Rụng lông, tóc ở 3 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh này

TT,
Chia sẻ

Trong một số trường hợp, rụng lông, tóc, râu có thể là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục - bệnh giang mai.

Rụng tóc có thể do nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, tuổi tác, căng thẳng và thuốc men. Mặc dù không phải là điều đáng lo ngại quá mức nhưng nó có thể gây khó chịu đối với nhiều người.

Trong một số trường hợp, rụng tóc có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng nào đó. Cụ thể hơn, nó có thể báo hiệu một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục - bệnh giang mai.

Dược sĩ Abbas Kanani, Giám đốc cửa hàng thuốc trực tuyến Chemist Click, cảnh báo rằng tình trạng rụng tóc từng mảng trên đầu, rụng râu và lông mày có thể là do bệnh giang mai tiềm ẩn.

Rụng lông, tóc ở 3 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh này- Ảnh 1.

Tình trạng rụng tóc từng mảng trên đầu, rụng râu và lông mày có thể là do bệnh giang mai tiềm ẩn. Ảnh minh họa

"Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng và đe dọa tính mạng", Abbas Kanani cho biết.

"Rụng lông, tóc do giang mai (SA) là một triệu chứng giống với các loại rụng tóc khác. Mặc dù khá hiếm gặp nhưng bệnh giang mai thứ phát có thể gây rụng tóc không để lại sẹo. Nó có xu hướng giống như các chứng rối loạn khác, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng (chủ yếu là các mảng nhỏ, tròn trên da đầu), thúc đẩy ham muốn nhổ tóc, rụng tóc nhiều khi nghỉ ngơi hoặc rụng tóc do quá trình trao đổi chất, thay đổi nội tiết tố hay dùng thuốc", ông nói thêm.

Cũng theo ông Abbas Kanani, có thể chia thành 3 kiểu rụng lông, tóc khác nhau bao gồm rụng lông tóc do sâu bướm ăn, rụng tóc lan tỏa và rụng tóc hỗn hợp. Trong đó, kiểu rụng tóc "bị sâu bướm ăn" là đặc điểm phổ biến nhất của bệnh giang mai thứ phát. Loại rụng tóc này khiến tóc mỏng đi hoặc có vẻ loang lổ như 'bị sâu ăn'.

Rụng lông, tóc ở 3 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh này- Ảnh 2.

Kiểu rụng tóc "bị sâu bướm ăn" là đặc điểm phổ biến nhất của bệnh giang mai thứ phát. Ảnh minh họa

Các triệu chứng khác của bệnh giang mai bao gồm:

- Các vết loét nhỏ trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn. Những vết loét này thường không đau và bạn có thể chỉ bị một trong số chúng.

- Vết loét ở các khu vực khác, bao gồm cả trong miệng, trên môi, tay hoặc mông.

- Mụn cơm màu trắng hoặc xám mọc phổ biến nhất ở dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn.

- Phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, đôi khi có thể lan khắp cơ thể. Tình trạng này thường không gây ngứa.

- Các mảng trắng trong miệng.

- Các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như nhiệt độ cao, đau đầu và mệt mỏi.

- Viêm các tuyến.

Khi nhiễm bệnh, có thể phải mất 3 tuần hoặc lâu hơn các triệu chứng giang mai mới xuất hiện. Nếu gặp các triệu chứng, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được xét nghiệm.

Rụng lông, tóc ở 3 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh này- Ảnh 3.

Khi nhiễm bệnh, có thể phải mất 3 tuần hoặc lâu hơn các triệu chứng giang mai mới xuất hiện. Ảnh minh họa

Phòng ngừa bệnh giang mai

Dược sĩ Abbas Kanani khuyên: Sử dụng bao cao su một cách nhất quán và đúng cách khi quan hệ tình dục (dù là theo đường nào) là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh giang mai cũng như nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Sau nhiều năm bị nhiễm bệnh giang mai, một số triệu chứng có thể xuất hiện, chẳng hạn như bệnh về tim (đau thắt ngực, phình động mạch chủ và suy tim), các vấn đề về não như co giật. Nó cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ, thay đổi tính cách, các vấn đề về thần kinh như đau nhức, đau khớp và bệnh về da, xương, tinh hoàn, gan...

Rụng lông, tóc ở 3 vùng trên cơ thể có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh này- Ảnh 4.

Rụng tóc có thể do nguyên nhân nào?

Rụng tóc có nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố khởi phát từ bên trong như nhóm bệnh lý tự miễn hoặc thông qua cơ chế tác động từ bên ngoài như nhiễm khuẩn, phẫu thuật, sức khỏe tinh thần, sốt…

Thông thường mỗi sợi tóc có thể sống được khoảng từ 8 tháng đến 5 năm. Vì vậy, trong một chu kỳ sống, tóc sẽ dần già, yếu đi và rụng là điều bình thường. Đây được gọi là rụng tóc sinh lý và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Một người khỏe mạnh có thể rụng từ 50 đến 100 sợi tóc/ngày. Sau khi tóc rụng một lượng tóc mới sẽ được mọc lên để thay thế, bù lại số lượng sợi tóc đã bị rụng để đảm bảo độ dày ổn định cho mái tóc.

Khi lượng tóc rụng lớn hơn 100 sợi/ngày thì được gọi là bệnh rụng tóc. Tình trạng này có thể liên quan đến một vài bệnh lý, thường là do sự mất cân bằng yếu tố nội tiết nam hay nữ, căng thẳng, stress, yếu tố di truyền, thiếu dinh dưỡng, lạm dụng các hóa chất làm đẹp...

Rụng tóc có thể do các nguyên nhân bệnh lý như: Bệnh lý tuyến giáp, viêm nhiễm da đầu, rối loạn hệ thống miễn dịch ( bệnh lý tự miễn), hội chứng buồng trứng đa nang, thiếu máu, thiếu chất...

Theo Express Daily, Health

Chia sẻ