Những khuôn hình tuyệt đẹp về “hai viên ngọc” Tuấn-Tú ở trường học Toa Tàu

Lê Minh ,
Chia sẻ

Ở trường học Toa Tàu “Trẻ con luôn được là chính mình”. Và khi được là chính mình, trẻ con là những viên ngọc thô sơ lung linh nhất, như câu chuyện của hai anh em Tuấn-Tú mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe dưới đây!

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_1

Chuyện kể rằng vào ngày khai giảng trường học Toa Tàu, tưng bừng nổ ra một ngày vui chơi (Play Day) với đủ các hoạt động sáng tạo như ảo thuật, kể chuyện với nickname, kịch mặt nạ, đấu sumo origami… Có hai cậu bé sống đâu đó cạnh trường học Toa Tàu thấy không khí ngày hội đông vui quá nên chạy vào chơi chung cùng mọi người. Như mọi đứa trẻ ham vui khác, hai cậu bé chơi cực kỳ hăng say, ai gì gì hai bé chơi nấy, thậm chí còn là những người chơi giỏi nhất nữa.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_2

Trưa vãn, khi ngày hội Play Day của Toa Tàu đã kết thúc, mọi người đã về hết, hai cậu bé ấy vẫn chơi chưa chán nên các giảng viên ở trường học Toa Tàu mời luôn hai em vào ăn cơm chung. Lúc ấy, gia đình Toa Tàu mới biết hai cậu bé tên là Tuấn – Tú. “Hai con từ đâu đến? Dạ, tụi con ở…ngoài đường”.Câu trả lời của Tuấn – Tú khiến mọi người té ngửa. Hóa ra, mẹ của Tuấn – Tú có một gian hàng nhỏ bán mũ bảo hiểm, kính râm và khẩu trang ngay gần trước cửa trường học Toa Tàu. Cuối tuần không đi học, hai anh em Tuấn - Tú theo mẹ đến chỗ bán hàng, và hai bé đã tìm thấy trường học Toa Tàu từ đây. 

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_3

Từ đó, quen với không khí vui nhộn của Toa Tàu, vào hai ngày cuối tuần hai anh em Tuấn – Tú đều có mặt tại đây như hai cậu học trò chăm chỉ nhất trường. Có lớp học nào ở Toa Tàu, Tuấn – Tú cũng nhảy vào chơi. Ban đầu hai bé vẫn còn rụt rè lắm, lớp nào giảng viên cho phép vào mới dám vào. Dần dần, có lẽ không giảng viên nào cầm lòng được trước vẻ mặt và ánh mắt háo hức khám phá mọi thứ của Tuấn – Tú nên hai bé đã có mặt hầu như ở mọi lớp học của Toa Tàu. “Thế nhưng hai bé rất ngoan nhé, lớp nào giảng viên bảo “Hai con ra ngoài” thì hai bé sẽ vâng lời, đi ngay. Tuấn – Tú dường như rất thích lớp Chụp ảnh kể chuyện, hai bé ngồi xem và bình luận ảnh như thể ta đây rất am hiểu việc chụp ảnh vậy”, Trần Uyên Nguyên, Admin Fanpage Toa Tàu kể.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_4

 Trở thành hai cậu học trò bất đắc dĩ của Toa Tàu, hai anh em Tuấn – Tú đem lại cho tất cả những thành viên của Toa Tàu từng tiếp xúc với hai em bao nhiêu bất ngờ thú vị. “Hai bé có một niềm đam mê học hỏi mãnh liệt với mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Ở đây, hai bé làm mọi thứ bằng tất cả sự hứng thú của mình, trong mọi hoạt động các em tham gia. Không bị gò bó bởi bất kỳ nguyên tắc nào, Tuấn – Tú thoải mái thể hiện mọi cảm xúc, mọi ý tưởng của mình lên giấy”, Nguyễn Tuấn Tú – giảng viên khóa Khám phá hình ảnh 5 – 8 tuổi, cho biết.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_5

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_22

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_8

 Với Tuấn – Tú, hai ngày cuối tuần ở Toa Tàu giống như hai ngày ở thiên đường trẻ em – nơi có rất nhiều trò vui. Tuấn – Tú tham gia mọi hoạt động trong và ngoài lớp học với tinh thần cực kỳ mê say, với khuôn mặt đầy vẻ háo hức (mỗi gì có trò chơi gì mới) lẫn ngô nghê (mỗi khi có điều gì đó khó hiểu). Những cánh tay bật nhanh trong lớp học, những bước chân chạy lăn tăn đầy vội vã, nét mặt chăm chú cao độ khi tập trung ngồi/đứng/nằm cắt, dán, vẽ, khuôn mặt ngô nghê pha lẫn ngạc nhiên thích thú khi lần đầu nhìn ngắm những thứ kỳ diệu… của hai anh em Tuấn – Tú đã trở thành nguồn cảm hứng cho không biết bao nhiêu khoảnh khắc ảnh đẹp ở Toa Tàu.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_10

Hoang dại, tự nhiên và sáng tạo”là ba từ mà Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên khóa Khám phá hình ảnh 5 – 8 tuổi, miêu tả về hai anh em Tuấn – Tú. “Có thể ví hai anh em Tuấn - Tú như cỏ dại có sức phát triển mạnh mẽ tươi tốt, có vẻ đẹp của sự hoang dại khác hẳn vẻ đẹp của các em bé sinh ra trong những gia đình khá giả, được đến trường và được gia đình, xã hội uốn nắn theo những khuôn khổ và sự “tù túng” nhất định. Ba mẹ Tuấn – Tú là dân lao động nên cách dạy con của họ có phần khá tự do và thoải mái hơn. Hai em không phải đến trường sớm hay đi học thêm từ nhỏ nên Tuấn và Tú không bị ảnh hưởng bởi tư duy lối mòn và gò bó của người lớn”, Ngọc Hà cho biết.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_11

Tuấn – Tú có lẽ là một câu chuyện đặc biệt ở Toa Tàu khiến bất kỳ giảng viên nào cũng thích thú nhìn ngắm và tìm hiểu về sự phát triển tính cách của một đứa trẻ. “Giảng viên chúng tôi không phải tìm cách "giải phóng, khơi gợi tài năng tiềm ẩn" cho Tuấn –Tú như những đứa trẻ khác, mà hai em đã tự nhiên sẵn có tài năng ấy rồi. Hai em thoải mái sử dụng "nội lực" dồi dào sẵn có ấy để tự do sáng tạo. Chúng tôi chỉ việc duy trì môi trường không phán xét và áp đặt để hai em tiếp tục tạo ra những tác phẩm của riêng mình”, cô giáo Ngọc Hà chia sẻ.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_12

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_13

Không bị giới hạn bởi rào cản nào, những bức tranh do Tuấn – Tú tạo ra cũng giàu cảm xúc. Nếu như những sản phẩm tranh vẽ của Tú, cậu bé mới tròn 4 tuổi, (ảnh trên) vẫn còn rất thô sơ, chỉ là những mảnh ghép màu sắc ngẫu nhiên, thì  “Tuấn – năm nay học lớp 2 – đặc biệt bộc lộ khả năng vẽ và tư duy hình ảnh tốt khiến các giảng viên rất ngạc nhiên về khả năng sáng tạo của bé”,thầy giáo Tuấn Tú cho biết. (ảnh dưới) (Ảnh: Toa Tàu)

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_14

Không chỉ ham học, Tuấn – Tú còn có cách thể hiện tình yêu thương với mọi người rất tình cảm. Hai em để ý đến từng người mình gặp và nhiều khi còn vẽ tặng mọi người nữa, giảng viên Tuấn Tú kể. “Tôi là chăm sóc (care-taker) Toa Tàu, là người có mặt sớm nhất tại đây. Và mỗi cuối tuần mỗi khi tôi đến Toa Tàu thì đã thấy Tuấn – Tú có mặt ở đó. Hai bé hay hỏi tôi “Cô ơi, cô muốn con giúp gì không?”. Mỗi ngày công việc của tôi đều có phần lau dọn Toa Tàu và hai bé cứ chạy ra chạy vào hỏi “Cô ơi, con có giúp gì được không?” và giúp tôi lau dọn mọi thứ khí thế luôn. Tôi có cảm giác tình huống này giống như câu chuyện nàng công chúa Cindrella đang gặp nạn thì có hai con chim do Thượng đế gửi đến phụ giúp nàng vậy đó”, Uyên Nguyên vừa cười vừa kể một kỷ niệm vui với hai anh em Tuấn – Tú.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_23

 Sau khi kết thúc các buổi học, Tuấn – Tú quay về với mẹ ở gian hàng bán mũ bảo hiểm, kính râm bên cạnh Toa Tàu vào giờ nghỉ trưa. Ở đó hai anh em ngồi chờ mẹ bán hàng, nhìn ngắm xe cộ ngoài đường và nghĩ về những chuyện xảy ra xung quanh mình.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_16

Nguyễn Anh Tuấn, 7 tuổi, học lớp 2.

Con thích nhất ở Toa Tàu điều gì? Vẽ. Con thích vẽ gì nhất? Vẽ chim, vì chim đẹp, có nhiều màu

Vậy con chim của con sẽ có màu gì? Dạ, màu đỏ. Tại sao con chim của con lại màu đỏ?- Vì con thích lửa

Ngoài chim con còn thích vẽ gì nữa? Con thích vẽ rồng

- Trong Toa Tàu, con thích chơi với ai nhất? Em con. Vì không ai chơi với em cả, nên con muốn chơi với em để em không buồn.

Ước mơ của con khi lớn lên là gì? Con muốn trở thành họa sĩ. Tại sao con lại thích đến chơi ở Toa Tàu? Ở đây vui ạ.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_17


Nguyễn Anh Tú, 4 tuổi

Con thích vẽ gì nhất? Vẽ món ăn ạ. Con thích ăn món gì nhất? Đùi gà.

Ngoài món ăn, con còn thích vẽ gì nữa? Vẽ rồng. Sao cả hai anh em con đều thích vẽ rồng vậy? Tại rồng dữ.

Tại sao nhìn mặt con hiền khô mà con lại thích rồng dữ? Con muốn nuôi rồng từ nhỏ để lớn lên rồng chở con đi chơi. Ai mà quýnh con, con rồng sẽ ăn thịt người đó.

Trời, sao con rồng đó ác vậy. Con có thấy rồng ăn thịt người là ác lắm không? Dạ không. Con rồng sẽ tiêu diệt bọn người xấu.

Sau này lớn lên con muốn làm gì? Con muốn làm cảnh sát. Tại sao con muốn làm cảnh sát? Vì con muốn bắt những người làm chuyện xấu. Người nào mà chích xì ke ở trên cầu sẽ bị bắt hết (Ở gần chỗ hai bé ngồi là cây cầu đi bộ gần khu du lịch Văn Thánh, hàng ngày dưới chân cầu có nhiều người đến chích xì ke lén mà không bị công an phát hiện – chú thích của PV).

Toa Tàu, con thương ai nhất? Dạ, cô Hà. Trong Toa Tàu, con thích chơi với ai nhất? Con chó Bắp, mà nó chết vì ngộ độc thực phẩm rồi cô ơi. (Chú chó Bắp đã bị ăn trúng bã mà chết – PV)

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_7

Hai bé Tuấn Tú giống như hai hành khách “đi lậu vé” ở Toa Tàu mà chẳng vị chủ toa nào muốn đuổi xuống vậy”, Uyên Nguyên dí dỏm bình luận. “Ở ngoài kia không khí rất nóng bức, không có quạt, không có máy lạnh, không có chỗ cho hai bé chơi nên chúng tôi cho hai bé vào Toa Tàu, ở đây có sẵn giấy, sẵn bút, có trẻ em để hai bé chơi chung. Hai bé tham dự hết các lớp học của Toa Tàu mà không tốn xu nào. Dù không thu học phí nhưng những điều Tuấn – Tú mang lại cho Toa Tàu nhiều hơn tiền bạc. Đầu tiên là hình ảnh, hai bé là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bức ảnh đẹp về sự hồn nhiên của trẻ thơ”.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_18

“Thường Tuấn – Tú vào Toa Tàu chơi thì sẽ quăng đồ đạc lung tung và tôi phải đi dọn dẹp mọi thứ. Những lúc ấy tôi chỉ muốn bảo hai bé ra về vì ai mà suốt ngày cứ đi theo các bé dọn dẹp hoài. Lúc ấy, chị Thủy, đồng sáng lập Toa Tàu, mới bảo tôi thế thì cho hai bé một cái thùng, cho tất cả mọi thứ hai bé chơi vào đấy. Thế là Tuấn- Tú có hẳn một thùng đồ chơi riêng tại Toa Tàu: giấy, viết, màu, thú nhồi bông… đủ mọi thứ. Từ câu chuyện này, tôi nhận ra là có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề của trẻ nhỏ chứ không phải là kiểu “Nếu bạn gây rối ở đây thì mời bạn về”, Uyên Nguyên kể.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_9

 “Tôi nhìn thấy Tuấn - Tú làm mọi thứ gần như bằng bản năng với nguồn năng lượng rất dồi dào. Nguồn năng lượng ấy không phải là dạng hiếm gặp mà giống như nguồn năng lượng mà mỗi người lớn chúng ta đã từng có thưở nhỏ, từ lúc còn chưa đến trường đi học: lòngđam mê, nhiệt huyết, nhiệt tình với tất cả mọi thứ khi còn là một đứa trẻ. Dường như chẳng có lớp rào cản nào ở hai anh em Tuấn -Tú và ta nhìn thấy ngay bản chất con người của hai em, ta có thể chạm ngay vào trái tim của hai bé. Khác với thế giới người lớn, do những va chạm xã hội trải qua trong quá trình lớn lên, chúng ta đã bọc quanh mình những vỏ bọc khác nhau để rồi một ngày nào đó chúng ta khát khao được cởi bỏ hết mọi thứ để tìm lại chính mình”, giảng viên Tuấn Tú bày tỏ cảm xúc bản thân khi nói về hai bé Tuấn – Tú.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_19

 Câu chuyện này không có bóng dáng của người lớn nào, chỉ có lời kể của những giảng viên, những thành viên của Toa Tàu từng tiếp xúc với hai anh em Tuấn – Tú. Câu chuyện này cũng không kể về hoàn cảnh gia đình của Tuấn – Tú ngoài lời giới thiệu: Ba mẹ của Tuấn – Tú vốn sống ở Q. Thủ Đức, hàng ngày mẹ Tuấn – Tú đến gian hàng mũ bảo hiểm, kính râm cạnh Toa Tàu buôn bán và vào cuối tuần chị dắt hai bé ra gian hàng cùng mình. Có lẽ trước khi đến với trường học Toa Tàu, để hình dung về cuộc sống của Tuấn – Tú, mọi người có thể ghé gian hàng mũ bảo hiểm này vào giờ nghỉ trưa để nhìn thấy hai bé Tuấn – Tú chơi và sống như thế nào.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_20

Trong câu chuyện này, tôi không muốn kể về chuyện hai anh em Tuấn – Tú đã sống thiếu thốn tình cảm thế nào, thiếu sự quan tâm của người lớn ra sao. Sự thiếu quan tâm chỉ vì ba mẹ các em là những người dân nghèo đang mải mê với cuộc mưu sinh vất vả mà không có thời gian dành cho con chứ không phải vì họ không muốn. Tôi chỉ muốn kể câu chuyện về cuộc sống hồn nhiên và những khuôn hình tuyệt đẹp về sự ham học hỏi, ham khám phá thế giới của Tuấn – Tú khi tình cờ bắt gặp hai em ở Toa Tàu. Như lời thầy giáo Tuấn Tú nói: “Người ta có câu “đá thô chưa mài” thì hai bé Tuấn – Tú giống như “trẻ con nguyên khối chưa mài vậy". Tuấn - Tú giống như "hai viên ngọc có vẻ đẹp nguyên sơ nhưng lại tỏa sáng thật lung linh”, tôi chỉ muốn kể câu chuyện về “viên ngọc tuổi thơ đẹp lung linh” mà mỗi người lớn chúng ta đều đã từng có trong đời, ngay từ lúc mới sinh ra. Thế nhưng vì mải mê với cuộc sống đầy bon chen này, người lớn chúng ta đã cất giấu viên ngọc ấy vào một nơi rất xa xôi nào đó trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Hai viên ngọc Tuấn Tú ở trường học Toa Tàu_21
Chia sẻ