Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1)

Theo Libero,
Chia sẻ

Hành trình về vùng đất Ninh Bình, nơi có cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt xưa, nơi ghi dấu ấn của ba triều đại nhà Đinh, Tiền Lê và Lý.

Ninh Bình hiện đang được nhà nước đầu tư để trở thành một thành phố du lịch trọng điểm ở khu vực miền Bắc. Du khách khi đến với Ninh Bình sẽ được đắm mình trong vẻ hữu tình của cảnh quan sông núi vô cùng thơ mộng. Hãy bắt đầu hành trình tại bến thuyền Tam Cốc...

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 1
Đường vào Tam Cốc

Chiếc thuyền nan nhỏ bé sẽ từ từ đưa bạn vào một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, hai bên là những cánh đồng lúa xanh rì còn thơm mùi mạ non. Những ngọn núi chập chùng mang theo vô số truyền thuyết huyền bí. Nào là núi Văn núi Võ đang đứng song hành cùng nhau, bên cạnh là dãy Voi Phục với hình dáng như một đàn voi đang quì gối trước kinh đô Hoa Lư. Nào là Bến Thánh trầm mặc cạnh bờ sông, tương truyền rằng đây là nơi trà dư tửu hậu của các bậc tiền nhân. Kia là Nghinh Phong Ngoại, nơi gió luôn thổi ngút ngàn. Dưới chân núi, là những vườn sen hãy còn đang độ xuân xanh, lấp ló những búp xanh tươi mơn mởn của vụ đầu hè.

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 2
Bến Thành

Con sông Ngô Đồng hiền hòa lượn quanh, đưa bạn đi sâu hơn vào Tam Cốc, hay còn gọi là Xuyên Thủy động, có nghĩa là ba hang. Nơi này xưa kia là biển cả, trải qua hàng ngàn năm biến động của những tầng địa chất, đã tạo nên những hang động với vô số hình thù kì lạ. Đầu tiên là Hang Cả với chiều dài khoảng 127m, cửa hang rộng 20m, bên trong hang có vô vàn thạch nhũ hình dạng kì bí. Ra khỏi Hang Cả, thuyền tiếp tục chèo khoảng 1km nữa sẽ đến được Hang Hai, dài khoảng 60m. Tương tự như Hang Cả, hang này cũng có nhiều thạch nhũ rũ xuống rất đẹp mắt. Cách đó không xa là Hang Ba, hang nhỏ nhất, dài tầm 50m, trần hang thấp. Điểm chung của cả 3 hang này là vào mùa Hè thì không khí mát lạnh, mùa Đông thì trong hang lại ấm hơn hẳn bên ngoài.

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 3
Sông Ngô Đồng

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 4
Hang Cả

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 5
Hang Hai

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 6
Hang Ba

Vừa ra khỏi Hang Ba, bạn sẽ được nghỉ ngơi tại một bến thuyền nho nhỏ. Tại đây có những chiếc thuyền buôn bán phục vụ nhu cầu giải khát của du khách. Trên bờ còn có một ngôi miếu thờ sơn thần. Bạn có thể lên bờ đốt nén hương tâm linh cho vị thánh cai quản vùng sơn thủy này, rồi bách bộ quanh đền để ngoạn cảnh trước khi xuống thuyền trở ra lại bến Tam Cốc. Hoặc thỏa thuận với người lái đò nếu bạn muốn tiếp tục hành trình tiến sâu vào con sông Ngô Đồng để đến với Suối Tiên, nơi mà nước sông trong vắt có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng dưới đáy. Truyền thuyết kể lại rằng, sở dĩ có tên gọi là suối tiên vì ngày xưa các tiên nữ thường tắm ở đây. Hoặc bạn có thể mua mời người lái đò một chai nước và nghe họ kể về những truyền thuyết lịch sử của quê hương mình, về sự tích của những ngọn núi, về sự ra đời của những ngôi đền thiêng liêng, về những lễ hội truyền thống của thôn làng...

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 7
  
Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 8
  
Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 9
  
Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 10
Phong cảnh Tam Cốc

Vừa nhâm nhi bánh trái, vừa nghe tích xưa, trong một không gian tĩnh lặng, không tiếng xe máy, không khói bụi ô nhiễm, chỉ có thiên nhiên núi rừng, chỉ có tiếng mái chèo khua nhè nhẹ, tiếng chào mời giòn giã của cô bán hàng, tiếng kể chuyện của người lái đò. Trời thanh gió mát, khung cảnh hữu tình, có phải vì thế mà vùng đất này đã lưu dấu chân của nhiều danh nhân nhiều thời đại từ xa xưa đến đây để rồi tức cảnh cho ra đời biết bao nhiêu bài thơ tuyệt tác.

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 11
Trập trùng đồi núi bao quanh

Ngô Đồng một giải sông xanh lượn lờ

Đường vào Tam Cốc như mơ

Như đưa hồn khách men bờ cảnh Tiên

(thơ Phạm Đình Nhân)

Rời bến thuyền Tam Cốc, đi vào chừng 2km nữa sẽ tới đền Thái Vi, được xây dựng vào thế kỉ thứ 13 thờ các vì vua đầu của triều đại nhà Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và các vị tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải cùng hoàng hậu Thuận Thiên. Đền được xây dựng theo kiểu “ nội công ngoại quốc”, lưng tựa vào núi Cấm Sơn, mặt hướng ra sông Ngô Đồng. Đường vào đền cây phủ bóng mát rượi. Trước đền có Giếng Ngọc xây bằng đá xanh, bên trong có gác chuông làm bằng gỗ lim. Hầu hết các kiến trúc tượng đài trong đền đều được tạc bằng đá xanh tạo nên giá trị vô cùng to lớn cho ngôi đền này. Hai bên đền có 2 ao nước không bao giờ cạn mà người dân thường gọi là "mắt rồng". Xưa khi vua Trần Thái Tông đến đây lập am Thái Vi để tu hành, người đã ví nơi đây như là chốn tiên cảnh:

Thủy thức Bồng lai nguyên bất viễn

Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần

(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai có đâu xa

Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần)

(thơ Trần Thái Tông)

Trông coi đền là một vị trưởng lão am hiểu về lịch sử ngôi đền, sẽ thuật lại cho bạn nghe về những giá trị văn hóa cũng như kiến trúc, tôn giáo và tinh thần mà đền Thái Vi mang lại. Đây là một di tích lịch sử quí giá cần được trân trọng và giữ gìn.

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 12
Đường đến Thái Vi

Ninh Bình - Trở về vùng đất cố đô (P.1) 13
Đền Thái Vi

Trên đường đi Thái Vi, bạn đừng quên ghé thăm động Thiên Hương. Động cao khoảng 60m, rộng 20m, còn có tên gọi là Động Trời do trên đỉnh động rỗng. Trong động có thờ bà Trần Thị Dung, vợ vua Lý Huệ Tông, là người đã truyền cho nhân dân xã Ninh Hải nghề thêu ren.

Cũng nằm trong khu du lịch Tam Cốc, một nơi mà bạn phải nên ghé qua trước khi kết thúc hành trình ngày đầu tiên ở Ninh Bình, đó là nam thiên đệ nhị động: Bích Động. Đây là động đẹp thứ nhì trời Nam sau động Hương Tích (chùa Hương). Trước động là dòng sông Hoàng Long. Trên có chùa Bích Động, một ngôi cổ tự được dựng vào thời nhà Hậu Lê. Chùa gồm có Chùa Thượng, Chùa Trung và Chùa Hạ tựa lưng vào dãy Ngũ Nhạc Sơn. Để lên được Chùa Thượng bạn phải đi qua một hang tối và ẩm ướt. Từ Chùa Thượng phóng tầm mắt ra xa, bạn có thể quan sát cả một vùng rộng lớn những cánh đồng lúa bát ngát bên cạnh dòng Hoàng Long hiền hòa, những dãy núi chập chùng nhấp nhô xa xa sẽ là một bức tranh tuyệt vời khiến bạn không nỡ rời mắt trước vẻ đẹp toàn bích này.

Để kết thúc ngày tham quan đầu tiên, bạn có thể tự thưởng cho mình bữa tối bằng đặc sản nổi tiếng của Ninh Bình là cơm cháy, thịt dê. Hãy hỏi dân địa phương đường đi đến quán Hữu Dê hoặc Đức Dê. Đây là hai nhà hàng thịt dê cơm cháy nổi tiếng ở Ninh Bình với chất lượng đã được nhiều thực khách kiểm định và giá cả dễ chịu.

Sau khi ăn tối, bạn có thể dạo một vòng quanh thành phố về đêm. Sau đó nghỉ ngơi sớm để chuẩn bị cho chuyến về nguồn tiếp theo vào ngày hôm sau: danh thắng Tràng An – Bái Đính, một địa điểm rất nổi tiếng tại Ninh Bình. Chắc chắn bạn sẽ lại ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, đã ưu ái dành riêng cho xứ kinh kỳ này.

(Còn tiếp)

Chia sẻ