Những con số thống kê và thực trạng bạo lực gia đình hiện ra sao?

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều người phụ nữ trở thành nạn nhân vì cam chịu, vì danh dự hay nhiều lý do khác muốn giữ cho gia đình nên sợ xấu hổ, thậm chí còn sợ bị trả thù.

Những con số thống kê bề nổi

Theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em.

Còn theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này.

Trong khi đó, số liệu từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 cũng cho thấy, các vụ bạo lực gia đình gây tổng thiệt hại khoảng 1,8% GDP mỗi năm.

Tuy nhiên, các kết quả trên mới cho thấy ở phần nổi từ những người dám "tố cáo" người gây ra bạo hành, hoặc đó mới chỉ là con số thống kê khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Bởi lẽ, không phải người phụ nữ nào cũng có thể chia sẻ bi kịch của mình với mọi người. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhiều người phụ nữ trở thành nạn nhân vì cam chịu, vì danh dự hay nhiều lý do khác muốn giữ cho gia đình nên sợ xấu hổ, thậm chí còn sợ bị trả thù.

Những con số thống kê và thực trạng của bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Một buổi truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình

Nạn nhân cần được nâng cao nhận thức

Mới đây, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Đội phản ứng nhanh thuộc dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới" do tổ chức Hagar Quốc tế phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An thực hiện.

Nòng cốt tham gia Đội là những cán bộ đại diện cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, người uy tín trong cộng đồng trên địa bàn xã.

Những người tham gia vào câu lạc bộ sẽ thay đổi nhận thức

Những người tham gia vào câu lạc bộ sẽ thay đổi nhận thức

Chúng tôi được tiếp xúc với Thanh Mai – cô là nạn nhân đồng thời là thành viên Câu lạc bộ Sức sống mới, đây là câu lạc bộ dành cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình thuộc một dự án phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai tại Nghệ An.

Trong câu chuyện Mai tâm sự, bản thân cô là nạn nhân thứ 3 (cũng là vợ 3 của gã chồng) có thói bạo hành hàng ngày bằng đủ mọi hình thức. Trước Mai cũng có 2 người vợ của ông ta không chịu nổi đòn đánh nên cũng lần lượt ra đi.

Sau khi tìm hiểu về câu lạc bộ của dự án, Mai được một số cán bộ tiếp cận và tư vấn tâm lý, cũng như được trang bị kỹ năng để bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực của chồng. Ngoài Mai ra còn có em gái của cô hiện đang mang thai, cũng là thành viên của câu lạc bộ này và trước đó cũng từng bị bạo hành rất nhiều lần.

Một số người tham gia vào câu lạc bộ để hiểu biết về pháp luật

Một số người tham gia vào câu lạc bộ để hiểu biết về pháp luật

Một câu lạc bộ khác mang tên "Người đàn ông trách nhiệm" - câu lạc bộ của những người gây bạo hành gia đình, cũng thuộc dự án phòng, chống bạo lực nói trên, nhiều ông chồng chia sẻ với chúng tôi đều bày tỏ quan điểm bảo thủ của mình, cho rằng việc đánh vợ là không sai. Đối với họ, vài cái bạt tai hay đánh vợ dù mạnh tay một chút không quan trọng vì là chồng thì được dạy vợ.

Anh Minh – người từng nhiều lần bị đưa về đồn công an vì đánh vợ, chia sẻ, trước đây đi làm về mà vợ chưa nấu cơm hoặc thấy vợ sang hàng xóm đan lát cùng người khác là anh Minh cầm gậy đuổi vợ chạy khắp xóm. Dù bị mọi người phẫn nộ can ngăn, đưa về đồn công an để viết cam kết nhưng anh Minh không thừa nhận đó là hành vi bạo hành.

Tương tự trường hợp của anh Văn, không có việc làm nên suốt ngày tụ tập với một số người bạn cùng cảnh, sau các buổi chiều quay về nhà lại bắt vợ con đi mua rượu cho uống. Lên cơn say cũng là lúc cơn ghen làm cho người đàn ông này điên đầu rồi đánh vợ, trừng phạt con bằng mọi hình thức. Khi tham gia vào câu lạc bộ anh Văn thay đổi hoàn toàn vì nhận ra hành vi vi phạm pháp luật.

Những con số thống kê và thực trạng của bạo lực gia đình - Ảnh 4.

Buổi sinh hoạt của câu lạc bộ

Ông Hồ Diên Cảnh - Cố vấn CLB Sức sống mới, chia sẻ, thời gian đầu tham gia CLB các chị đều mặc cảm, không muốn chia sẻ nhiều. Sau nhiều lần tổ chức sinh hoạt cộng đồng, ban quản lý CLB đã nhận được sự tin tưởng và các chị em đã chủ động bày tỏ tâm tư, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống gia đình hay những lần bị bạo lực thể chất, tinh thần. 

"Trong các nạn nhân của bạo lực mà tôi tiếp nhận, có một số trường hợp đặc biệt là ca bạo hành giữa bố chồng và nàng dâu, xuất phát từ việc ông muốn quan hệ tình dục với con dâu nhưng không được đồng ý nên bực tức, kiếm cớ hành hạ con dâu. Trường hợp thứ 2 là giữa người chồng và vợ thứ ba...", ông Cảnh cho hay.

Theo ông Cảnh, phụ nữ nói chuyện về việc bị xâm hại tình dục thường xấu hổ và khó khăn, nhưng tôi từng học quân y và đã khám bệnh cho đồng bào, người dân trong đó có phụ nữ nên nhận được sự tin tưởng. Sau những lời động viên, khích lệ, trường hợp thứ nhất đã chia sẻ về những hành vi của một người thân trong gia đình muốn gần gũi về thân thể. Cô rất khó chịu, ức chế, căng thẳng và đã có nhiều lần thể hiện thái độ phản ứng lại. Nhưng mỗi lần như thế cô lại bị chửi mắng, đổ lỗi vì những chuyện vô cớ. Cô cảm thấy đau khổ và bất lực vì không dám nói với ai, chỉ biết né tránh.

Sau khi biết được hoàn cảnh, ông Cảnh đã giải thích, giúp cô hiểu được đó là hành vi xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, bạo lực tinh thần trong gia đình, hoàn toàn có quyền báo với chính quyền và người tin cậy để được bảo vệ, hỗ trợ, có quyền để phản đối những hành vi mang tính bạo lực gia đình. Đồng thời có thể tìm môi trường sống an toàn bằng cách tách ra ở một nơi khác.

Thay đổi sau buổi truyền thông

Thay đổi sau buổi truyền thông

Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 5, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo đó phải "gia cố" nhiều hơn nữa các biện pháp "phòng" và mối quan hệ giữa "phòng" với "chống" để người ta không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình.

Các ý kiến thảo luận cho rằng, nhiều quy định trước đây đã không theo kịp diễn biến và bao quát được tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực về tinh thần, tình dục và kinh tế. Bởi vậy, việc nhận diện các hành vi bạo lực là điều cần thiết và có ý nghĩa tiên quyết trong giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Tức là phải "đo lường", "lượng hóa" biểu hiện bạo lực rõ ràng hơn nữa để quy định cụ thể về các hành vi, từ đó mới có thể đưa ra chế tài, hình thức xử lý phù hợp.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trình kỳ họp Quốc hội vừa qua đã đưa ra 18 hành vi bạo lực gia đình, như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó…

Tuy nhiên, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng như giới chuyên gia đã khuyến nghị nên bổ sung về hành vi sao cho cụ thể hơn, nhất là các hành vi "phi truyền thống" như bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực về kinh tế.

Tất nhiên, có những hành vi hiếm khi được các nạn nhân nói ra, ví như bạo hành tình dục, nhưng ít nhất những người làm luật cũng có thể dự báo và lượng hóa được các hành vi này. 

Bên cạnh đó, cũng cần thiết xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích nạn nhân bạo hành chia sẻ tình trạng của mình; đồng thời hỗ trợ họ về tinh thần và phát triển kinh tế, nhất là với những người yếu thế để họ có thể tự chủ trong cuộc sống.

Nhiều người từng gây ra các vụ bạo hành đã thay đổi nhận thức

Nhiều người từng gây ra các vụ bạo hành đã thay đổi nhận thức

Đến ngày 26/10 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Điểm đáng chú ý, sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 Điều 3 như dự thảo Luật.

Tại khoản 1, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các hành vi: "ép tự tử, bức tử", "làm nhục người khác", "ngăn cản phụ nữ tham gia học tập", "cưỡng ép mang thai hộ" và "các hành vi bạo lực khác được quy định trong pháp luật".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các điểm a, b, d, e, h và m đã bao hàm các hành vi nêu trên. Ngoài ra, dự thảo Luật đang được xây dựng và chỉnh lý theo hướng quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình để dễ nhận diện, thuận tiện cho công tác tuyên truyền, bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Hình ảnh về ngôi nhà cho thấy họ đang mơ ước có một gia đình hạnh phúc

Hình ảnh về ngôi nhà cho thấy họ đang mơ ước có một gia đình hạnh phúc

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị gộp điểm e và p để tránh trùng lặp. Có ý kiến đề nghị bổ sung từ "giam cầm" tại điểm p và rà soát lại điểm p để tránh hiểu sai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các hành vi bạo lực gia đình quy định tại điểm e và p đều liên quan đến xâm phạm quyền có chỗ ở hợp pháp, quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân nhưng có tính chất, mức độ khác nhau.

Do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Đồng thời, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát điểm p để rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điểm p theo hướng tách thành hai điểm như thể hiện tại điểm p và q khoản 1 Điều 3.

Chia sẻ