Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội

Phong Linh - Chí Toàn,
Chia sẻ

Những ngày rét buốt này, có lẽ không ở đâu buồn như ga Hà Nội. Cái lạnh thấu xương khiến nhiều người vô gia cư không còn lựa chọn nào khác là phải lấy nơi này làm chốn ngả lưng.

Ngậm ngùi giấc ngủ tha phương

23 giờ đêm, chuyến tàu nhanh cuối cùng trong ngày dừng xịch lại trong ga Hà Nội. Kẻ đón, người đưa, hành khách và cả nhân viên của chuyến tàu muộn, tất cả như luống cuống, co ro trong cái rét buốt đến tê lòng của đêm đông. Họ rảo chân bước khỏi sân ga để trở về tổ ấm.

Đó cũng là lúc mà nhiều người vô gia cư mới lục tục dọn dẹp, chuẩn bị cho mình một chỗ nằm ngay cửa ga. Ga Hà Nội, với nhiều người, là chốn qua đường, là nơi làm việc, còn với những người vô gia cư này, là một chỗ ngả lưng. Gió vẫn rít từng cơn. Những dáng người không nhà cửa xo xụi nép vào vỉa hè.

Hai vợ chồng khoảng hơn 60 tuổi đêm nào cũng lấy cửa ga Hà Nội làm chốn nương thân vừa quơ vội tấm chăn chiên tả tơi trùm lên người, che đi những phần da thịt đang tím ngắt, vừa kể chuyện. Lấy nhau được mấy chục năm, hai ông bà chẳng buồn đếm nữa, chỉ mang máng “đâu như bốn chục, bốn mấy năm rồi”. Chẳng có một mụn con, ở nhà cũng chẳng có ruộng đất gì, ông bà dắt díu nhau từ Thái Thụy, Thái Bình lên Hà Nội đã lâu.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 1
Vỉa hè ngay sát cổng ga là "nhà" của đôi vợ chồng già

Hồi còn trẻ, họ còn túc tắc đi làm thuê làm mướn, cửu vạn, đồng nát, phu hồ… họ làm hết. Nhưng rồi, nói như lời người vợ, cái tuổi nó đuổi xuân đi, sức lực cũng cạn theo năm tháng. Mười mấy năm nay, hai ông bà “bám rễ” ở ga Hà Nội. Họ kiếm sống bằng quầy nước chè nhỏ, vốn liếng chẳng là bao.

Để cơ động (những khi chạy công an), họ không sắm bếp mà chỉ có cái xô, vài ba cái ấm để hãm chè, bình ủ và ít cốc thủy tinh, nước sôi thì mua của các hàng ăn gần đó, “ghế” cho khách là những cục bê tông, gạch lát vỉa hè còn thừa. Bán nước chè từ sáng đến tối mịt, tới khuya, họ tống tất cả “đồ nghề” vào một chiếc làn cói, trải tấm bạt vuông ở vỉa hè ga Hà Nội mà nằm.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 2
Tấm chăn chiên mỏng manh là tài sản lớn nhất của họ

Đang thủng thẳng kể chuyện, ông bà chợt khựng lại, nhìn lom lom như nghi ngờ: “Mấy người là công an à?” Hỏi tên, họ nhất quyết không nói, vì theo lời ông chồng “dạo này chúng tôi có buôn bán được mấy đâu, các “ông ấy” lùa dữ lắm. Ngủ ở đây thế này cũng là ngủ chui, ngủ trộm thôi, được ngày nào hay ngày nấy. Nói tên cho các cô chú, cô chú mách họ thì chúng tôi hết cửa làm ăn.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 3
Chán cuộc sống không con cái, không ruộng đất ở quê, họ trở thành những kẻ không nhà nơi phố thị 

Ngay sát đó, nép sâu vào góc vỉa hè của quầy ăn nhanh trước cửa ga là một người phụ nữ trẻ đang ngủ say. Tấm chăn mỏng phập phồng bởi hơi thở nhẹ đều đặn. Nép chặt vào chị, một mái đầu bạc phơ cũng đang cố tìm hơi ấm. Cũng như những người “hàng xóm”, chị gom tất cả đồ đạc để trên "đầu giường” và không quên nhét giày dưới tấm bạt trải.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 4
Hai ông cháu cô gái ăn xin ngủ vùi trong một góc ga Hà Nội

Hai ông bà Thái Bình mau miệng giới thiệu: “Đấy là một nhà khác. Ông cụ phải đến gần 90 rồi, còn con bé chắc hơn 20 tuổi. Ước chừng thế thôi, chứ ở đây chẳng ai nhớ rõ tuổi mình, nói gì đến tuổi người khác. Ngày nào con bé cũng dắt ông nó đi ăn xin, lang thang ở những đâu chẳng rõ, tối thì tạt về đây ngủ.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 5
Tất cả "tài sản", cô để trên "đầu giường"

Rồi ông già chép miệng, vẻ thương cảm: “Nhà này nhường cho góc ấy đấy, có tường chắn, đỡ hút gió hơn. Chắc hôm nay mệt quá, hai ông cháu mới ngủ sớm thế, chứ mọi khi, 2,3 giờ sáng ông cụ còn cò cử, ho hắng chán chê mới ngủ được!

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 6
Sớm mai, khi nhà ga chuẩn bị đón chuyến tàu đầu tiên, hai ông cháu sẽ lại đi ăn xin

Phía bên kia đường, ngay góc Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo, một tốp phụ nữ trung và cao tuổi bán nước, đồ ăn vặt cũng lục tục dọn hàng. Ban ngày, họ là những chủ hàng nước dễ mến, dễ gần, thi thoảng góp dăm ba câu chuyện với khách cho cuộc trà thêm rôm rả.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 7
Người ngủ cạnh xe cho chắc ăn

Nhìn “gia tài” của họ: chiếc xe đạp để đựng đồ nghề được chằng xích cẩn thận, bếp than, mấy chồng ghế nhựa, đủ thấy họ… khá giả hơn những đồng nghiệp bên kia đường.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 8
Để chống rét, ai nấy cũng quấn chăn tròn như... sâu kèn

Không chồng, không con, không gia đình, họ quấn túm nhau thành một hội. Ban ngày, họ “chia” nhau từng tấc đất quý giá trên vỉa hè để bán hàng, đến đêm lại “chia” nhau không gian để ngủ, nhưng ít ra, họ cũng có chiếc giường xếp để ngả lưng. Để chống chọi với cái rét khắc nghiệt những ngày này, ai cũng phải quấn chăn như sâu kèn và bịt kín mặt mũi.

Mong manh những phận không nhà

Một bà cụ khoe đã kiếm sống ở ga ngót ba chục năm “bật mí”: “Ở đây toàn hội không nhà cửa, nhưng có phân chia “đẳng cấp” đàng hoàng. Khu bên này (góc ngã tư Lê Duẩn – Trần Hưng Đạo) toàn những người đã buôn bán ở ga từ lâu rồi, không còn chỗ trống nào nữa. Sáng bán hàng, tối ngủ luôn để “xí” chỗ. Người mới đến thì sang cổng ga bên kia. Nhưng đợt này bên đó cũng khó kiếm, vì ban ngày người ta đỗ xe kín hết cả, ban đêm thì ít khách.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 9
Bà cụ này đã phải dành dụm vài tháng mới mua được một chiếc giường xếp

Bà nói thêm, không phải ai trong số những người vô gia cư vạ vật ở ga Hà Nội đều là người tỉnh lẻ và neo đơn cả. Một số người ngày xưa cũng có nhà cửa, có gia đình, nhưng vướng vào cờ bạc, phải gán nhà trả nợ. Có người con cái bất hiếu, tống ra đường nên bỗng dưng thành vô gia cư.
 
Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 10
Những chiếc xe đạp vừa thể hiện "đẳng cấp", vừa khẳng định "lãnh thổ" buôn bán của chủ nhân

Cũng có nhà cửa ở quê, nhưng xa quá, vả lại, để tiện làm việc nên anh Tuân cũng nhập hội không nhà ở ga Hà Nội. Nửa đêm, sau khi chuyến tàu nhanh cuối cùng trong ngày khởi hành, anh lại trở về ga. Mũ trùm kín mặt, hai tay ôm ngực, hai chân quắp lấy tay lái, anh vắt vẻo nằm ngủ ngay trên chiếc xe máy.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 11
Nhà ở xa, anh Tuân nhập luôn với hội vô gia cư ở quanh ga Hà Nội

Anh kể, nhà anh ở Xuân Phương (Hà Tây cũ), không có nghề nghiệp gì nên chạy xe ôm. Anh hồn nhiên kể lý do trở thành vô gia cư của mình: “Chả tội gì phải mất tiền thuê nhà, tiền điện nước lích kích, tôi cứ ngủ luôn trên xe, vừa ngủ vừa trông xe luôn, cũng chẳng cần chăn chiếu gì cho vướng víu. Tắm rửa, vệ sinh thì đã có dịch vụ nóng lạnh.

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 12
Không có nghề nghiệp gì cụ thể, anh Tuân chạy xe ôm đã 3, 4 năm nay

Anh bảo, anh và những người bán hàng ở đối diện ga thuộc dạng “ăn chơi”, thu nhập cao (anh ước tính mỗi tháng, nếu “cày” khỏe, anh kiếm được 5 - 7 triệu, gửi về quê gần hết) mới dám tắm rửa mấy ngày một lần, dám ăn cơm hộp. Rồi anh chép miệng: “Đợt rét đậm này tôi kiếm được ít hơn vì người ta thích đi taxi. Cũng may là ít người cạnh tranh. Không ai túc trực ở ga 24/24h như tôi mà!
 
Trời về khuya càng lúc càng rét căm căm. Lẫn trong những tiếng thở đều đặn sau một ngày dài lao động là những ước mơ, lo lắng rất đỗi đời thường của những người lấy ga Hà Nội làm nhà. Tím tái trong lớp quần áo phong phanh và tấm chăn mỏng tang, hai ông bà Thái Bình vẫn đùa, họ không sợ rét. Rét lại càng hay, càng tình cảm vì họ sẽ… ôm nhau thật chặt mà không sợ bị trêu “già rồi còn dơ”. 

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 13
"Mùa đông này chúng tôi còn trụ được, ai biết mùa đông sau thế nào..."

Đã chớm ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, lại phải mưu sinh chật vật giữa rét mướt ở Thủ đô, hỏi sao khổ thế mà không về quê dưỡng già, bà vợ lầm bầm trong tiếng răng lập cập: “Làm gì có ai chờ đợi mà về! Về mà nghe người ta rủa “cóc chết ba năm quay đầu về núi” à? Ở đây mãi, chúng tôi quen rồi!” Chồng bà, đầu hơi cúi, nói cũng bằng một giọng nửa “Chí Phèo”, nửa tủi hổ: “Đời còn bao nhiêu nữa đâu. Mùa đông này chúng tôi còn trụ được, ai biết mùa đông sau thế nào. Biết đâu lại còng queo ngay trên vỉa hè này ấy chứ…

Cũng bị ám ảnh bởi cái chết là bà cụ hơn 70 tuổi ở khu đối diện ga Hà Nội. Rơm rớm nước mắt, bà bảo: “Chẳng ai thích thú gì cảnh đầu đường xó chợ này, nhưng nghèo thì phải liều. Trụ được ở đây toàn hội “có máu mặt” thôi! Nhưng lắm lúc nghĩ mà tủi. Cả đời bon chen kiếm ăn, chẳng biết lúc chết ai lo cho mình…

Những chuyện kể về người vô gia cư ở ga Hà Nội 14
Hơn 70 tuổi, bà cụ này vẫn chật vật mưu sinh. Bà chỉ sợ khi "nằm xuống", mình sẽ thành ma vỉa hè

Chia tay những người vô gia cư đang ngái ngủ ở ga Hà Nội, thịt da tím tái, nằm hay ngồi cũng co rúm lại vì gió và mưa, câu hỏi của bà cụ bán nước vẫn như vẳng sau lưng: “Nếu chúng tôi chết, người ta cũng sẽ mang xác ra nghĩa trang thôi, chả nhẽ lại để nhếch nhác đường phố. Nhưng chắc tôi sẽ thành ma vỉa hè như lúc sống nhỉ, vì hồn làm gì có nhà mà về…

Chia sẻ