Nỗi ám ảnh mang tên “quê vợ"

Hạnh Mai,
Chia sẻ

Anh chê quê vợ nghèo nàn, lạc hậu, nên dù đến ngày giỗ bố chị, anh vẫn chẳng chịu về thắp cho ông lấy một nén nhang.

Những lần về quê vợ "nhớ đời"

Vốn sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo thuộc tỉnh Lào Cai nhưng bản chất chăm chỉ và hiếu học đã giúp Thanh thi đỗ trường Đại học lớn tại Hà Nội. May mắn mỉm cười  khi chưa ra trường Thanh đã được một công ty lớn trong ngành tài chính tuyển dụng. Thanh còn may mắn hơn khi lấy được anh chàng “Hà Nội gốc”.

Xét mọi khía cạnh, chồng Thanh là người đàn ông khá hoàn hảo, nhưng anh mắc một căn bệnh “kinh niên” là bệnh sợ bẩn, sợ nghèo. Đó là lý do dù lấy nhau được ngót 8 năm và có 2 mặt con mà số lần Tuấn - chồng Thanh về thăm quê vợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể, lần thứ nhất là trong 3 năm yêu nhau, Tuấn theo nhóm bạn của Thanh lên Sa Pa chơi, lần thứ 2 là ngày cưới của 2 người, lần thứ 3 là cách đây gần 4 năm bố đẻ của Thanh mất. Bố mẹ Tuấn khuyên nhủ, giục giã mãi anh mới nhăn nhó về chịu tang.

Lúc đầu, Thanh cũng không trách chồng, cô nghĩ anh vốn quen chăn ấm, đệm êm, ăn sung mặc sướng nên anh không chịu được khổ. Nhưng đến ngày giỗ bố trong các năm tiếp theo, Tuấn cũng không chịu về quê thắp cho bố vợ nén nhang, mặc cho mẹ con Thanh tự đón xe ra ga ngồi tàu về quê ngoại, thì Thanh thực sự thất vọng với những lý do ích kỷ Tuấn đưa ra.

Lúc thì Tuấn đưa là lý do bận công việc, đi công tác, tân gia nhà sếp. Rồi có lần do không chịu nổi lời gặng hỏi của vợ, Tuấn gắt gỏng thẳng vào mặt vợ: “Về đó làm gì, vừa bẩn thỉu lại lạc hậu, đường đi thì trèo đèo lội suối, trẻ con thì chân đất thò lò mũi xanh, cỗ bàn thì ruồi bâu muỗi đậu, động một tí là toàn bọ chó với vắt… Em cô ra đây học tôi có tiếc gì tiền cho chúng nó, hàng năm tôi đều gửi tiền và quà đủ về cho mẹ rồi, cô còn muốn gì nữa?”.

Vì vậy, mỗi lần về quê, Thanh lại nhận được câu hỏi quen thuộc: “Chồng đâu sao năm nào cũng về một mình, nó bận thế cơ à?”. Dĩ nhiên Thanh không thể “vạch áo cho người xem lưng” nên lấp liếm cho chồng bằng nhiều lý do mà đến cô cũng cảm thấy ngượng ngùng “Anh ấy đi công tác nước ngoài”, “Anh ấy đang bị ốm”, “Nhà chồng đang có việc”…

Chỉ có thằng con trai lớn cứ vô tư trả lời khi người lớn hỏi sao bố nó không về: “Bố cháu bảo quê mẹ bẩn lắm, lại nghèo nữa nên không muốn về” khiến Thanh đang thắp nén hương cho bố mà không nén nổi nước mắt.

Nỗi ám ảnh mang tên “quê vợ
Chồng Thanh là người đàn ông khá hoàn hảo, nhưng anh mắc một căn bệnh “kinh niên” là bệnh sợ bẩn, sợ nghèo (Ảnh minh họa).

Hiên (28 tuổi) vốn là cô gái miền sông nước “gạo trắng nước trong”, nhan sắc nở rộ từ thủa cập kê khiến cho cô khó giữ lòng. 18 tuổi, Hiên đi bán hàng cho bà dì họ trong Sài Gòn, may mắn được chàng công tử sàn sàn tuổi mình si mê muốn sống đời ở kiếp với cô. Ban đầu nhà trai không đồng ý, nhưng kết quả siêu âm Hiên đang mang thai thằng cháu đích tôn khiến nhà trai gật đầu.

Đám cưới diễn  ra 2 nơi, nhà trai sang trọng đến đón cô dâu xinh xắn với cái bụng to lùm lùm đã vượt mặt trong căn nhà nứa 3 gian nằm sát bờ sông. Hai họ đang thưa gửi đôi bên thì chú rể bỗng nhiên “bụng bảo dạ” khó ở, đi tìm nhà vệ sinh. Yêu nhanh, cưới vội nên lần đầu đến nhà Hiên cũng là ngày cưới, anh chàng không thể ngờ rằng nhà vợ lại “hoàn cảnh” đến mức như vậy.

Sau khi hỏi đi hỏi lại nhiều lần, chồng Hiên vẫn không tin vào tai mình khi đứa em cô dâu thản nhiên đáp: “Nhà trên sông, không đi thẳng xuống đây thì còn chỗ nào”.

Không thể nhịn được nữa, chú rể đành “xả” ngay xuống sông, bên cạnh là gian bếp nhưng may sao cỗ bàn đã được chuẩn bị ở nhà văn hóa gần đó. Tuy nhiên, mọi tiếng động cũng vẫn vang dội không ngăn nổi. Qua ô cửa sổ, anh chàng còn nhìn thấy một bà cô đang ngồi rửa buồng chuối vừa đi chặt về cho lên ghe chuẩn bị đi bán ở phía xa xa…

Sau lần đó, dù sống chết thế nào, chồng Hiên cũng quyết không về quê vợ thêm một lần nào nữa.

Sợ con mới 18, 19 tuổi đầu chỉ biết đẻ mà không biết chăm con, mẹ Hiên tình nguyện lên chăm cháu.

Chồng Hiên không ngừng nhắc vợ: “Em dạy mẹ đi vệ sinh đi nhé, mẹ lại quen dùng cái 'toa lét' ở nhà thì sợ lắm!”. Sau chừng 5 lần bà giúp việc kêu ré lên vì cái nhà vệ sinh phòng mẹ vợ ở luôn trong tình trạng quên xả nước, mẹ Hiên xấu hổ nhất quyết đòi về quê.

"Yêu em yêu cả đường đi lối về"

Sau lần hai vợ chồng cãi vã ầm ĩ, Thanh gào lên với chồng: “Anh xem tôi làm dâu nhà anh có làm sai gì không, lễ lạt gì ở quê nội, quê ngoại anh tôi cũng không ngại đường xa, vậy mà bố tôi chết anh cũng nì nèo mãi mới chịu về, giỗ bố tôi mấy năm rồi anh về thắp được nén hương nào chưa, mẹ tôi ốm đi viện anh có về thăm lần nào…

Nước mắt ngắn nước mắt dài, Thanh quyết ôm 2 con lên tàu về quê. Lần này Tuấn sững sờ thật, chưa bao giờ anh thấy Thanh gay gắt như thế. Anh cũng không có ác ý gì, chỉ là anh sợ bẩn, sợ đến những nơi nghèo khó vì không quen nếp sống, nhưng anh không thể để “giọt nước tràn ly” được.

Suy nghĩ mãi, 2 hôm sau Tuấn cũng lên tàu về quê vợ. Trái ngược với suy nghĩ của anh, đường vào bản nhà vợ giờ đã được san phẳng, có lát xi măng, dải sỏi, chỗ suối phải lội ngày xưa cũng đã có cầu tre bắc qua…

Dù đường xá không thật sự dễ đi như ở thành phố nhưng so với những hình ảnh anh từng ám ảnh trong quá khứ thì mọi thứ đã dễ chịu hơn rất nhiều. Trẻ con cũng đã chịu đi giày dép, dù mặt chúng vẫ nẻ đỏ và hơi nhem nhuốc... Nhưng quan trọng hơn, Tuấn cảm thấy so với việc phải đánh đổi vợ và 2 đứa con thì việc dẹp bỏ thói ích kỷ của mình là điều cần thiết…
    
Không thể bắt ép chồng về quê vì theo như lý do chồng Hiên đưa ra: “Nói thật là anh không chê nhà em cái gì cả, nhưng đến cái nhà vệ sinh cũng không ra hồn, đến lúc buồn lại phải chạy sang nhà hàng xóm thì mất mặt lắm. Bảo bố mẹ xây lại thì không chịu”, Hiên cũng thông cảm cho chồng.

Mặc dù đã không ngừng “vận động” bố mẹ thay đổi nếp sống mới, xây nhà vệ sinh cho đàng hoàng nhưng ông bà cứ gạt đi: "Từ trước đến nay cả làng cả xóm sống thế có sao đâu. Giờ vì một thằng con rể tao phải khác người à?".

Phải đến mấy năm sau, khi vợ chồng Hiên gom góp được ít tiền xây cho bố mẹ vợ một căn nhà 3 gian ngay gần khu nhà cũ, chồng Hiên mới có thể thở phào mỗi lần về quê vợ.



Chia sẻ