Nhức nhối ý thức người dân trên đường phố

SaWa - Bè Trầm,
Chia sẻ

Với thái độ bất hợp tác và coi thường luật giao thông, mọi cố gắng thay đổi cải thiện tình trạng trở nên tốt đẹp hơn đều trở nên vô vọng.

Đã từ lâu, giao thông vẫn luôn là một vấn đề nổi cộm trong dư luận. Quang cảnh đường phố mỗi giờ cao điểm hết sức hỗn loạn, ùn tắc diễn ra triền miên, các dòng xe cộ hỗn loạn đan xen vào nhau, còi rú inh ỏi. Những số liệu gần đây cho thấy, ngày càng có nhiều vụ tai nạn xảy ra, tình trạng an toàn giao thông vẫn chưa được cải thiện, vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đâu?
 
Để tích cực giải quyết tình trạng trên, Sở GTVT và Phòng CSGT-CA.TP Hà Nội nói riêng và các đơn vị trên cả nước nói chung đã thực thi rất nhiều chính sách cải tổ nhằm khắc phục và nâng cao mức độ đảm bảo ATGT, nhưng vẫn chưa thể hoàn toàn đem lại được kết quả như mong muốn. Người tham gia giao thông vẫn nhận thấy rằng: tình trạng chưa được cải thiện, còn gặp phải rất nhiều khó khăn, và họ liên tục đưa ra các ý kiến không hài lòng, chỉ trích những cơ quan chức năng có trách nhiệm. Nhưng nhìn lại toàn bộ thực trạng của nền giao thông nước nhà, chúng ta có thể rõ ràng nhận thấy được ý thức tham gia giao thông của người dân có rất nhiều chỗ nhức nhối đáng phải lên án.
 
Một bộ phận lớn thế hệ trẻ ngày nay được gia đình chiều chuộng, cho phép sử dụng xe máy mặc dù chưa đến tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Do chưa có đầy đủ hiểu biết khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên các bạn trẻ có xu hướng không chấp hành luật ATGT, những hình ảnh các cô cậu học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 vượt quá số lượng cho phép, lạng lách đánh võng đã dần trở nên quen thuộc trên đường phố.
 
Người người, nhà nhà thi nhau vượt đèn đỏ.
 
Ngang nhiên đi ngược chiều.
 
Mũ bảo hiểm đội làm gì cho... vướng!
 
Những lớp người đó lớn lên, vẫn mang một cơ sở ý thức yếu kém khi tham gia giao thông, hình thành nên một khung cảnh hỗn loạn trên đường phố. Xe cộ đi ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu, còi rú inh ỏi, sử dụng điện thoại giữa đường không chú ý lái xe, đi lên vỉa hè khi đường đông đúc,... Vào những giờ cao điểm, họ thậm chí không cần tuân thủ trật tự, không cần biết đến sự điều khiển của cảnh sát, không quan tâm tới tình hình giao thông hiện tại, bất kể ở đâu có lối đi họ đều tranh nhau vượt lên không cần biết tới trước sau.
 
 
 
Vừa đi vừa sử dụng điện thoại, thậm chí mải mê nhắn tin mà quên nhìn đường.
 
Bên cạnh đó, mỗi khi xảy ra va chạm xe do chính ý thức của mình gây nên. Không quan tâm tới cả đoạn đường phía sau ách tắc hàng dài, họ vẫn đứng lại "giữ nguyên hiện trường" để tranh cãi và thậm chí xô xát với nhau. Chỉ đến khi lực lượng chức năng đến và giải quyết thì mới "tan chợ" để những người khác có lối mà đi. Mỗi khi vi phạm và bị xử phạt, những người này lại có những thái độ bất hợp tác, có những trường hợp còn bỏ chạy, chống cự lại người thi hành công vụ.
 
Bon chen cố lách để qua đường.
 
Lòng đường đông quá thì ta... leo lề.
 
Chở quá số người theo quy định, và đương nhiên không thèm đội mũ bảo hiểm.
 
Lạng lách, đánh võng trên phố đông người.
 
Có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra bàn luận trên các diễn đàn, từ công nghệ cao như mạng internet cho đến đại chúng như truyền hình, và thậm chí là ở cả những "diễn đàn" của những hàng buôn hoa quả của các bà các cô ngoài chợ. Có ý kiến chỉ ra cái sai trái của người dân, có ý kiến lại đổ lỗi cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng: Để dẫn tới tình trạng giao thông hỗn loạn như vậy, một phần lý do nằm ở ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện, đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng giao thông hiện nay. Bởi lẽ, với thái độ bất hợp tác và coi thường luật giao thông, mọi cố gắng thay đổi cải thiện tình trạng trở nên tốt đẹp hơn đều trở nên vô vọng.
Chia sẻ