Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 1.

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 2.

Trong suy nghĩ của nhiều người, đây là một bản danh sách “những việc nhất định phải làm” của phụ nữ khi ngày Tết cận kề. Nhưng dường như đó chỉ là bản danh sách của một cô nàng độc thân có điều kiện nào đó. Hoặc là hình dung tưởng tượng của đám trai trẻ văn phòng. Hoặc, tấm biểu đồ chi tiêu trong mơ của mọi phụ nữ.

Tất nhiên, Tết đến, ai cũng mưu cầu làm đẹp hoặc chí ít là chỉn chu. Nhưng chi tiêu thế nào lại là câu chuyện khác, những con số phụ nữ chi tiêu cho bản thân cũng rất khác.

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 3.

Những con số tiêu Tết đáng kinh ngạc hay chuyện phụ nữ sắp đặt vị trí bản thân trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 4.

Mức chi tiêu dịp Tết của những người phụ nữ trên đây rất khác nhau. Người chỉ vài triệu, người vài chục triệu, người không tiết lộ con số. Nhưng có một sự thật là, hoá ra, Tết đến phụ nữ không tiêu cho bản thân mình nhiều như cô gái lưu truyền trên… internet.

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 5.

Trong số 10 nhân vật, chỉ có ba phụ nữ là dành phần đại đa số khoản tiền tiêu Tết để phục vụ bản thân. Đó là một người độc thân ngoài 30 đã không còn cha mẹ, một người độc thân trẻ sống cùng gia đình tại Hà Nội và người mẫu Đồng Ánh Quỳnh - cô gái tự nhận mình luôn là đứa bé được cưng chiều trong nhà.

Độc thân và độc lập về tài chính, đó là lý do khiến họ thoải mái “bung lụa” sau khi đã trích ra một phần tiền nhất định thực hiện “nghĩa vụ ngày Tết”.

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 6.

Bởi thế, bức tranh “cô gái” ở trên gần gũi với họ hơn. Ngày Tết, thay vì lang thang trên mạng tìm hiểu cách cúng Giao thừa thế nào cho đúng, đặt cỗ ở đâu thì ngon, làm gì để hoa trên bàn thờ tươi lâu, rồi món ngon ngày Tết, cách luộc gà không rách, ngày xuất hành may mắn năm Canh Tý…, thì họ lên danh mục: làm tóc, nối mi, spa, áo quần, quán cà phê mở xuyên Tết, điểm check in đẹp sáng mùng Một.

Đồng Ánh Quỳnh, độc thân - trẻ - đẹp - nổi tiếng - làm đẹp quanh năm như một công việc, vẫn xem ngày Tết là một dịp để tiêu pha cho bản thân một cách chính đáng. “Quỳnh sẽ đi làm tóc, làm móng, mua sắm quần áo, mà thói quen khi mua là luôn mua đủ set, phân chia ra set đồ nào mặc hôm nào”. 

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 7.

Nữ người mẫu chia sẻ, cô vẫn dành một khoản tiền to to để biếu bố mẹ, nhưng mua sắm cho nhà cửa thì rất ít hoặc không, vì bố mẹ không cho động tay. Tết với Đồng Ánh Quỳnh, như phần lớn các cô gái độc thân trẻ và có thu nhập khác, đúng nghĩa là chơi Tết.

Song, cũng có những cô gái không chơi Tết mà cũng không làm Tết như Phạm Thị Nhung. Nhung bảo cô ghét Tết: “Đang yên đang lành tự dưng lại Tết”. Cô không làm móng, không làm tóc, không đi spa hay sắm sửa váy áo vì “Phụ nữ phải xinh đẹp quanh năm chứ không phải chờ đến Tết mới bung lụa”. Có năm Nhung đi du lịch trọn Tết. Có năm cô cùng vợ chồng anh trai về quê ăn Tết với ông nội 2-3 ngày.  Chi tiêu gói gọn trong việc biếu ông bà, mừng tuổi đám trẻ con ở quê, không đáng là bao. 

Tết với Nhung là “nghỉ Tết”, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. 

Không có ai để lo toan, hoặc không phải lo toan cho ai, ngày Tết với nàng độc thân là chơi và nghỉ. Thích sắm sửa cho mình thì sắm sửa, không thích thì bỏ qua. Hoàn toàn tự do tiêu pha, xa lạ với cân đo đong đếm hay dùng dằng chuyện có nên làm tóc hay là thôi.

Nếu có phiền toái gì vào ngày Tết với họ thì có lẽ là câu hỏi: “Bao giờ cho cô ăn cỗ?”

img
img

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 9.

Nếu có điểm khác biệt trong việc tiêu Tết giữa nhóm phụ nữ đã có chồng/con và nhóm phụ nữ độc thân tham gia vào cuộc khảo sát của chúng tôi, thì rõ ràng nhất là sự hiện diện của nỗi lo toan đong đếm.  

Dù là người phụ nữ lao động chân tay với mức thu nhập hạn chế như chị Nguyễn Thị Hương, một nữ BTV như chị Nguyễn Thị Khánh, làm kinh doanh như chị Nguyễn Mai Hương, hay là nghệ sĩ hạng A như ca sĩ Đoan Trang, dù eo hẹp tiền nong hay dư dả tài chính thì điểm chung của họ đều là có sự cân nhắc nhất định trong các khoản chi tiêu. Và thường thì, một cách vô thức, họ dành sự ưu tiên tuyệt đối cho gia đình. 

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 10.

Có lẽ nên nói trước về nhân vật đặc biệt: Trịnh Bảo Yến. Cũng 9x, cũng độc thân, cũng làm việc trong môi trường hiện đại, nhưng Bảo Yến lại chỉ dành 1/5 số tiền tiêu Tết cho riêng mình. Hơn nữa tính toán rất chi ly từng khoản mục như một bà nội trợ chuẩn mực.

Dường như việc đã có bạn trai lâu năm khiến xu hướng quan tâm của cô lệch hẳn về gia đình. Dù rằng, cô tự nhận đã yêu thương, chăm sóc bản thân rất tốt.

“Tôi thường chia tiền tiêu Tết thành những phần nhỏ: bản thân, gia đình, bạn trai và gia đình bạn trai, du lịch giải trí, lì xì + quà tặng + phí hẹn hò gặp gỡ bạn bè. Ví dụ tổng lương tháng và thưởng Tết năm đó mình được 15 triệu, thì bản thân 3,5 triệu, gia đình 3,5 triệu, bạn trai và gia đình bạn trai 3 triệu, du lịch 2,5 triệu, lì xì quà tặng phí hẹn hò gặp gỡ 2,5 triệu”, đó là bản mô tả tiêu Tết của Yến.

Cách Yến lên kế hoạch chi tiêu khiến cô “lệch tông” với nhóm phụ nữ độc thân nói trên và giống một người vợ trẻ hơn. Bởi có nỗi lo toan đong đếm. Ngay cả khi cô chưa phải gánh vác công việc tay hòm chìa khóa trong một gia đình.

Phụ nữ có gia đình, rất kỳ lạ, họ luôn xếp mình ở vị trí sau thay vì điền tên “Tôi” ở mục số 1 trong danh sách chi tiêu ngày Tết.

Như chị Nguyễn Thị Khánh, sau khi mua sắm đầy đủ, nhất là áo quần giày dép mới cho hai con trai, nếu còn dư chị mới mua quần áo giày dép làm tóc cho mình. Mặc đẹp là một sở thích của chị nhưng được đặt sau cùng trong danh mục cần chi tiêu.

Như chị Nguyễn Mai Hương, tiêu tới 50 triệu cho dịp Tết, nhưng bản thân gần như không có gì. Lý do là: “Tôi không có nhu cầu gì”. Nhưng chị lại có nhu cầu mua sắm nhiều cho bố mẹ hai bên và các con. Ngày thường, chị Hương tự tin mình chu đáo với bản thân. 

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 11.

Diễn viên Minh Cúc thì khẳng định, việc được lo toan cho gia đình là niềm hạnh phúc của cô. Cô thích cảm giác đưa biếu mẹ một khoản tiền lớn sau cả năm làm lụng, thích đi chợ, trang hoàng nhà cửa, vào bếp nấu nướng, tiếp khách đến chơi… và hoàn toàn không có ý định thay đổi.

Còn Đoan Trang cũng không ngoại lệ. Dù tổng chi phí cho dịp lễ cổ truyền rất lớn, rất tốn kém, nữ ca sĩ hạng A chỉ dành một phần không đáng kể cho riêng mình. Đó là đi dạo một lượt các cửa hiệu quen để sắm đôi bộ đầm mặc lấy may đầu năm mới và đặt may áo dài. Đoan Trang giải thích: “Là nghệ sĩ nên việc chăm sóc cho ngoại hình để phục vụ công việc là điều mà cả năm mình đã làm rồi. Vào dịp Tết mình chỉ nghĩ đến gia đình, bố mẹ hai bên, ông bà cần gì, chồng con cần gì, rồi quà cáp cho người thân, lương thưởng cho nhân viên, sửa sang trang hoàng nhà cửa, mua thực phẩm, làm từ thiện, lì xì cho các cháu, anh em, họ hàng, bạn bè…”

Đoan Trang bảo chị chưa bao giờ ngồi tính toán, suy nghĩ xem đã chi tiêu cho bản thân xứng đáng hay chưa. “Tôi luôn tin là mình đã tiêu rất hợp lý rồi. Vả lại không tiêu cho mình thì cũng tiêu cho tổ ấm của mình, bố mẹ mình, mang lại niềm vui cho người thân thương, ruột thịt của mình.”

Chi tiêu cho người thân, ruột thịt của mình và lấy đó là niềm hân hoan, sung sướng là “tật” của nhiều phụ nữ. Bà mẹ đơn thân Phan Thị Hoài Nam sống cùng con trai ở TP.HCM, nhưng mỗi dịp Tết về Nghệ An đều chi tầm 30 triệu, trong đó có 1 chỉ vàng tặng mẹ và mừng tuổi 12 đứa cháu ruột mỗi đứa 1-2 triệu đồng. Chị không tiêu gì cho bản thân với lý do: “Cả năm mua đồ rồi. Tết là dịp để thải loại, bỏ hết đồ cũ, mặc đồ đỡ cũ hơn, chứ không phải sắm mới.”

Duy nhất chị Nguyễn Thị Hương, người thợ may 43 tuổi, là nghĩ về mình trước hết trong khoản 7 triệu ít ỏi tiêu Tết. Chị bảo tiêu gì thì tiêu cũng phải dành 1 triệu để làm tóc, mua thỏi son. “Cả năm vất vả rồi, cũng phải đầu tư cho mình 1 tí, ngắm nghía chút nhan sắc.” Riêng áo quần của con trai, chị Hương bảo “cho nhịn, cho mặc đồ sida”. 

Người phụ nữ duy nhất đặt mình lên vị trí số 1 trong danh mục chi tiêu ngày Tết ấy lại là người phụ nữ quanh năm không dám sắm sửa gì cho mình.

img
img
img

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 13.

Lâu nay, đa số chúng ta vẫn mặc định rằng, phụ nữ biết yêu bản thân là phải biết đón Tết lộng lẫy nhất, tận hưởng nhất. Nhưng ngay cả quan điểm đó cũng vô tình tạo ra một áp lực khác với phụ nữ bên cạnh áp lực phải chu toàn mọi lễ nghi theo truyền thống mà chính họ không thể dứt bỏ.

“Nhiều phụ nữ quá khổ sở với chuyện phải mua quần áo mới, giày dép mới, sắm sanh ăn uống, trang hoàng nhà cửa…”, bà mẹ đơn thân Phan Thị Hoài Nam bày tỏ. Rõ ràng, phụ nữ nhìn ra nhau rõ nét hơn giới khác nhìn họ.

Chúng ta khen ngợi những người phụ nữ toàn thiện toàn mỹ: nấu ăn ngon, bày nhà đẹp, chiều chồng, chăm con, đối nội đối ngoại tận tình chu đáo, mà bản thân thì lúc nào cũng chỉn chu, rạng rỡ. Chỉ phụ nữ với nhau mới thấm thía rằng, để đạt được điểm 10 hoàn hảo khiến trăm họ trầm trồ ấy, người phụ nữ đó có lẽ đã tất tưởi vô cùng. 

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 14.

Đã không có một giấc ngủ đủ dài, đã không có một ngày 30 thảnh thơi mà đợi chờ mệt mỏi ở hiệu làm đầu, không cả sáng mồng Một thong dong du xuân mà hết thăm hỏi họ hàng tới lo mâm cơm cúng. Tất nhiên, không cả “nghỉ Tết” theo đúng nghĩa đen. Đã phải làm mọi việc, lại còn phải làm đẹp, thực sự vô cùng mệt mỏi.

Thế nên, cho phép mình mặc đồ cũ, tóc chưa nhuộm lại, móng tay để trần đón Tết lại là một cách chiều chuộng bản thân của phụ nữ biết tận hưởng. Một cái Tết yêu bản thân không phải là chi tiêu bao nhiêu cho mình, mà là chi tiêu cho những điều mang lại cho họ niềm vui và sự thư giãn. Còn chuyện áo quần, tóc tai, dưỡng da, trang điểm là việc mà ai quan tâm tới bản thân đã làm cả năm rồi. 

Mỹ phẩm, dưỡng da ngày thường đã ba bốn loại, hết lại mua, tóc thích thì cắt nhuộm, quần áo sale là sắm mà không sale thấy ưng mắt cũng sắm, sắm về đôi khi để nguyên tem mác trong tủ đồ đến Tết dọn nhà mới thấy.

Phụ nữ tiêu Tết: Những con số đáng kinh ngạc và câu chuyện về cách người phụ nữ tự sắp đặt vị trí của chính mình trong các hạng mục cuộc sống - Ảnh 15.

Bởi vậy, đôi khi người mạnh tay chi tiền cho chuyện áo quần tóc tai là người phụ nữ cả năm đã bỏ quên mình; và cũng đôi khi, người mặc đồ cũ lại là người phụ nữ đã tiêu pha quá nhiều cho ham muốn của mình.

Song, có một sự thật là, phụ nữ dù nổi tiếng hay là người thường, dù giàu hay nghèo, dù làm công việc kinh doanh hay nghệ thuật, làm công sở hay lao động phổ thông, dù quan tâm tới ngoại hình hay bỏ bê, thì chỉ cần có một gia đình phải chăm chút, họ luôn đặt bản thân xuống hàng thứ yếu.

Và với nhiều phụ nữ, khái niệm “sống cho bản thân” đôi khi đồng nghĩa với việc “làm điều mình cảm thấy hạnh phúc”. Mà điều họ cảm thấy hạnh phúc thường lại là lo toan đùm bọc cho cha mẹ, chồng con. Vậy ra, người ngoài nhìn vào cứ ngỡ phụ nữ không biết nghĩ cho mình, còn chính họ lại tự tin rằng họ đang làm tất cả vì mình.

Niềm vui nỗi buồn của người phụ nữ có lẽ chẳng dịp nào hiện lên đầy đủ và rõ nét hơn ngày Tết cổ truyền. Đó cũng là dịp để ta đong đếm họ đã yêu bản thân đủ nhiều hay chưa.

HH
NVCC
Jordy