Sai lầm khi “nhồi” kháng sinh sai cách cho bé

Hồn Nhiên,
Chia sẻ

Lo lắng bé bị viêm phổi, chị cấp tốc đưa con tới bệnh viện, chị yên tâm khi bác sĩ dặn cứ về “theo đơn mà làm”, thế nhưng bé không đỡ mà còn mệt mỏi hơn.

Bé mệt mỏi vì “cứ theo đơn mà làm”

Chị Hoa Mai (Từ Liêm, Hà Nội) đang chăm cậu con trai 3 tuổi trong tình trạng bé bị sốt, ho dữ dội, kèm sổ mũi. 

Chị chia sẻ: “2 tuần trước, con mình hắt hơi, sổ mũi, đầu âm ấm, mình đưa con đến bệnh viện khám thì bác sĩ khám rất nhanh và kê cho một loạt đầu thuốc cần mua nào là thuốc giảm sốt, chống viêm, giảm ho, thuốc kháng sinh và 2, 3 loại thuốc bổ dặn là mua và về uống theo đơn. Nhưng sau khi uống 2 ngày, cháu chẳng đỡ chút nào mà người còn mệt mỏi hơn”. 

Chị lo lắng vô cùng khi ngày đầu con ốm, chị còn ép con ăn được lưng bát cháo nhưng sau hai ngày uống thuốc bác sĩ kê thì bé không chịu ăn lấy một miếng. Chị nói rằng không biết vì lý do gì mà càng uống thuốc kháng sinh, cháu càng tỏ ra mệt mỏi và ốm hơn. 

Chị Ngọc Loan (Lương Văn Can, Hà Nội) cũng gặp hoàn cảnh tương tự khi bé Min, 4 tuổi nhà chị càng ngày càng ốm, biếng ăn. 

Tuần trước, thay đổi thời tiết, vừa nghe mấy chị đồng nghiệp than thở con ốm thì về đến nhà, chị Loan tá hỏa khi bé Min cũng sụt sịt, chảy nước mũi, người nóng, hắt xì hơi liên tục. 

Sai lầm khi “nhồi” kháng sinh sai cách cho bé 1
Chị lo lắng không biết vì lý do gì mà càng uống thuốc kháng sinh, 
cháu càng tỏ ra mệt mỏi và ốm hơn. (Ảnh minh họa) 

Lo lắng bé bị viêm phổi, chị cấp tốc đưa con tới bệnh viện, chị yên tâm khi bác sĩ dặn cứ về “theo đơn mà làm”. 

Thế nhưng: “Uống bao nhiêu kháng sinh, thuốc giảm ho nhưng cháu không hề đỡ. Dường như thuốc không có một tác dụng gì?” - chị chia sẻ. 

Cảnh giác và sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách

Bác sĩ Philippe Collin (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp) trả lời về vấn đề này như sau, viêm mũi họng cấp hoặc nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh hay gặp trẻ, với hai biểu hiện chính là ho và sốt. 

Bệnh hay xảy ra lúc chuyển mùa: khí hậu nóng - ẩm, chênh lệch nhiệt độ giữa buổi sáng và buổi chiều quá lớn, mật độ virus nhiều, cơ thể trẻ không thích nghi kịp thời. 

Thời tiết bắt đầu từ tháng 11 tới hết tháng 4 là thời điểm mà trẻ em rất dễ nhiễm phải bệnh này. 

Nhiễm khuẩn hô hấp là một nhóm bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương viêm cấp tính ở một phần hay toàn bộ hệ thống hô hấp từ tai – mũi – họng đến phổi. 

Ở Việt Nam, trẻ em mắc nhiễm khuẩn hô hấp chiếm 30 – 35% trong tổng số các loại bệnh và có tỷ lệ tử vong rất cao (40,5%), thậm chí bé còn bị mắc đi mắc lại nhiều lần trong năm (trung bình một trẻ có thể bị 2-3 lần trong 1 năm). 

Bệnh này làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ, đồng thời làm giảm ngày công lao động của bố mẹ bé. 

Bé ho, khò khè, sốt, ăn kém, bỏ bú… bố mẹ cho bé đi khám, nắm bắt tâm lý lo lắng cho bé và muốn khỏi thật nhanh, một số bác sĩ đã kê kháng sinh cho bé sử dụng. 

Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé. 

Cụ thể, nếu nhiễm khuẩn hô hấp do virus thì kháng sinh đưa vào cơ thể bé hoàn toàn không có tác dụng và còn gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bé như: hại gan thận, gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng kháng sinh, nhờn thuốc…

Bác sĩ Collin cũng khuyến cáo, nếu trẻ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. 

Còn nếu các dấu hiệu (khò khè, ho, sốt, bỏ ăn, bỏ bú…) của bé tăng lên, các bà mẹ cần khẩn trương đưa con đi khám và tiến hành làm xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh. 

Bác sĩ chia sẻ rằng kháng sinh được ví như của "của để dành" để dùng trong những trường hợp thực sự nguy cấp vì thế tuyệt đối không nên lạm dụng nó. 



Dùng thuốc kháng sinh khéo chính là ở chỗ biết cách phối hợp hoạt chất sinh học một cách hài hòa sao cho thuốc kháng sinh vẫn bén nhưng đừng trở thành dao hai lưỡi.
Sai lầm khi “nhồi” kháng sinh sai cách cho bé 2
Chia sẻ