Những người thành đạt chia sẻ bí quyết giữ gia đình

,
Chia sẻ

"Cơm sôi hạ lửa", "một điều nhịn chín điều lành"…, rất nhiều cách giữ gìn hạnh phúc gia đình đã được đúc kết, nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là trong cuộc sống hiện đại.

Với những cặp vợ chồng bận rộn, điều này lại càng khó hơn. Khó, nhưng không phải là không làm được.
 
Một điều nhịn, chín điều lành
 
Với vợ chồng diễn viên Trương Ngọc Ánh và doanh nhân Trần Bảo Sơn, do quỹ thời gian của cả hai đều không ổn định nên việc phân bổ thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu công việc vừa có thể chăm sóc bạn đời là điều không dễ. “Nói về nhu cầu quan tâm, chăm sóc nhau thì bao nhiêu cũng không đủ, nên cốt yếu là cả hai phải biết thông cảm và chia sẻ với nhau”,  Ngọc Ánh nói.
 

Vợ chồng diễn viên Trương Ngọc Ánh.

 
Vợ chồng sẽ chẳng thể tránh khỏi những lúc giận hờn và tùy theo cảm giác mỗi người, sẽ có người làm lành trước. Nhưng rất ít khi hai vợ chồng giận lâu. Với quan niệm “một điều nhịn, chín điều lành”, họ hạn chế việc kéo dài thời gian giận hờn. Với Ngọc Ánh, không thiệt thòi gì khi nhịn chồng mình.

Thời điểm Trương Ngọc Ánh mang bầu cũng là lúc hai vợ chồng rất băn khoăn và hồi hộp. Cho đến bây giờ thì cảm giác của họ là như có một phép nhiệm màu khi nhận ra con cái là điều thiêng liêng nhất của gia đình. Hiện bé Bảo Tiên chỉ mới được hơn 1 tháng tuổi nên chị ngưng mọi hoạt động nghệ thuật để dành thời gian chăm sóc. Tuy con còn bé nhưng hai vợ chồng rất hay bàn bạc với nhau để thống nhất quan điểm về giáo dục khi con lớn.

Để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của nhau trên tôn chỉ thông cảm và chia sẻ, mọi khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết, đây chính là điều mà cặp vợ chồng nghệ sĩ - doanh nhân thành công này lấy làm kim chỉ nam cho hạnh phúc của mình.

Tuyệt đối không được làm gì sai

Chị Tô Thị Kim Hoa là Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM. Thời gian làm việc mỗi ngày của chị bắt đầu lúc 7 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ đêm. Hết giờ hành chính, chị phải đi cơ sở để gặp cán bộ chuyên trách tìm hiểu công việc, tiếp xúc cử tri (chị là đại biểu Hội đồng nhân dân quận 11). Lịch làm việc mỗi ngày của chồng chị, anh Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Phú Thọ, cũng không kém, những cuộc tiếp khách ngoài giờ hành chính là điều không thể tránh khỏi.
 
Chị Kim Hoa trong một chuyến công tác
chăm sóc trẻ em.

Vì công việc của hai vợ chồng rất đặc thù nên cả hai lập cho nhau những nguyên tắc cũng rất đặc thù: buổi trưa chồng phải ăn cơm cùng con, dù là cơm đặt sẵn. Mỗi sáng thứ Bảy và Chủ nhật, cả nhà phải ăn sáng cùng nhau. Đây cũng là lúc mọi người thể hiện sự quan tâm, kể cả “kiểm điểm” nhau.
 
“Cả hai vợ chồng vốn xuất thân là cán bộ Đoàn nên việc giờ giấc lệch pha, chúng tôi rất hiểu cho nhau. Điều quan trọng nhất là phải cố gắng điều chỉnh để sự lệch pha đó không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình và giáo dục con cái”, chị Hoa cho biết. 

Bí quyết để cân đối sự lệch pha đó rất đơn giản: chị vắng nhà thì anh nấu cơm, không nề hà. Hằng tuần, chị và anh đều về thăm nội, thăm ngoại. Anh sẽ là người “bỏ nhỏ” với con về những vấn đề tế nhị vì hai trẻ đều là con trai. Cách giáo dục của gia đình họ rất đơn giản, đó là để con phát triển theo hướng tự nhiên, cha mẹ chỉ hỗ trợ chứ không can thiệp. Điều quan trọng nhất, anh chị đều hướng đến một mục tiêu chung là gia đình, từ đó sẽ có những ứng xử phù hợp trong quỹ thời gian cho phép.
 
“Vợ chồng luôn nhắc nhở, căn dặn nhau không được làm gì sai trái, vì con cái sẽ nhìn vào chính bố mẹ để hình thành cách ứng xử của mình”, chị đúc kết.

Vợ là người “hạ lửa” khi “cơm sôi”

Với chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP HCM, thời gian làm việc hằng ngày là 15 giờ. Vào những ngày cuối tuần, trong khi người khác ăn những bữa cơm đầm ấm với gia đình thì chị lại rong ruổi với những chuyến cứu trợ, khi Nam, lúc Bắc. Chính vì thế, nếu với gia đình khác, vợ là người “giữ lửa” thì với gia đình chị Huệ, mọi vấn đề trong nhà đều do ông xã là Hà Văn Ấn, làm việc ở công ty Viễn thông TP HCM, sắp xếp, kể cả dạy con và thu vén tài chính.
 

Chị Huệ trong một chuyến cứu trợ.

Tuy thế, gia đình chưa bao giờ xảy ra cuộc cãi vã nào, con trai anh chị rất ngoan và không bao giờ làm bố mẹ phiền muộn. Để tìm được sự cảm thông tuyệt đối đó từ chồng, Huệ cho rằng đó là vì bản thân chị thành tâm với công tác xã hội, như đó chính là cuộc sống của chị. Rất nguyên tắc và nóng tính nên chị dễ nổi giận, nhưng trong những lần “cơm sôi”, chị luôn luôn là người “hạ lửa”.
 
“Tôi hiểu rằng phải có người nhịn trước, và tôi luôn là người tình nguyện nhịn trong các cuộc tranh luận gay gắt giữa hai vợ chồng. Tôi chỉ nghĩ mình là phụ nữ nên phải làm thế”, chị chia sẻ.

Đã có lần hai vợ chồng không ai thua ai trong việc quyết định có nên cho con đi học võ hay không. Giải pháp cuối cùng là để con tự chọn. Đó cũng là nguyên tắc giáo dục con của vợ chồng chị: quyết định của con là trước nhất. Ngay từ lúc nhỏ, cậu con trai của anh chị đã phải vào học bán trú chỉ vì anh chị muốn rèn con tính kỷ cương trong giờ giấc sinh hoạt hằng ngày. Khi con lớn, anh chị dạy bằng những câu chuyện hiếu thảo, những mảnh đời bất hạnh mà chị gặp khi công tác xã hội với phương châm: trên đời này còn rất nhiều người bất hạnh, và mình hết lòng với người khác, người khác sẽ hết lòng với mình.

 “Tuy ít có thời gian ở nhà nhưng những sự kiện trọng đại của gia đình không bao giờ thiếu vắng tôi. Quan trọng nhất là mình biết cách sắp xếp sao cho cân đối được mọi thứ”, chị Huệ cho biết.

Hạnh phúc gia đình từ sự đồng thuận
 
“Cô ơi, cô hiền, dễ chịu và gia đình cô cũng ấn tượng nữa. Em ngưỡng mộ mái ấm của cô quá. Em kính chúc cô và gia đình mãi mãi hạnh phúc, nhiều sức khỏe và thành công. Học trò của cô: Đoàn Thị Minh Châu, sinh viên ngành ngôn ngữ học”; “Em có thể trở thành con dâu của cô được không? Hy vọng là vậy cô nhỉ! Vì em hâm mộ mái ấm của cô quá. Nguyễn Hoa, sinh viên khóa 2006-2010”…
 
Đó là những lời chúc mừng thường gặp của các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh dành cho tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lang, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ nhân ngày 20/11 hay lễ tết. Tổ ấm của cô Lang và giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân luôn là mơ ước của nhiều người.
 

Vợ chồng tiến sĩ Ngọc Lang.

 Tiến sĩ Lang chia sẻ bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình: “Cái gì cũng có sự thông cảm, chia sẻ cùng nhau như chuyện công việc, dạy con cái… Cả thầy cô cùng làm công tác nghiên cứu, giảng dạy nên rất dễ thông cảm cho nhau trong việc quản lý gia đình”. Cô Lang kể rằng, tuy đảm nhiệm vai trò nội trợ trong gia đình nhưng có những hôm bận nên đi chợ muộn, ở nhà thầy Dân sẽ làm thay mọi việc như rửa bát, nấu cơm…
 
Giáo sư Nguyễn Đức Dân nói: “Đồng cảm giữa vợ chồng, tôn trọng và chia sẻ sẽ tạo ra không khí tốt trong gia đình. Không nên quan niệm rằng nội trợ chỉ là việc của phụ nữ. Trong cuộc sống hiện đại, mọi người bình đẳng và mọi công việc đều có thể sẻ chia”.

Về bí quyết nuôi dạy con, thầy cô cho rằng, cha mẹ không chỉ thương con cái mà quan trọng là phải trở thành chỗ dựa tinh thần những lúc con cần. Lúc nào con khó khăn, đã có cha mẹ cần ở bên chia sẻ, như người bạn tin tưởng nhất để con tâm sự mọi chuyện.  “Cha mẹ không nên tạo áp lực cho con cái. Thay vì ép uổng, thúc bách, hãy tạo cho con không khí thoải mái để nó tự giác trong việc tìm phương pháp học tập, như vậy con mình sẽ học giỏi. Tuy nhiên, cha mẹ phải là những tấm gương sáng cho con noi theo”, giáo sư Dân nói. Nguyễn Đức Duy, con trai của họ, từng là thủ khoa toàn quốc tốt nghiệp THPT năm 2007, hiện là sinh viên công nghệ thông tin tại Đại học Quốc Gia Singapore.
 
Vào những ngày nghỉ, đặc biệt là những dịp lễ, Tết, cả nhà thường đi chơi hoặc du lịch đây đó để vừa tạo không khí thoải mái cho các thành viên, lại vừa thắt chặt tình cảm. Theo thầy Dân, đó cũng là một bí quyết giữ cho hạnh phúc gia đình luôn trọn vẹn.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ