Phim Việt từ sách lên màn ảnh: thành công và thất bại (Phần 1)

Phương Linh,
Chia sẻ

Điện ảnh Việt Nam những năm qua đã tích cực khai thác nguồn sách để cho ra đời những bộ phim có khả năng làm dậy sóng dư luận.


1.Cánh đồng bất tận

Dù giành được khá nhiều giải thưởng như: Cánh diều vàng 2010 cho nhạc sĩ phim truyện nhựa, Cánh diều vàng 2010 cho diễn viên nữ chính phim truyện nhựa, Cánh diều vàng 2010 cho diễn viên nam phụ phim truyện nhựa, Cánh diều bạc 2010 phim truyện nhựa, Giải báo chí bình chọn cánh diều vàng 2010… nhưng Cánh đồng bất tận vẫn không làm thỏa lòng những người yêu Văn học.


Một cảnh được cho là không chân thực của bộ phim

Chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhưng bộ phim không lột tả được tác phẩm gốc, cũng như chưa đưa được những giá trị nhân văn trong tác phẩm nổi tiếng này lên màn ảnh. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cho rằng đây chính là “phim photoshop”, bộ phim đã “vo tròn sự quyết liệt của tác phẩm văn học” bằng việc “phải đạo hóa tác phẩm điện ảnh của mình”. 


Diễn xuất của Thanh Hòa và Lan Ngọc trong bộ phim rất được khen ngợi

Tuy nhiên, trong bộ phim, bên cạnh thất bại của Đỗ Hải Yến và Dustin Nguyễn, diễn xuất đáng khen ngợi của hai diễn viên chưa có tên tuổi là Lan Ngọc và Thanh Hòa đã được tỏa sáng.

2.Đất và người

Bộ phim, chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận được nhiều lời khen ngợi như một tác phẩm phản ánh chân thực nông thôn Việt Nam trong giai đoạn bước vào thời kỳ đổi mới.

Bộ phim đã giúp ghi dấu ấn diễn viên Hán Văn Tình trong vai Chu Văn Quềnh

Mặc dù khai thác đề tài quen thuộc nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã thổi vào đó một luồng sinh khí mới. “Chúng tôi thay đổi một phần kết cấu truyện, thêm bớt các tình tiết và nhân vật để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh và tính chất của phim truyền hình. Tác giả tiểu thuyết cũng như kịch bản là những người rất am hiểu về nông thôn, tạo thuận lợi cho đoàn làm phim. Nội dung phim cũng có nhiều biến tấu. Điều quan trọng là những thay đổi đó không làm mất đi sự hấp dẫn, ngược lại phần nào làm phong phú, đa dạng hơn về cuộc sống, tính cách người nông dân và thể hiện cách nhìn nhân hậu, đầm ấm hơn về nông thôn. Điều mà tôi cho là thành công nhất là tác giả kịch bản đã xây dựng được nhân vật Quềnh và nuôi được nhân vật này.” – đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ.

Bộ phim đã chạm vào được huyết mạch của những vấn đề xã hội nóng bỏng trong đời sống nông thôn. Dù phim chiếu đã lâu nhưng hiện tại, trên mạng xã hội Facebook vẫn có “Hội những người yêu thích phim Đất và người”.

Phim đã được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực điện ảnh và nhận giải khuyến khích của Cánh diều vàng 2003.

3.Chị Tư Hậu

Bộ phim được chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958 Một chuyện chép ở bệnh viện. Có thể nói cho đến nay chưa có bộ phim nào về số phận một người phụ nữ Việt Nam vượt qua được Chị Tư Hậu với kịch bản tốt, diễn xuất tinh tế, góc quay độc đáo… Đạo diễn Kỳ Nam chỉ lấy ý tưởng cốt lõi ở tiểu thuyết để biểu hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh.



Tuy còn điểm hạn chế như các tuyến nhân vật phụ và các đường dây cốt truyện phụ còn mờ nhạt, thiếu tập trung, Chị Tư Hậu vẫn được coi như một mốc son trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. NSND Trà Giang từ vai chị Tư Hậu khi mới 19 tuổi đã trở thành một ngôi sao của điện ảnh Việt Nam. Đây là một trong số không nhiều tác phẩm điện ảnh mà khán giả trẻ đương đại vẫn có nhu cầu xem lại.

4.Mùa lá rụng

Bộ phim Mùa lá rụng được dựa trên cuốn tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn và một chi tiết nhỏ trong Đám cưới không có giấy giá thú của nhà văn Ma Văn Kháng.


Diễn viên Thanh Quý rất thành công với vai cô con dâu đáo để

Bộ phim của đạo diễn Quốc Trọng khá trung thành với tiểu thuyết, tập trung bàn về tính phức tạp trong các mối quan hệ thuộc nội bộ gia đình hoặc giữa gia đình với xã hội, với dân tộc. Các mối quan hệ thông thường giữa cha và con, vợ và chồng, anh và em, bố chồng và nàng dâu, chị dâu và em chồng... bỗng trở thành điểm thử thách sự bền vững của kiểu gia đình truyền thống trong cuộc va chạm với kiểu gia đình hiện đại. Ngoài những điều đó, ở Mùa lá rụng, sự tác động đáng ngại của xã hội thời mở cửa đối với tổ chức gia đình vốn dĩ rất dễ bị thương tổn cũng được đề cập.

13 tập phim Mùa lá rụng đã phần nào phản ánh được nội dung của cuốn sách với sự tham gia diễn xuất khá thành công của các diễn viên: Thanh Quý, Dũng Nhi, Diệu Thuần...

5.Đất phương Nam

Phim Đất phương Nam do Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh dựa trên tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.


Cậu bé An - vai diễn của Hùng Thuận

Bộ phim khá hấp dẫn và được dàn dựng công phu với góc nhìn riêng của đạo diễn và các chi tiết thêm thắt, chỉnh sửa của người biên kịch. Mặc dù đã hơn 15 năm kể từ khi bộ phim được công chiếu nhưng hình ảnh về cậu bé An (Hùng Thuận đóng) và những câu hò da diết của những người nông dân Nam bộ  cũng như ca khúc Bài ca đất phương Nam vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ Việt. Bộ phim được một công ty Mỹ chuyển thành bộ đĩa DVD, có phụ đề tiếng Anh và bán rất chạy ở Mỹ.


Chia sẻ