Rượu độc gây chết người bán tràn lan

,
Chia sẻ

Chưa đầy bốn tháng qua, Gia Lai đã có 6 người chết do ngộ độc rượu gạo. Xét nghiệm cho thấy rượu có độc tố Methanol cao gấp 840 lần mức cho phép.

Sáng nay, ông Đoàn Mạnh Thắng, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu rượu gạo làm chết hai người hồi đầu tháng 6 ở xã Chư Krây, huyện Kông Chro, cho thấy hàm lượng Methanol có trong rượu là 42%, trong khi giới hạn cho phép chỉ là 0,05%.

Kết quả này cũng tương đồng với xét nghiệm mẫu rượu lấy từ vụ ngộ độc khiến bốn người chết tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, dịp Tết Nguyên đán đầu năm nay.

Theo ông Thắng, điều đáng lo ngại hiện nay là tại những xã vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên có nhiều loại rượu tự nấu của dân, kém chất lượng, chứa một lượng lớn độc tố Methanol đang được bày bán công khai khắp nơi.

"Trong khi đó, do thiếu hiểu biết nên nhiều người dân lại cho rằng đó là rượu mạnh, uống vào nhanh say, thì thật nguy hiểm", ông Thắng nói.

Bệnh nhân Đinh Nhrưi đang được bác sĩ kiểm tra mắt, sau khi ngộ độc rượu hôm 1/6 cùng với hai ông Đinh Kheng và Lê Văn Nghĩa. Hai người kia đã tử vong. Ảnh: Thiên Cầm.

Đã hai tuần trôi qua nhưng người dân ở xã Chư Krây vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết của hai ông Đinh Kheng và Lê Văn Nghĩa. Nguyên nhân được xác định là do ngộ độc rượu. Bà Đinh Thị Angang (vợ ông Đinh Kheng) buồn bã kể lại: "Mừng bạn lâu ngày gặp lại, chồng tôi có mua 15 lít rượu từ quán về uống. Hai ngày sau mắt ông mờ dần, đưa đến bệnh viện thì chết". Cùng uống với ông Kheng có Nghĩa và Đinh Nhrưi. Nhrưi được cấp cứu kịp thời nên qua được cơn nguy kịch, còn ông Nghĩa cũng tử vong.

UBND xã lập tức kiểm tra quán bán rượu, niêm phong 82 lít tại quán và thu hồi 85 lít đã được bán lại cho quán khác. Ông Nguyễn Trường Sang, Chủ tịch UBND xã Chư Krây giải thích: “Vì hám lợi, một số tư thương bất chấp sức khỏe người dân pha cồn công nghiệp vào rượu gạo đưa về xã bán tràn lan".

Nhiều lần huyện cử đoàn về kiểm tra các hàng quán nhưng đâu lại vào đó. Ông Sang cho rằng, rượu pha cồn không biết từ đâu theo chân tư thương được đưa về các bản làng bán tràn lan, "địa phương khó mà kiểm soát nổi”.

Lý giải vì sao thích uống loại “rượu mạnh” này, ông Đinh Pếch ở xã Chư Rây, tiết lộ: “Khi uống vào nhanh 'phê', nói chuyện mới rôm rả, phấn khởi. Chúng tôi nào biết trong đó có chứa độc tố nguy hiểm gây chết người gì đâu. Cứ có dịp vui lên là uống đến say mèm nằm lăn ra ngủ mới thôi”.

Trao đổi VnExpres.net sáng nay, Thượng tá Lê Hoài Nam, Trưởng Công an huyện Kông Chro nhấn mạnh: “Trước mắt chúng tôi phối hợp với Viện Kiểm sát củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm người bán rượu độc hại gây chết người". Theo kế hoạch, công an huyện sẽ tiến hành kiểm tra trên diện rộng, nghiêm cấm tình trạng buôn bán rượu độc tràn lan nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo các chuyên gia y tế, Methanol độc tính cao, thường có trong dung môi dùng lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu bếp lò nhỏ, dùng pha sơn và như một chất dung môi công nghiệp.

Tác động của Methanol lúc đầu cũng như Ethanol, nhưng khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành độc tố cực mạnh. Chỉ cần một lượng nhỏ 4ml (ít hơn một thìa cà phê) Methanol nguyên chất là đủ để gây mù. Một lượng lớn hơn 10-30 ml có thể cướp đi một sinh mạng.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ