không hề biết đó là đại lý thật hay giả.

Ghi nhận của PV cho thấy, cũng chính từ những điểm giao dịch kiểu “tự xưng” là đại lý và phòng vé của VNA nên đã phát sinh nhiều vụ việc gây thiệt hại cho khách hàng như mua vé cao hơn giá quy định, hay sự cố mua vé nhưng không có tên trong chuyến bay.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Tiến, tháng 4/2012, anh Tiến có mua vé của VNA chuyến bay Vinh – Tp. Hồ Chí Minh khởi hành ngày 26/4/2012, kí hiệu chuyến bay VN1265 qua cơ sở giao dịch “xưng” là phòng bán vé máy bay của VNA tại địa chỉ 28 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh. Tuy nhiên, vì kế hoạch thay đổi anh Tiến không sử dụng vé nên yêu cầu hoàn vé. Khi hoàn vé anh Tiến mới ngã ngửa vì số tiền vé anh đã thanh toán cao hơn giá thực tế phải trả là 300.000 đồng, hơn nữa, văn phòng 28 Nguyễn Sỹ Sách, Vinh đòi thu phí hoàn vé là 1.000.000 đồng trong khi phí hoàn thực tế chỉ 250.000 đồng. Qua xác minh, VNA khẳng định cơ sở vé tại địa chỉ 28 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh không phải là đại lý của VNA, cơ sở này đã mua vé cho khách từ 1 đại lý chính thức của VNA và thu tiền chênh lệch của khách.

Một trường hợp khác đã xảy ra khi khách mua vé hành trình Đà Nẵng – Tp.HCM trên mạng tại trang web vietnam-airline.org. Ngoài số tiền khách đã trả như trang web thông báo ban đầu, phía công ty có trang web trên đã yêu cầu khách trả thêm 40$ với lý do vé khách mua vé trong dịp cao điểm Tết. Khách thấy lý do thu thêm tiền không hợp lý nên đã khiếu nại với VNA. Kết quả điều tra của VNA cho biết website vietnam-airline.org là của công ty Viet Smile Travel (Nụ cười Việt). Khách hàng đặt chỗ trên website của công ty Nụ cười Việt nhưng website này không kết nối với hệ thống của VNA. Trên thực tế, công ty này nhận thông tin đặt chỗ của khách hàng rồi đặt chỗ và mua vé cho khách tại các đại lý chính thức của VNA và bán cho khách. Địa chỉ trang web trên đã làm nhiều khách hàng lầm tưởng là website của VNA nên đã thực hiện giao dịch dẫn đến các tình huống tương tự.

Mua vé nhưng không có tên trong chuyến bay. Tình huống trớ trêu này đã xảy ra với anh Đinh Quang Hải. Anh Hải cho biết mua vé máy bay đi Điện Biên ngày 2/9/2012 tại công ty TNHH Không Gian Mới, địa chỉ 49 Hàng Bún, Hà Nội nhưng khi làm thủ tục check in tại sân bay thì không thấy có tên mình trên chuyến bay. Kết quả điều tra cho thấy: công ty TNHH Không Gian Mới không phải là đại lý của VNA, và điều đáng nói là nhân viên tại đây không biết do sơ suất hay cố ý đã có nhầm lẫn trong quá trình đặt chỗ cho khách nên dẫn đến việc khách không có chỗ trên chuyến bay, thậm chí nhân viên công ty TNHH Không Gian Mới còn thu tiền vé của khách cao hơn giá thực tế.

Qua trao đổi với đại diện VNA tại thị trường miền Bắc về thực trạng thị trường bán vé máy bay hiện nay, đại diện VNA cho biết trên toàn quốc có trên 1.000 điểm bán vé máy bay không phải là đại lý của VNA nhưng vẫn treo biển hoặc trưng logo của Hãng với thông tin là đại lý bán vé cho Hãng. Trên thực tế, ngoài 27 phòng vé là các điểm giao dịch chính thức, là đại diện của VNA giải quyết các vấn đề liên quan đến chỗ và vé của khách như: cung cấp thông tin về chuyến bay, đặt chỗ, đặt dịch vụ đặc biệt, xuất vé, hoàn, huỷ, đổi vé cho khách, VNA có 422 đại lý chính thức trên toàn quốc. VNA có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt trong quản lý các đại lý chính thức. Theo đó, các đại lý phải có địa điểm giao dịch cố định, có quầy bàn biển hiệu theo chuẩn mực của VNA. Bảng hiệu được treo bên ngoài với hình ảnh logo hoa sen vàng trên nền xanh đặc trưng, trên bảng hiệu có ghi đầy đủ tên giao dịch của đại lý. Bước vào bên trong đại lý, khách hàng sẽ nhìn thấy quầy bàn đại lý cũng được thiết kế theo kiểu mẫu chung và mầu xanh đặc trưng giống biển hiệu.

“Nhầm” đại lý vé Vietnam Airlines, hành khách thiệt hại 1
Mẫu biển hiệu đại lý chính thức
 
Vị đại diện VNA này cũng có lưu ý thêm là hiện nay ngoài các điểm giao dịch giả danh đại lý VNA, trên mạng internet cũng đã xuất hiện một kiểu lừa đảo mới bán vé qua mạng. Các trang web này hứa hẹn cung cấp giá vé máy bay rẻ nhằm mục đích khai thác thông tin cá nhân và thông tin thẻ tín dụng của khách. Thông qua việc khách truy cập và giao dịch tại các trang web lừa đảo này, khách hàng rất có thể bị lừa lấy tiền hoặc bị lấy thông tin thẻ tín dụng để chuyển cho bọn tội phạm trên mạng.
Đại diện VNA có lời khuyên với khách hàng là trước khi tiến hành giao dịch mua vé, đặc biệt trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết, khách nên tham khảo danh sách đại lý chính thức của Hãng, mục đối tác bạn hàng.  Hoặc nếu khách muốn mua vé trực tuyến thì cũng chỉ nên mua trên trang web chính thức của Hãng. Hoàn thành đặt vé và thanh toán tại đây, khách hàng được đảm bảo có chỗ chắc chắn vì mọi thao tác đặt chỗ của khách đều được truy cập trực tiếp vào hệ thống đặt giữ chỗ của VNA, và đặc biệt các thông tin thanh toán của khách luôn được bảo mật tuyệt đối.
Chia sẻ