Nỗi khổ bị sàm sỡ của người chăm sóc bệnh nhân thuê

Theo Người Đưa Tin,
Chia sẻ

Có những bệnh nhân đã lên lão, lại đang ốm đau nhưng vẫn cố tình sàm sỡ, sờ mó lung tung khi các chị loay hoay chăm sóc họ.

"Điều dưỡng" nghiệp dư

Người ta nói có tiền thì cái gì cũng làm được nhưng cô Chùm và nhiều người khác làm nghề nuôi bệnh tâm niệm phải yêu thương thực sự mới có thể chăm sóc cho người bệnh một cách chu đáo như con cháu trong nhà...

Một ngày bình thường tại bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) nhộn nhịp người ra kẻ vào thăm nom bệnh nhân. Trong số đó, không ít người chọn nghiệp chăm sóc người bệnh để mưu sinh khi nhàn rỗi hoặc quê nghèo không công ăn việc làm. Quê ở Bến Tre, nhưng cô Nguyễn Thị Chùm (54 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) đã gắn bó với mảnh đất TP.HCM hơn 30 năm. Cô đã làm đủ mọi nghề trước khi chọn nghề chăm nuôi bệnh nhân để gắn bó lúc tuổi đã ngoài 50. "Tôi làm nghề này cũng được hơn ba năm rồi. Con cái của tôi đã lớn hết, không khó khăn về kinh tế nhưng đi làm kiếm thêm tiền, ở nhà cũng buồn, làm cái này muốn nghỉ giờ nào cũng được".

Nỗi khổ bị sàm sỡ của người chăm sóc bệnh nhân thuê 1
Miệt mài chăm sóc người bệnh bất kể ngày đêm (Ảnh: Hà Nguyễn)

Cô Chùm cho biết thêm: "Công ty nhận tiền hợp đồng với khách hàng và trả cho tôi 200.000 đồng/ngày. Một ngày với cái nghề này là phải thức trắng 24h, đút cho người bệnh từng chén cháo, dìu đỡ đi vệ sinh cá nhân, lau những vết mổ, vết thương... Chúng tôi may mắn còn có công ty quản lý, mệt thì phân người khác thay, chứ mấy người làm nghề này theo kiểu tự do còn cực khổ trăm bề. Khổ nhất của nghề nuôi bệnh là không được lòng khách hàng. Các cụ lớn tuổi, trái tính trái nết, đút gì ăn cũng hất đổ, dỗ cách mấy cũng không hé miệng nói một lời, cứ nằm im thin thít. Một số nằm im cho các chị, các cô chăm sóc, nhiều người không cho làm, đến gần thì mắng chửi thậm tệ".

Nghề nuôi bệnh không kén người làm, nam nữ, già trẻ đều được, nhưng cần phải chịu thương chịu khó, chu đáo, sạch sẽ. Tuy nhiên, cô Chùm cho biết: "Thường thì, người ta mướn phụ nữ trung niên nhiều hơn nam nữ thanh niên. Bởi phụ nữ có tuổi biết cách chăm sóc người bệnh, lại tỉ mỉ, chu đáo, chịu khó nữa. Mấy ông thanh niên chỉ được thuê chăm sóc người bệnh nặng ký, đi lại không được phải bồng bế nhiều. Nữ chăm cho người già và phụ nữ, còn nam chỉ chăm được nam thôi. Khó khăn vậy đó, mà nhiều ông vào bệnh viện để mong có người thuê làm việc, chứ giờ ở ngoài thất nghiệp nhiều lắm...".

Những người làm nghề nuôi bệnh có công ty quản lý sẽ bớt đi phần nào cơ cực của cái nghề ăn, ngủ, làm việc ở bệnh viện. Khổ nhất, người đi nuôi bệnh không có chỗ ngủ phải nằm tạm ghế đá, bờ hồ... trong những ngày thất nghiệp. Khi có khách, họ lại vật vờ bên giường bệnh của khách hàng và tận dụng những khi người bệnh ngủ thì chợp mắt một chút. Người trong nghề nói vui nhau là những điều dưỡng nghiệp dư. Tuy những người này đều không biết đến nghiệp vụ ngành y. Đa số những người đi nuôi bệnh lâu năm đều nắm rõ cách chăm sóc bệnh nhân thông qua kinh nghiệm, học hỏi từ điều dưỡng bệnh viện.

Nỗi khổ bị sàm sỡ của người chăm sóc bệnh nhân thuê 2
Cô Nguyễn Thị Chùm làm nghề nuôi bệnh tại bệnh viện Thống Nhất (Ảnh: Hà Nguyễn)

Khổ như làm dâu trăm họ

"Cứ nghĩ đó là lỗi của mình..."

Cô Nguyễn Thị Chùm chia sẻ: "Nhiều người bệnh thấy mình chăm sóc chu đáo, cẩn thận nên dù đã xuất viện, họ vẫn thuê mình chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, phần nhiều người ta thuê mình về nhà chăm sóc cho người bệnh nặng khó qua khỏi, chỉ chờ ngày chết. Về nhà họ, mình chỉ làm phần việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng cũng có nhà lợi dụng sai bảo thêm nhiều việc, thành ra mình chẳng khác gì con ở của họ". Nghề nuôi bệnh khổ trăm bề, khổ nhất khi chứng kiến cảnh người bệnh ra đi. Họ bảo, cảm giác lúc đó thấy day dứt, cứ nghĩ lỗi một phần là do mình chăm sóc chưa chu đáo…

Nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng nghề nuôi bệnh thực sự có những cái khó mà nhiều người không hiểu và cảm thông. Đôi khi, họ chấp nhận oan uổng để mưu cầu vật chất cho cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (35 tuổi, quê Tiền Giang) chia sẻ: "Tôi làm nghề nuôi bệnh tự do. Và một khi tự do thì cái gì ập đến đều phải chống chọi một thân một mình. Nghề nuôi bệnh cần cái tâm trong sạch và giàu lòng yêu thương. Người nào chỉ nhắm vào tiền công mà làm việc qua loa đại khái sẽ không trụ lâu trong nghề. Thêm một cái khó nữa trong việc chăm sóc bệnh nhân mà người nuôi bệnh phải đối diện là không được lòng người bệnh. 

Cô Chùm chia sẻ: "Con cái của người bệnh thuê mình chăm sóc cho bệnh nhân. Mình chăm thật kỹ lưỡng, thức trắng đêm lo lắng cho họ. Vậy mà, khi con cháu vào thăm, họ lại bảo mình bỏ bê công việc, không cho họ ăn, cáu gắt với họ. Thế là, con cháu họ mắng nhiếc mình thậm tệ, người nghe mình giải thích rồi hiểu chuyện còn thông cảm. Nhiều người ngang ngược vịn vào cớ đó đuổi mình mà không trả một đồng nào".

"Phận làm dâu trăm họ" như trên cũng "nước mắt chan cơm", chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều cô, nhiều chị thân hình ốm o mà phải dìu đỡ cụ ông, cụ bà mập mạp, nặng ký. Họ phải gạt bỏ những ngại ngùng để tắm rửa, lau người cho bệnh nhân. Không những vậy, họ còn phải chịu đựng mùi hôi xú uế thải ra của người bệnh, căng mắt ra lau chùi những vết thương… Gặp người bệnh không đứng đắn, mấy chị làm nghề này còn bị sàm sỡ, lợi dụng lúc các chị loay hoay chăm sóc, họ sờ mó lung tung. "Kêu ca thì mất việc, nói cho người thân họ biết cũng bị điều tiếng không hay. Riết rồi, chúng tôi phải cắn răng chịu đựng", chị Trúc buồn bã khi nhớ đến những lúc chăm sóc bệnh nhân thiếu nhân cách.

Nguy hiểm trong nghề nuôi bệnh cũng không hiếm. Họ thường bị người bệnh đánh đập, dùng kim tiêm đâm. "Tôi sợ nhất là chăm sóc người bị bệnh thần kinh. Khi họ lên cơn, họ cầm gì cũng đâm, gặp ai cũng đánh. Tôi từng bị cụ bà, dùng kim đâm vào tay, rồi nhằm vào mắt mà chọc, tôi hoảng sợ bỏ chạy. Nhiều người ở bệnh viện can ngăn, ôm bà lại, tôi mới có cơ hội sống sót", cô Chùm nhớ lại giây phút bị bà cụ rượt đuổi trong bệnh viện. Họ biết nguy hiểm, nhưng chăm sóc người bệnh thần kinh sẽ nhận được tiền công hậu hĩnh nên nhắm mắt làm liều, chịu được đến đâu hay đến đó.

Dù gặp nhiều khó khăn và bất trắc nhưng một khi đã nhận nuôi thì họ chăm sóc chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn. Nhiều người làm nghề nuôi bệnh phải rơi nước mắt trước đau đớn của những cụ ông, cụ bà quằn quại trước bệnh tật. Hay đôi khi ấm ức thay cho người bệnh bị con cái xa lánh, không quan tâm…

Chia sẻ