Nỗi ám ảnh "sợ học" của con

,
Chia sẻ

Bé Lê Công Minh Hiếu, lớp 2B trường Đặng Trần Côn B, Hà Nội gần đây tỏ ra lo lắng bất thường, không thích ra chơi với bạn, đi ăn uống bên ngoài cùng người lớn cũng đòi về sớm.

Gặng hỏi lý do thì bé vừa sợ sệt, vừa bẽn lẽn trả lời là: "Con phải học, con sẽ bị điểm kém thì sao?". Có những lúc nói về thi cử, bé cứ rơm rớm nước mắt. Không biết các cha mẹ có nắm được tâm lý này để giúp đỡ trẻ hay không?

Ân cần, mềm mỏng

Các buổi học ở nhà của trẻ ở độ tuổi học cấp 1, cấp 2 thường không được "bình lặng" cho lắm, đặc biệt khi trẻ có bản tính hiếu động, kém tập trung. Tuy nhiên, không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải "thiết quân luật" với quát, với mắng, với cây thước kẻ lăm lăm bên cạnh. Không nhất thiết học ôn thi đồng nghĩa với nước mắt ròng ròng trên má! phải giữ cho trẻ một tâm lý thoải mái, ổn định - đó là điều quan trọng nhất để trẻ tự tin bước vào những bài kiểm tra.

Trẻ thường nhìn vào cha mẹ như những hình tượng hoàn thiện, như là những thần tượng vì thế một điều rất quan trọng là bạn phải bình tĩnh trong thời gian trẻ chuẩn bị thi cử, kể cả lúc học kèm và trong các hoạt động khác. Tránh để trẻ bị nỗi lo lắng của bạn làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Hãy ủng hộ, giúp đỡ con bằng cách chơi với con, nói với con về những khả năng bạn thấy được ở con và khuyến khích con làm hết sức mình. Sau khi kết thúc một trang viết, hay một bài toán, hãy để trẻ nói ra những suy nghĩ, lo lắng hay mối quan tâm của chúng, sau đó bạn hãy làm "công tác tâm lý", gạt bỏ mối lo lắng, sợ hãi và tiếp tục cổ vũ con tập trung vào những bài tiếp theo.



Công bằng với trẻ

Chỉ ra những bạn đồng niên có thành tích học tập giỏi đôi khi giúp trẻ có thêm động lực để phấn đấu. Tuy nhiên, mỗi trẻ phát triển ở mức độ khác nhau, với "lộ trình" khác nhau và việc so sánh trẻ với những đứa trẻ khác đôi khi thật vô nghĩa.

Thay vào đó, hãy học cách đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực của bé. Và sau khi đã thống nhất về mục tiêu phấn đấu thì bắt đầu thảo luận làm sao để đạt được kết quả đó. Đừng khiến con bạn cảm thấy nó quá kém cỏi, điều đó khiến lòng tự trọng ở trẻ bị tổn thương và sẽ ảnh hưởng đến sự háo hức của chúng trong học tập. Hãy thành thật với chính mình và công bằng với trẻ bằng cách khen thưởng và tặng quà cho con mỗi khi chúng cố gắng.

Bước từng bước nhỏ

Đừng kì vọng trẻ sẽ tiến bộ chỉ qua một hai đêm học hành miệt mài! Đặt ra những mục tiêu thực tế bao gồm cả việc giúp trẻ thực hiện nó một cách từ từ, bằng những tiến bộ nho nhỏ. Điều này giúp trẻ tự thiết lập những mục tiêu của riêng mình và sẽ bền bỉ học hành hướng đến đích đó. Hãy bắt đầu bằng điểm 7, sau đó điểm 8, 9, đừng hy vọng trẻ sớm đạt được điểm 10.

Giúp trẻ tập trung

Bắt trẻ học mà cả nhà thản nhiên ngồi xem TV và cười nói là rất bất hợp lý. Hãy tạo một không gian học tập tích cực với bàn học và ánh sáng phù hợp. Loại bỏ tất cả những chướng ngại vật ngăn cản trẻ tìm đến sự tập trung như phim, trò chơi điện tử, máy vi tính, tiếng bạn bè hàng xóm chơi đùa...

Bạn hãy cùng trẻ xây dựng một thời khóa biểu và giúp trẻ thực hiện chính xác giờ giấc đã ghi trên đó. Bắt đầu bằng những đề bài hay chủ đề đơn giản giúp trẻ có động lực, đồng thời nhằm khơi dậy sự quan tâm thích thú của trẻ trước.

Đan xen vào giờ học là những giờ nghỉ giải lao, hoạt động thân thể như đá bóng, chạy nhảy giúp trẻ năng động, hoạt bát. Điều này không những không làm trẻ kém hứng thú học hành, mà còn giúp trẻ tập trung hơn trong giờ học.

Theo Tiêu dùng

Chia sẻ