"Những đứa trẻ xuất sắc, tự tin và lạc quan đến từ kiểu gia đình nào?" - Bố mẹ sẽ không tiếc công khi đọc những ý kiến từ vị giáo sư nổi tiếng

Hạ Uyên,
Chia sẻ

Mỗi đứa trẻ là một món quà độc nhất vô nhị, nhưng cuối cùng chúng trở thành ai, đứng ở vị trí nào lại phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ.

Giáo sư Lý Mai Cẩn (Li Meijin) là một chuyên gia chăm sóc trẻ em nổi tiếng Trung Quốc. Các bài giảng về tâm lý trẻ em của bà luôn thu hút nhiều phụ huynh. Một số bố mẹ còn thích thú tới mức mua vé đến các thành phố để trực tiếp nghe giáo sư giảng tại các lớp học. 

Những đứa trẻ xuất sắc, tự tin và lạc quan đến từ loại gia đình nào? Bài viết bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 1.

Giáo sư Lý Mai Cẩn là một chuyên gia chăm sóc trẻ em nổi tiếng Trung Quốc.

Trong một bài viết mới đây về việc nuôi dạy một đứa trẻ tự tin, bà cho rằng: Thành tích học tập của trẻ quả thực rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tự tin mới là nền tảng thành công của một người. 

Bà cho rằng, những gia đình chú trọng đến việc nuôi dạy trẻ ở 4 khía cạnh này sẽ dễ dàng tạo nên những đứa trẻ xuất sắc, lạc quan và tự tin.

1. Gia đình luôn khuyến khích con cái

Giáo sư Lý Mai Cẩn chia sẻ một câu chuyện: Cô bé Sang Sang, 13 tuổi, đã tự tử bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà, để lại một bức thư tuyệt mệnh: "Tôi là rác rưởi, rác rưởi thực sự, rác rưởi không thể làm chuyện xấu". Với lời nhắn gửi đầy uất ức đó, nữ sinh đã vĩnh biệt cha mẹ với sự tủi thân và tự trách móc.

Giáo sư nói: "Bố mẹ nên học cách giáo dục rộng lượng. Đôi khi một đứa trẻ thất bại trong học tập đã vô cùng chán nản, không nên đánh vào lòng tự trọng của con nữa. Thay vào đó, hãy tìm thấy những ưu điểm khác ở trẻ, khẳng định và khuyến khích con".

Chế nhạo, chỉ trích và dán nhãn một cách mù quáng sẽ chỉ khiến trẻ tự coi thường năng lực bản thân, thậm chí cảm thấy bị cả thế giới bỏ rơi. Chỉ khi đứa trẻ nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cha mẹ, chúng mới có thể trở thành một đứa trẻ đầy lạc quan và tự tin.

Sự động viên mang đến cho trẻ sức mạnh tinh thần vô hạn, giống như một chiếc áo giáp, bảo vệ đứa trẻ khỏi những tác động từ bên ngoài. Đây chính là động lực thôi thúc chúng không ngừng thực hiện ước mơ của mình.

"Những đứa trẻ xuất sắc, tự tin và lạc quan đến từ kiểu gia đình nào?" - Bài viết của giáo sư nổi tiếng, bố mẹ sẽ không tiếc công khi đọc - Ảnh 2.

2. Gia đình tôn trọng trẻ

Con cái là tài sản vô giá của những người làm cha, làm mẹ. Chính vì vậy, họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Nhưng cũng chính vì tâm lý này, cha mẹ thường cố gắng xây dựng "kịch bản" cho sự trưởng thành của các con. 

Và nếu những đứa trẻ không may đi trái lại mong muốn đó, nhiều cha mẹ đã không tiếc lời mắng nhiếc, so sánh, thậm chí xúc phạm để con nhận ra "sai lầm". Điều này sẽ chỉ khiến những đứa trẻ vốn sống nội tâm trở nên tự ti hơn và những đứa trẻ vốn tự tin trở nên nhạy cảm hơn.

Có một điều rõ ràng cha mẹ có thể làm mọi việc cho con cái nhưng không thể lớn lên cùng con. Nếu liên tục can thiệp thì bạn đã tước đi quyền tự phát triển của trẻ, làm chúng mất cơ hội độc lập. Bạn không biết rằng làm vậy đang tạo nên một "vòng kim cô", một khi hai bên không hài lòng đều cảm thấy nghẹt thở.

Giáo sư Lý Mai Cẩn nói: "Con cái không phải là một công cụ để bảo vệ thể diện cho cha mẹ chúng. Một đứa trẻ không được tôn trọng từ nhỏ, không cảm thấy hạnh phúc, sẽ không có một tâm lý tươi vui lạc quan".

Trong việc hình thành và phát triển nhân cách, mỗi cá nhân có đều có tâm lý riêng, cũng không có mẫu số chung cho giáo dục tâm lý con trẻ. Việc ép con mình phải sống theo ý người lớn và sẵn sàng xúc phạm khi chúng không làm theo vô tình sẽ cướp đi sự quyết đoán trong hành động của trẻ. Cũng từ đây, dần trẻ sẽ thiếu đi sự quyết đoán trong các quyết định bởi sẽ luôn phải lo sợ làm thế nào để sống theo đúng ý bố mẹ.

3. Gia đình dành thời gian giao tiếp với con

Về cách nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc và tự tin, Giáo sư Lý Mai Cẩn tin rằng "sự hiện diện của cha mẹ quan trọng hơn vật chất phong phú". 

Về nhà, dù bận rộn hay mệt mỏi, mẹ cũng nên dành thời gian tập trung giao tiếp với con, kiên nhẫn lắng nghe con tâm sự về mọi điều trong cuộc sống. Nếu thường xuyên "vắng mặt" cha mẹ, trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, lâu ngày sẽ trở nên thu mình, cáu gắt, nhạy cảm với tâm lý tự ti, thậm chí có rào cản trong giao tiếp vì bất an.

Đôi khi việc tạo cho trẻ cảm giác an toàn thực ra rất đơn giản. Bắt đầu từ việc ngồi vào bàn ăn mỗi sáng, bạn không cần phải nói nhiều, chỉ cần lặng lẽ ở bên. Trở về với cuộc sống hàng ngày, từ bỏ các thiết bị điện tử và cùng trẻ làm một việc nhỏ như đọc sách cho con, ghép lego, vẽ vời cùng nhau...

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho con, lắng nghe tâm tư, thấu hiểu nhu cầu của con, từ đó hình thành cho con sự tự tin và dũng khí để chèo lái con thuyền tương lai.

Những đứa trẻ xuất sắc, tự tin và lạc quan đến từ loại gia đình nào? Bài viết bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 4.

Một đứa trẻ thực sự tự tin phải là đứa trẻ có quyền lựa chọn. (Ảnh minh họa)

4. Gia đình cho trẻ em quyền lựa chọn

Có một đoạn trong cuốn sách "Sự phát triển theo định hướng của bản thân" cho chúng ta biết rằng hầu hết sự tự tin của trẻ em đến từ sự độc lập: "Cảm giác được làm chủ" này là điều kiện tiên quyết để có một tâm hồn khỏe mạnh, là nguồn gốc của sự tiến bộ tích cực và là động lực để đứng dậy sau vấp ngã. Bởi vì tôi muốn điều đó, không phải vì tôi buộc phải trở thành người này hay người kia".

Một đứa trẻ thực sự tự tin phải là đứa trẻ có quyền lựa chọn.

Ví dụ như trường hợp bà mẹ Hồng Kông Trần Mỹ Linh, người có 3 cậu con trai cùng đỗ ĐH Stanford – ngôi trường danh giá hàng đầu nước Mỹ. Bà mẹ này cho rằng, một trong những bí quyết chính là tin tưởng và học cách để bọn trẻ tự quyết định.

"Việc biết cách lựa chọn và đưa ra quyết định là rất quan trọng. Tôi đã dạy các con điều đó từ khi còn nhỏ, ví dụ khi đi mua kem, con sẽ được chọn hương vị mà chúng thích. Hay đến khi đi học, con cũng được tự chọn trường mà bản thân cảm thấy phù hợp. Tôi nhận thấy con rất vui vẻ, điểm số khá tốt. Con yêu thích môi trường học ấy và luôn tự tin với lựa chọn của mình".

Ngày nay, trong cuộc sống thực tế, nhiều bậc cha mẹ luôn lo cho con cái mọi thứ, từ việc ăn, mặc, sử dụng hàng ngày, sở thích gì, chọn nghề gì, thậm chí có nhận lời mời từ bạn bè hay không đều phải được kiểm soát chặt chẽ. 

Những đứa trẻ xuất sắc, tự tin và lạc quan đến từ loại gia đình nào? Bài viết bố mẹ nào cũng nên đọc - Ảnh 5.

Mỗi đứa trẻ là một món quà độc nhất vô nhị, nhưng cuối cùng chúng trở thành ai phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ. (Ảnh minh họa)

Bằng cách này, ý thức tự chủ của trẻ bị kìm hãm, lòng tự tin bị giảm sút, thiếu trách nhiệm và nảy sinh tâm lý dựa dẫm vào người khác trong mọi vấn đề.

Kiểm soát con và quản lý mọi thứ cho con thực sự rất dễ dàng, nhưng đó cũng là cách giáo dục vô bổ và độc hại nhất.

Mỗi đứa trẻ là một món quà độc nhất vô nhị, nhưng cuối cùng chúng trở thành người thế nào phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ hãy động viên con nhiều hơn, bớt đòn roi, dành đủ tình yêu thương cho con, hỗ trợ con tiến về phía trước với thái độ tôn trọng, để con vững bước và tự tin hơn trên con đường trưởng thành trong tương lai.

Chia sẻ