Quên bánh mì kẹp thịt trong balo khi đi máy bay, người phụ nữ vừa xuống sân bay đã nhận cú sốc mất 80 triệu VNĐ, ai cũng cần biết để tránh

Minh Nhật,
Chia sẻ

Chiếc bánh sandwich bị bỏ quên trong balo đã trở thành "cơn ác mộng" đối với một cụ bà ở Úc.

Theo Daily Mail, chuyện bắt đầu từ tháng 5/2023, khi cụ bà June Armstrong, 77 tuổi, đến từ New Zealand, đã mua chiếc bánh nướng xốp và chiếc bánh mì kẹp thịt gà, rau diếp không chứa gluten tại Sân bay Christchurch trước chuyến bay vào sáng sớm đến thành phố Brisbane, bang Queensland (Úc).

Bà June ăn luôn bánh nướng xốp và cất chiếc bánh sandwich vào balo với dự định để ăn trong chuyến bay kéo dài 3 tiếng rưỡi.

Để quên bánh mì kẹp thịt trong balo khi đi máy bay, người phụ nữ vừa xuống sân bay đã nhận cú sốc mất 80 triệu VNĐ, ai cũng cần biết để tránh - Ảnh 1.

Bà June Armstrong (ảnh) hy vọng trải nghiệm "tốn kém" của bà sẽ là bài học cho những du khách khác.

Thế nhưng, điều bà June không lường trước được là bà đã ngủ quên trong suốt chuyến bay và hoàn toàn không nhớ gì đến chiếc bánh mì kẹp vẫn nằm trong balo. Sau đó, khi khai tờ khai hải quan, bà lại quên khai báo về chiếc bánh mì.

Mãi cho đến khi gặp các nhân viên an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Úc, những người đề nghị kiểm tra balo, bà mới nhận ra sai lầm đắt giá của mình.

Bà bật khóc tại sân bay sau khi bị phạt nặng. "Tôi vừa khóc vừa nói '3.300 USD (80 triệu VNĐ) cho một chiếc bánh sandwich nhỏ?'", bà nói với tờ tin tức New Zealand Herald.

Để quên bánh mì kẹp thịt trong balo khi đi máy bay, người phụ nữ vừa xuống sân bay đã nhận cú sốc mất 80 triệu VNĐ, ai cũng cần biết để tránh - Ảnh 2.

Mãi cho đến khi các quan chức an ninh sân bay kiểm tra balo của bà June tại sân bay Brisbane, bà mới nhận ra sai lầm đắt giá của mình khi không khai báo bánh mì kẹp thịt gà và rau diếp có trong hành lý.

Bà June đã cố gắng kháng cáo khoản tiền phạt trong thời hạn thanh toán 28 ngày nhưng sau một loạt phản hồi tự động từ phía nhà chức trách Úc, cuối cùng bà vẫn phải trả số tiền đó.

"Chồng tôi bảo 'Cứ trả tiền đi'. Nhưng đó là khoản tiền lớn so với vài đồng lương hưu của chúng tôi, chúng tôi không thể trả được khoản đó", bà June cho biết.

6 tháng trôi qua, bà vẫn đang phản đối khoản tiền phạt đã gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho mình. "Tôi nghĩ về nó cả ngày lẫn đêm, giờ tôi đang phải dùng đến thuốc ngủ", bà viết trong lá đơn gửi lên Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Úc.

May mắn cho bà June, mới đây, một doanh nhân (yêu cầu giữ kín danh tính) đã chấp nhận đứng ra trả toàn bộ số tiền cần nộp phạt cho bà June. Vị doanh nhân này bày tỏ sự ngạc nhiên vì thấy hình phạt quá nặng nề và yêu cầu New Zealand Herald cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng của bà June để giúp bà qua "kiếp nạn" này.

Để quên bánh mì kẹp thịt trong balo khi đi máy bay, người phụ nữ vừa xuống sân bay đã nhận cú sốc mất 80 triệu VNĐ, ai cũng cần biết để tránh - Ảnh 3.

Suốt 6 tháng qua, bà June vẫn miệt mài đi "kêu oan".

"Ai cũng có lý do để căng thẳng khi trải qua chuyện này. Tôi rất vui được giúp bà cụ giải quyết vấn đề đó", doanh nhân nói với ấn phẩm. Lời đề nghị giúp đỡ này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi bà June lên tiếng kể về rắc rối của mình sau chuyến bay đến Úc.

Bà muốn lên tiếng với hy vọng trải nghiệm tồi tệ của mình sẽ là lời cảnh báo cho những du khách khác.

"Tôi lẽ ra nên để chuyện đó qua đi, và chồng tôi nói tôi nên làm vậy. Nhưng các nhà chức trách không cho tôi bất kỳ câu trả lời nào", bà June nói. "Tất cả mọi người sau khi nghe đến số tiền phạt đều chết lặng, họ không thể tin được".

Du khách mang thực phẩm vào Úc cần phải khai báo trên thẻ hành khách nhập cảnh.

"Các nhân viên an toàn sinh học có thể cần kiểm tra một số thực phẩm bạn mang theo bên mình", trang web của Lực lượng Biên giới Australia (Australian Border Force - viết tắt ABF) nêu rõ.

Mặc dù các sản phẩm bánh mì có thể được mang vào Úc nhằm phục vụ cho nhu cầu cá nhân nhưng chúng không được chứa thịt hoặc các sản phẩm từ thịt động vật mà chưa đóng hộp. Nếu khách du lịch không khai báo về các mặt hàng có "mức độ rủi ro an toàn sinh học cao", mức nộp phạt có thể lên đến thang 12 điểm (tức 3.756 USD - tương đương hơn 90 triệu VNĐ), tùy thuộc vào mức độ rủi ro của hàng hóa đó.

Nguồn: Daily Mail

Chia sẻ