Những anh chồng "vắt cổ chày ra nước"

,
Chia sẻ

Hà ngượng chín mặt khi chồng chi li 500 đồng lẻ với cô bán rau. Bị mấy bà bán hàng bên cạnh xỏ xiên bóng gió, anh chẳng xấu hổ hay bực bội mà còn ra chiều thích thú.

Vợ lập quỹ đen

Mới cưới nhau được 3 năm nhưng Hà không thể chịu nổi tính chi ly từng chút của Thắng, chồng cô. Hàng tháng, anh bắt Hà ghi sổ chi tiêu. Hà muốn mời một bạn bè đến nhà mình tiệc tùng một bữa thì Thằng ậm ừ cho qua, có khi còn tỏ vẻ khó chịu rồi lờ tịt.
 

Ảnh minh họa

Không những vậy, lâu lâu về thăm ông bà ngoại, khi đề cập đến chuyện biếu ít tiền tiêu vặt để tỏ lòng hiếu thảo thì Thắng giả lả tránh đi chỗ khác. Anh luôn lôi cái luận điệu: "Vì ông bà có mua sắm gì đâu, cũng chẳng túng thiếu gì, hàng tháng lại có lương nên cần gì phải tỏ vẻ như thế". Mỗi lần như vậy, Hà đau lắm, vừa thấy có lỗi với bố mẹ lại thấy tủi hổ cho bản thân mình.

Có hôm Hà ngượng chín mặt khi anh cặn kẽ đến 500 đồng lẻ với cô bán rau. Những người xung quanh nhìn thấy cũng lè lưỡi chịu thua. Vài bà bán hàng bên cạnh còn nói bóng gió: "Thế thì chẳng mấy chốc làm giàu, vợ được nhờ quá còn gì". Anh chẳng tỏ ra xấu hổ hay bực bội mà còn ra vẻ thích thú.

Hà ngày càng cảm thấy bức bối vì tình ki bo của chồng. Những gì cô mua Thắng đều chê đắt. Nhiều hôm điên tiết lên, Hà choảng lại: "Từ sau anh đi mà mua bán và nấu nướng, đàn ông gì mà tính như đàn bà". Một trận cãi vã nổ ra mà chẳng ai chịu nhịn lấy một câu. Giận nhau tới vài ngày, tưởng anh sẽ sửa đổi, nào ngờ đâu lại vào đấy. Hà chỉ còn cách, giấu Thắng lập quỹ đen cho mình đề phòng khi cần dùng tới như mời bạn bè, dấm dúi cho bố mẹ hoặc các em... Dần dà phương châm của Hà là: "Mặc kệ ông ấy, ông ấy thích gì thì làm còn mình cũng vậy, người nào kiếm nhiều thì tiêu nhiều, kiếm ít tiêu ít, không xâm phạm, như thế lại hóa hay".

Từ đó cuộc sống vợ chồng có một khoảng cách mà chẳng ai muốn tự mình phá bỏ, việc ai người nấy làm, tiền ai người nấy tiêu, chỉ ở cùng một nhà và ngủ cùng chung một giường, chuyện chăn gối cũng giảm dần. Không biết rồi sẽ thế nào, nhưng Hà nghĩ thôi cứ mặc kệ tới đâu thì hay tới đó.

Vay nợ lo gia đình

Vợ chồng Dung, Hòa cưới nhau được 7 năm. Hòa là nhân viên kinh doanh hàng tân dược cho một công ty nước ngoài thu nhập cũng khá 7-8 triệu một tháng, Dung là nhân viên phát hành sách báo nên lương chỉ gần 2 triệu. Lúc mới cưới, Hòa đưa ra thỏa thuận: lương của anh để dành làm việc lớn như: mua đất, xây nhà, tậu ô tô, hoặc mở cửa hàng. Còn lương của em để chi tiêu hàng ngày. Cứ tưởng anh nói vậy rồi hàng tháng sẽ "trợ cấp" ít nhiều cho cô chi tiêu thêm nhưng đợi mãi anh chẳng chịu "xì" ra đồng nào. Một mình Dung cứ thế càng đáng mọi việc trong nhà và của bố mẹ chồng.

Tháng nào phát sinh thêm những khoản tiền như đám cưới, sinh nhật hay giỗ tết là cô lại vất vả chạy lo cho đủ. Hòa vẫn thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra, thậm chí anh còn giấu biến lương của mình đi để vợ không thể tìm ra. Khi chưa có con Dung còn xoay sở được, nhưng khi có thêm thành viên mới thì mọi chuyện càng thêm căng thẳng. Nhiều lúc Dung ức chế vô cùng. Bảo với chồng thì anh chỉ mặt nặng mày nhẹ nói: "Cô không biết chi tiêu, hoang phí thì có ngày cám chẳng có mà ăn".

Ấm ức Dung ghi vào sổ chi tiêu cụ thể từng ly từng tý thì Hòa lại bảo cô ghi khống và nghi ngờ vợ lập quỹ đen. Không muốn gia đình mất đoàn kết vì những chuyện vặt vãnh, Dung vay ngân hàng và thế chấp bằng tiền lương hàng tháng mong rằng khi con lớn sẽ đi làm thêm, mọi việc rồi sẽ ổn. Gánh nặng tiền bạc và sự keo kiệt của chồng dần làm cho tình cảm của Dung dành cho chồng nhạt dần. Đôi khi cô thấy tủi thân vì từ ngày lấy chồng chưa bao giờ sắm một chiếc áo nào cho ra hồn. Tủ quần áo của cô toàn là của chị em nhượng lại và mặc tạm vì nó vẫn còn lành.

Đàn ông nên phóng khoáng hơn

Khi người chồng quá chi ly trong chi tiêu gia đình, người vợ sẽ không còn thấy khâm phục và tôn trọng chồng nữa. Hình ảnh đấng nam nhi đại trượng phu cũng mất đi trong mắt vợ. Người vợ sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc và chung sống với người chồng như vậy.

Người đàn ông độ lượng, rộng rãi bao giờ cũng được chị em phụ nữ dễ chấp nhận hơn và người vợ sẽ thấy tôn trọng và yêu thương chồng, cố gắng vun vén cho gia đình hơn nếu người chồng tin tưởng vào sự quán xuyến chăm lo gia đình của vợ. "Đấng mày râu cứ làm nhơ đi một chút trong chuyện mớ rau, con cá, họ sẽ được chăm sóc và chiều chuộng nhiều hơn, đừng dại gì ôm rơm nặng bụng mà lại bị vợ xem thường", chuyên gia tâm lý gia đình đưa ra ý kiến khi được hỏi về vấn đề này.
 
Theo ĐSGĐ
Chia sẻ