Nhọc nhằn những phận đời mưu sinh ở chợ nổi lớn nhất miền Tây

Bửu Ngọc ,
Chia sẻ

Cửu vạn ở chợ nổi đa phần là những lao động nghèo, họ gắn bó với chợ nổi Cái Răng để kiếm kế sinh nhai từ hàng chục năm nay. Nếu như trước đây, công việc này có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định từ vài trăm nghìn mỗi ngày thì giờ đây, cố gắng hết sức, họ cũng chỉ có vài chục đến 100 nghìn.

12 giờ trưa, khoảng 5 người bốc vác vẫn đang hì hục chất nông sản từ ghe lên xe tải. Giữa bê tông cốt thép, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Nói với chúng tôi, chủ một vựa cho hay đây là chuyến hàng thứ hai trong ngày cũng là chuyến cuối cùng họ nhận từ chủ vườn. 

Nháo nhác tìm kế sinh nhai

Công việc cửu vạn vốn đã cực nhọc nhưng những cửu vạn bám chợ nổi Cái Răng phải cực gấp 10 lần trước kia. 

"Mấy năm trở lại đây, ghe hàng người ta không còn bỏ sỉ cho chúng tôi như trước nữa". 

Vào giờ này những năm trước, một chủ vựa có thể đã lên được 5-6 chuyến hàng, thế nhưng hiện tại, 2 chuyến đã là nhiều. 

Nhìn về phía cầu Cái Răng, bà Đặng Thị Mẫn (sinh năm 1969, ngụ Phường Hưng Lợi, TP. Cần Thơ) thở dài khi được hỏi về những dự định sắp tới: "Nếu không làm được nghề này nữa thì tôi đi bán vé số, rửa chén nuôi con". 

Suốt 18 năm làm bốc vác ở chợ nổi, một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng đây là lần đầu tiên bà Mẫn thấy "khó". Theo bà Mẫn chia sẻ, bà nhận được 100.000 đồng mỗi tấn hàng, nếu làm cả việc chạy đò chuyển hàng bà sẽ kiếm thêm được 100.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày, thương hồ lên từ 2-3 tấn hàng, thu nhập của bà có thể dao động từ 300.000-500.000 đồng. 

Nhọc nhằn những phận đời bám chợ nổi lớn nhất miền Tây để mưu sinh - Ảnh 2.

Cửu vạn bám chợ nổi phải là những người có nhiều sức khoẻ, dẻo dai.

"Bây giờ không bằng một nửa lúc trước. Trước đây, mấy anh em một ngày có khi lên được khoảng chục tấn. Hiện tại, làm ít lắm".

Nhớ lại khoảng thời gian trước khi ghe của thương hồ chở nông sản lên chợ nổi tấp nập, bà Mẫn có thể kiếm được từ 400.000-700.000 đồng/ngày. 

Đồng cảnh ngộ với bà Mẫn, ông Hồ Quang Vinh (ngụ Cần Thơ) hơn chục năm kiếm sống bằng nghề bốc vác cũng đau đáu về tương lai. 

"Bây giờ họ xây bờ kè cao, nhấc hàng mất nhiều công sức và thời gian. Nhiều người vì việc ngày càng nặng nhọc, làm không nổi mà nghỉ. Chúng tôi đã quá tuổi làm công nhân, học thức lại kém, ở đây không có xí nghiệp nào tuyển nên ngoài dùng sức kiếm tiền, chúng tôi không có cơ hội làm thêm nghề khác", ông Vinh tâm sự. 

Sau một hồi cắm cọc, ông Vinh nhặt hòn đá, dùng hết sức gõ mạnh vào đầu cọc cho thêm phần kiên cố. Kể với chúng tôi, ông Vinh cho biết để nhấc hàng được dễ hơn, cửu vạn chợ nổi phải tìm cây tràm để dựng cầu tạm. Chỗ nào công trình xây đến họ tháo cầu chỗ đó.

"Làm chắc chắc đi đứng cũng mạnh dạn hơn", sau một hồi lục đục ông Vinh thở phào, mặc cho cái nắng đang táp vào mặt, vào da.  

Nhọc nhằn những phận đời bám chợ nổi lớn nhất miền Tây để mưu sinh - Ảnh 3.

Cửu vạn dựng cầu tạm để lên hàng.

Cả cửu vạn và thương hồ đều gặp khó 

Không chỉ cửu vạn mà thương hồ cũng gặp cùng lắm gian truân khi bám chợ nổi mưu sinh.

"Mấy cô chú thấy đó, bởi vì bờ kè xây cao nên chúng tôi không có chỗ lên hàng, làm ăn thất bát lại phải thuê thêm nhân công vác hàng, đội thêm nhiều chi phí khác, khó khăn chồng chất nên nhiều người làm nghề mấy chục năm cũng bỏ nghề, bỏ chợ nổi", một thương hồ tâm sự. 

Thực trạng ghi nhận, nhiều thương hồ đã bỏ nghề, không còn giao thương thường xuyên trên chợ nổi.  Mặt khác, một số nhà vườn cũng quyết định mở vựa trên bờ, không cần đến thương hồ. Trong khi đó, mối liên kết giữa nhà vườn - thương hồ - cửu vạn là mối liên kết đã tồn tại hàng chục thậm chí hàng trăm năm trên chợ nổi. Chính nhờ hoạt động lên, xuống hàng mà tạo ra không gian trên bến dưới thuyền, nhấn nhá thêm bản sắc văn hoá vùng sông nước ăn sâu vào tiềm thức người dân và du khách. Hiện trạng lúc này, khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Cửu vạn chợ nổi vất vả mưu sinh. 

Mất thương hồ, chợ nổi có nguy cơ... chìm! 

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhận định, hình ảnh giao thương của thương hồ, cửu vạn và những nhà vườn đã tạo nên một trong những nét văn hóa sông nước đặc trưng trên bến dưới thuyền ở chợ nổi, nay cảnh sắc này đã không còn thấy nữa. Theo ông Hùng, để chợ nổi không "chìm", đầu tiên cần phải giữ chân thương hồ. 

"Trước đây, cấu trúc của một chợ nổi là thương hồ và nhà nông, nhà nông đem sản phẩm ra bán, thương hồ mua lại sau đó bán ở nơi khác. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản có trước, dần mới hình thành các loại dịch vụ khác. Những người bán buôn hàng hóa, ăn uống trước đây chủ yếu phục vụ cho thương hồ", nhà nghiên cứu Nhâm Hùng giải thích.

chợ nổi đã không còn tấp nập như xưa vì thiếu cảnh trên bến, dưới thuyền. 

Nhớ lại, trong một chuyến ghé thăm chợ nổi Cái Răng, tỷ phú Joe Lewis (chủ câu lạc bộ Tottenham) đã bày tỏ sự quan tâm đến đặc thù vùng sông nước miền Tây Nam Bộ tại Việt Nam. Ông đồng thời nhận định rằng chợ nổi Cái Răng đang thiếu cảnh "sinh thái". 

Là người trực tiếp dẫn đoàn của tỷ phú người Anh đi tham quan, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Giám đốc điều hành của Công ty Lữ hành quốc tế Hieutour (Cần Thơ) kể lại: "Tỷ phú người Anh hỏi rằng, có cách nào để làm cho những bờ kè bê tông trở nên sinh thái hơn? Nếu từ bến Ninh Kiều đi vào chợ nổi mà hai bên là những hàng cây ngập nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, cảnh sắc sẽ rất tuyệt vời". 

Mong muốn nhìn thấy những đặc thù sông nước miền Tây trên chợ nổi Cái Răng không chỉ là của riêng vị tỷ phú Anh, mà là của hầu hết khách du lịch khi ghé nơi đây, ai cũng đều mong có thể "giữ chân" thương hồ để hoạt náo lại cảnh trên bến, dưới thuyền một lần nữa. 

Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cần Thơ bước đầu đã đưa ra một số đánh giá về thực trạng khiến thương nhân rời chợ nổi. Trong đó, công trình Kè sông Cần Thơ cũng đã tác động không nhỏ đến chợ nổi, phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền", khiến thương hồ bị phân tán.

Báo cáo của UBND quận Cái Răng đồng thời nhận định, nguyên nhân đầu tiên khiến chợ nổi giảm sức hút là do cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương bằng đường bộ, thương hồ lên bờ kiếm kế sinh nhai.

Chia sẻ