Những điều cha mẹ vô tình đối xử bất bình đẳng với các con

TS. Vũ Thu Hương,
Chia sẻ

Cha mẹ trước nay vẫn luôn suy nghĩ mình yêu thương con, hết lòng vì các con, luôn công bằng với các con. Nhưng thực sự, cha mẹ đã rất nhiều lần gây ra tổn thương cho con từ các hành vi cư xử bất bình đẳng.

Đã có rất nhiều đứa trẻ ức chế vì cảnh "con yêu, con ghét". Các con cảm thấy rất tổn thương khi cha mẹ mình cư xử bất bình đẳng. Với đứa trẻ lớn, bố mẹ đòi hỏi ở con rất nhiều. Con đã lớn, con phải hiểu biết, con phải chiều em, con phải nhường nhịn em, con phải…. Với đứa trẻ bé, bố mẹ thường chiều chuộng hơn với lý do, nó còn bé nên nó không biết gì. Đây chính là điều vô lý phổ biến nhất xuất hiện trong gia đình có từ 2 đứa con trở lên.

Những điều cha mẹ vô tình đối xử bất bình đẳng với các con - Ảnh 1.

Cha mẹ không nên đối xử với con theo kiểu "con yêu, con ghét". Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân của tình trạng này chính là khái niệm công bằng của cha mẹ hoàn toàn khác với của trẻ. Khi các con đòi hỏi sự công bằng ngay tại thời điểm hiện tại thì cha mẹ lại tóm lược cả quá trình trẻ lớn lên để xét đến công bằng.

Đã có trẻ ngạc nhiên thốt lên: Làm sao con bé lại được như em con? để mô tả sự hoang mang khi nghe về khái niệm công bằng của bố mẹ. Trong khi đó, bố mẹ lại nghĩ các con thật xấu tính, tị nạnh với đứa bé hơn hẳn mình. Chính sự khác biệt về quan niệm "công bằng" giữa người lớn và trẻ nhỏ đã dẫn đến những cách hành xử gây tổn thương cho các con.

Ngoài ra, khi trẻ phạm một quy định của gia đình, cha mẹ thường lắng nghe lý do trình bày của trẻ. Với những đứa trẻ khéo ăn nói, biết lấy lòng cha mẹ, các con rất dễ thoát tội chỉ vì trình bày động cơ phạm tội quá hợp lý. Với các bạn nhỏ không khéo léo, cùng một lỗi như anh/chị/em, các con có thể bị mắng, quát, thậm chí đánh đập trong khi trẻ kia lại được tha tội. Không khó để nhận ra cách cư xử thiếu công bằng này trong các gia đình.

Một đứa trẻ đã thốt lên: Cùng tội không chào nhưng em gái cháu lại giả vờ ho vài tiếng và lập tức nó được ôm ấp hỏi han, còn cháu bị quát.

Rõ ràng cùng một lỗi nhưng cha mẹ lại giải quyết theo 2 cách hoàn toàn khác nhau với 2 bé khác nhau trong cùng một gia đình. Lý do nằm ở chỗ cảm xúc của cha mẹ bị chi phối và họ không nhận ra việc mình đã gây ra tổn thương cho con như thế nào.

Một hành vi nữa của cha mẹ gây tổn thương nghiêm trọng đến các con là việc cha mẹ luôn tạo luật cho riêng trẻ em nhưng lại vô tư phạm luật.

Một ví dụ rất điển hình là cha mẹ yêu cầu con phải chào hỏi lễ phép nhưng cha mẹ lại không hề chào hỏi ai. Khi đứa trẻ được nhắc nhở chào hỏi, lập tức các con nhận ra điều vô lý, thiếu công bằng này nên sẵn sàng chống đối lại bằng cách né tránh việc chào hỏi.

Những điều cha mẹ vô tình đối xử bất bình đẳng với các con - Ảnh 2.

Sự thiếu công bằng của cha mẹ chính là nguyên nhân ức chế của trẻ, đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ra xa. Ảnh minh hoạ

Câu chuyện các con bị trách mắng vì vứt đồ đạc bừa bãi trong nhà nhưng chính bố lại là người ném quần áo khắp nơi sau khi thay đồ cũng khá phổ biến. Sự bất bình đẳng này thể hiện ở khắp nơi nhưng không mấy gia đình nhận ra và thay đổi.

Nguyên nhân của tất cả các hiện tượng trên chính ở việc gia đình thiếu các quy định rõ ràng và áp dụng không nghiêm túc. Không có các quy định, cha mẹ xử lý theo sự vụ chứ không đặt mục tiêu giáo dục con cẩn thận. Cũng vì thiếu các quy định, cha mẹ xử lý theo cảm xúc của mình và theo các lý lẽ mà con trình bày. Đồng thời, cha mẹ phản ứng theo tư thế người lớn, phán xét và áp luật cho trẻ chứ không áp cho người lớn trong nhà.

Sự thiếu công bằng của cha mẹ chính là nguyên nhân ức chế của trẻ, đẩy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ra xa. Mặc dù gần đây, các cha mẹ đã quan tâm hơn đến việc tìm hiểu về tâm sinh lý trẻ và các phương pháp giáo dục trong gia đình nhưng hiệu quả thực hiện còn rất thấp do cha mẹ vẫn chưa quản lý tốt cảm xúc cũng như thay đổi kịp thời về nhận thức. Chỉ khi cha mẹ thực sự kiểm soát được cảm xúc của mình, giải quyết vấn đề bằng lý trí và có đầy đủ kiến thức, việc giáo dục con mới có hiệu quả rõ rệt và bền lâu.

Chia sẻ