Nỗi niềm tuổi “băm”

PNO,
Chia sẻ

Hai ngày cuối tuần, tôi dự bốn đám cưới. Nhìn những tấm thiệp hồng mà tôi không khỏi thoáng chạnh lòng: bạn bè, em út đều đã có cặp có đôi.

Ngay cả cậu bạn thân rụt rè, nhút nhát của tôi cũng đã kịp rước nàng về dinh vào mùa cưới này. Còn tôi thì… Nói thật, tôi cũng muốn có một bờ vai vững chắc chia sẻ vui buồn, muốn có một gia đình đầm ấm với tiếng cười trẻ thơ…

Nhưng điều tưởng chừng như giản dị này, trên thực tế lại quá khó với tôi và nhiều cô gái khác - nhất là những người đã ở hàng “băm”.

Ảnh: Internet

Sau mối tình ba năm thời sinh viên không đi đến đâu, ra trường, tôi chẳng nghĩ đến chuyện tình cảm mà chỉ tập trung vào công việc. Tôi muốn thành công, tôi muốn được mọi người nhìn nhận là người phụ nữ có năng lực, giỏi giang. Thay vì sau giờ làm, tôi nghỉ ngơi, đi cà phê với bạn bè cho thư giãn thì tôi lại ôm việc về nhà làm cho đến tận khuya, dù chẳng ai bắt buộc. Rồi tôi lướt nét tìm kiếm tài liệu, học thêm ngoại ngữ… nên chẳng có thời gian rảnh. Cũng có một vài chàng trai “tăm tia” tôi, nhưng tôi lờ đi vì mục tiêu duy nhất là khẳng định mình trong công việc. Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi mình được sếp khen ngợi hay thăng tiến.

Chưa hài lòng với vốn kiến thức, bằng cấp mình có, tôi quyết định học cao học. Thời gian rảnh vốn xa xỉ với tôi thì nay lại càng hiếm hơn. Tôi làm việc ở công ty, ra ngoài tiếp đối tác, đến trường và lên nét tìm tài liệu. Thời khóa biểu của tôi hoàn toàn không có việc gặp gỡ hay tìm hiểu ai đó. Mặc mẹ nhắc nhở: “Con gái có thì, coi chừng ế nghe con”, tôi thấy hài lòng khi mình đi đúng hướng và hoàn tất từng mục tiêu đặt ra.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ, công việc tôi càng thuận lợi. Từ một tổ trưởng, tôi được bổ nhiệm làm trưởng phòng kinh doanh. Công việc, trách nhiệm lại cuốn tôi đi. Mẹ tôi hối thúc: “28 tuổi rồi con à, già đến nơi rồi, làm ơn lấy chồng đi con”. Tôi cười xòa, bảo mẹ lo xa. Tôi tin, với ngoại hình, bằng cấp, địa vị của mình thì không khó để tìm “một nửa”. Tuy nhiên, những người đến với tôi, hoặc là người đã có gia đình, hoặc là những nhân viên cấp dưới của mình. Sự tự tin, lòng tự tôn đã định hình trong tôi suy nghĩ: tôi không bao giờ nhặt nhạnh, lượm những mảnh tình thừa của người khác, nên tôi không quan tâm đến những người đàn ông này. Tôi quan niệm, “một nửa” của tôi phải là người thông minh, dí dỏm, yêu tôi hết lòng và khiến tôi nể phục, đặc biệt phải hơn tôi một “cái đầu”. Với tiêu chuẩn này, những anh chàng dưới quyền hay địa vị không bằng tôi, đều bị “cho qua”.

Và tôi bước sang tuổi “băm”. Tôi đã có trong tay hầu hết những điều mình muốn: công việc yêu thích, thu nhập cao, địa vị, nhà, ô tô... và tôi có thể đi du lịch bất cứ nơi đâu. Nhưng tôi hiếm khi đi chơi xa, dù tôi có thể thu xếp được thời gian, đơn giản vì đi một mình rất chán. Tôi bắt đầu thấy căn nhà mình rộng hơn, vắng vẻ hơn. Sau giờ tan tầm, tôi không thích về nhà, mà muốn đi uống cà phê, tán gẫu với bạn bè. Nhưng giờ đó, đám bạn của tôi vội vã về với tổ ấm của mình. Tôi cũng tránh né về quê những dịp giỗ chạp, lễ lạt. Vì tôi sợ những câu hỏi quen thuộc của người thân, họ hàng: “Khi nào mới lấy chồng đây con? Nhanh nhanh đi, già rồi đó!”. Người thân đã thực sự sốt ruột, mẹ tôi đã đến hồi... năn nỉ: “Đừng kén chọn nữa con!”.

Nghe lời tha thiết của mẹ, lòng tôi cũng buồn, bởi thực lòng tôi cũng đã mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Nhưng ở tuổi ngoài 30, tôi giật mình nhận ra mình không có nhiều sự lựa chọn. Và mẹ đâu biết, tôi đã không còn kén chọn với những tiêu chuẩn thông minh, hơn-thua tôi một cái đầu, mà tôi có nỗi lo khác: không biết họ thương tôi hay thương tiền, địa vị của tôi.

Cuối năm, nhìn đàn em, đồng nghiệp từ giã cuộc sống độc thân háo hức bước vào đời sống lứa đôi, tôi cũng “ước gì mình được như cô ấy”. Nhưng biết làm sao được khi thời gian không quay lại, để tôi nắm bắt những cơ hội từng ghé qua đời mình.

Chia sẻ