Phụ nữ dễ mắc bệnh trĩ hơn nam giới, nguyên nhân do đâu?

Quang Vũ,
Chia sẻ

Theo nghiên cứu của Hội hậu môn, trực tràng Việt Nam, có đến nửa dân số Việt Nam mắc trĩ, đáng lưu tâm hơn là tỷ lệ nữ giới bị bệnh trĩ cao gấp 2 lần nam giới (chiếm 61%).

Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn nam giới

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là từ 30 – 60 tuổi, bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh ở vùng kín đáo nên thường ngại ngùng, nhất là phụ nữ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nặng.

Phụ nữ dễ mắc bệnh trĩ hơn nam giới, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1.

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trĩ là do gia tăng áp lực vùng hậu môn hoặc trực tràng

Theo TS. BS Phạm Bình Nguyên - Bác sĩ Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai - Cố vấn chuyên môn Tiêu hóa tại Tổ hợp y tế MEDIPLUS: Nguyên nhân khiến phụ nữ dễ mắc bệnh trĩ hơn nam giới là do cấu tạo cơ thể đặc biệt. Nữ giới ở vùng chậu có cổ tử cung dễ gây chèn ép trực tràng làm cho trực tràng ngả về phía sau khiến chị em dễ mắc bệnh táo bón mà lâu ngày chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ; Phụ nữ trải qua giai đoạn mang thai và sinh em bé: Trong giai đoạn này thai nhi ngày một lớn đồng nghĩa với việc trực tràng phải chịu một lực lớn từ ổ bụng, làm cản trở quá trình lưu thông tĩnh mạch vùng hậu môn trực tràng dẫn đến trĩ. 

Phụ nữ mang thai đặc biệt trong kỳ tam cá nguyệt cuối cùng và phụ nữ sau sinh có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao.

Ở giai đoạn 3 tháng cuối, thai nhi phát triển nhanh chóng và to dần làm cho tử cung giãn nở lớn hơn hoặc cân nặng mẹ bầu tăng cân quá nhiều gây áp lực lên xương chậu, đặc biệt là các tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng khiến tĩnh mạch sưng lên gây đau.

Đồng thời, thể tích máu cũng như nồng độ hormone progesterone tăng cao khiến thành mạch giãn ra, thường xuyên bị táo bón trong quá trình mang thai cũng là "ngọn nguồn" gây bệnh trĩ cho các chị em.

Trĩ trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề như đi tiêu ra máu, dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt mạn tính. Trường hợp trĩ làm tắc mạch sẽ xuất hiện những cơn đau dữ dội, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử, nếu không điều trị kịp thời gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Trong quá trình chuyển dạ và sinh con, do quá trình rặn không đúng cách, tử cung mở to làm tăng áp lực tại khoang chậu khiến các búi trĩ bị sa ra ngoài.

Ngoài ra, chị em phụ nữ làm văn phòng, làm tại các xưởng may hoặc đứng bán hàng tại các siêu thị,... tính chất công việc ngồi hoặc đứng lâu cũng có nguy cơ bị bệnh trĩ rất cao.

Thói quen ăn uống thiếu khoa học như thường xuyên sử dụng thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn… khiến cơ thể bị nóng trong, tác động không tốt đến trực tràng, dễ gây tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt chất xơ khiến cho phân bị khô và việc đại tiện càng trở nên khó khăn hơn. Lúc này, thành tĩnh mạch ở hậu môn phải chịu áp lực lớn, lâu dần sẽ hình thành nên búi trĩ.

Ngoài ra, việc duy trì các thói xấu trong sinh hoạt cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh trĩ ở nữ giới. Ví dụ như lười vận động, rặn mạnh khi đi đại tiện, ngồi quá lâu khi đi vệ sinh, quan hệ tình dục qua đường hậu môn,… Những hành động này làm gia tăng áp lực tại các tĩnh mạch trĩ ở vùng hậu môn, lâu dần sẽ dẫn tới bệnh trĩ.

Chủ động điều trị bệnh trĩ an toàn, hiệu quả

Bác sĩ Nguyên chia sẻ thêm: "Nhiều chị em mắc bệnh trĩ nhưng chủ quan vì nghĩ đó chỉ là một vấn đề nhỏ, e ngại không chịu đi khám. Điều này rất nguy hiểm, bởi bệnh trĩ để lâu kéo dài không những gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà còn có nguy cơ gây rò hậu môn, áp xe quanh hậu môn dẫn đến nhiễm trùng thứ phát."

Phụ nữ dễ mắc bệnh trĩ hơn nam giới, nguyên nhân do đâu? - Ảnh 2.

Thăm khám và điều trị sớm bệnh trĩ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm

Bệnh trĩ nên được phát hiện và điều trị ngay ở giai đoạn 1 và 2, người bệnh cần kết hợp sử dụng thuốc và bổ sung nhiều chất xơ, hạn chế các chất kích thích như rượu, ớt, tránh ngồi nhiều, đứng quá lâu ngăn ngừa táo bón để bệnh trĩ không tái phát và tiến triển thành giai đoạn 3 và giai đoạn 4.

Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh: Nếu phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn 3 và 4 thì việc phẫu thuật trĩ (cắt hoặc thắt búi trĩ) là một phương pháp cần thiết để điều trị triệt để bệnh. Khi phẫu thuật xong, nếu không có một chế độ sinh hoạt đúng mức, không có một chế độ điều trị dự phòng, không uống thuốc thì bệnh trĩ vẫn có thể tái phát chứ không phải là khỏi hoàn toàn được.

Không hiếm các trường hợp bệnh nhân từng mắc trĩ độ 3,4 dù đã phẫu thuật nhưng chủ quan không giữ gìn chế độ ăn uống khoa học, khi xuất hiện các triệu chứng tái phát, đến thăm khám tại MEDIPLUS thì bất ngờ phát hiện có thêm búi trĩ mới.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp mổ trĩ mới tiên tiến giúp thời gian mổ nhanh, ít đau sau mổ, phục hồi sớm và ít hẹp hậu môn. Điều quan trọng là người bệnh cần hiểu đúng về bệnh, càng điều trị sớm thì càng giảm hậu quả, rút ngắn thời gian và chi phí.

Chia sẻ