"Siêu" bí kíp đi chợ cực nhanh với túi tiền hạn hẹp (P.2)

Đỗ Hà - Nguồn ảnh: Afamily.vn ,
Chia sẻ

Chỉ với vài "bí kíp" giản đơn nhưng các bà nội trợ đã có thể tiết kiệm được khoản kha khá trong chi tiêu hằng ngày... Mời bạn chia sẻ với chuyên mục Mua sắm trong phần 2 này nhé!

4. Theo chân, “bám càng” những “cao thủ” đi chợ

Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra rằng trong một khu chợ, dù rất nhiều sạp cùng bán một mặt hàng nhưng bao giờ cũng có một vài sạp đặc biệt đông khách. Số đông thường đúng, họ có kinh nghiệm đi chợ nhiều nên sẽ biết hàng nào ngon, cân đủ hơn, giá cả phải chăng hơn. Chị em có thể theo đó để chọn mua nếu bạn đang bắt đầu với một khu buôn chợ mới và chưa quen giá cả và người bán.

Ở bất kỳ một khu chợ nào cũng có những “cao thủ” đi chợ. Họ là những người luôn mua được giá sát nhất, biết những hàng ngon nhất và mua một cách “chuẩn” nhất có thể. Bạn sẽ không bao giờ thấy họ mua quá nhiều hoa quả hay thực phẩm, họ hoàn toàn không bị “bốc đồng” trong mua sắm.

Ở bất kỳ khu chợ nào cũng có những “cao thủ” đi chợ...

Chị Dung (Đại La - Hà Nội) chia sẻ:

“Tôi thật sự rất ngưỡng mộ mấy bác đi chợ khi các bác có thể chỉ mua mỗi thứ hoa quả một ít như vậy. Dẫu biết rằng bấy nhiêu là đủ cho nhu cầu của cả một ngày nhưng tay tôi cứ lựa, cứ chọn và lần nào cả nhà cũng hè nhau ăn mà chẳng hết. Tiền chợ thì đương nhiên sẽ theo đó mà ‘lạm phát’ rồi”.


... Luôn mua thực phẩm vừa đủ và chọn rất kỹ lưỡng.

Khi có ý định chọn mua một món thực phẩm, như thịt gà làm sẵn chẳng hạn, bạn hãy mua sau “cao thủ” đi chợ. Đặc điểm nhận biết của các “cao thủ” này thường là: Xem hàng rất tinh tường, lật lên lật xuống kỹ, là người trung tuổi trở lên, thường mặc đồ ở nhà đi chợ. Họ có thể mặc cả được những giá khiến bạn giật mình đấy!



Nhận diện các “cao thủ” đi chợ...

Chị Hồng Mai (Trương Định – Hà Nội) kể:

“Có đợt mình hay mua vịt làm sẵn, giá khoảng 75 - 80.000 đồng/kg, nghĩ thế cũng là phải chăng rồi. Ngờ đâu hôm trước đang định mua gặp một bà đến trước, bà ấy trả có 100.000 đồng cho một con vịt đã làm nặng hơn 1,5 kg. Mình thực sự sốc, hóa ra giá rẻ hơn rất nhiều nếu biết và quen mặc cả”.


Họ luôn biết cách mua thực phẩm ngon với giá rẻ “giật mình”.

5. Chọn những sạp bán quen mặt để mua hàng

Khi đã gắn bó với một khu chợ, bạn nên tìm cho mình mỗi mặt hàng 1, 2 người bán hàng thường xuyên. Nghĩa là đến chợ bạn sẽ ưu tiên chọn mua những hàng đó trước các mặt hàng mà mình cần.

Thường thì là khách hàng quen bạn sẽ được ưu tiên hơn, được họ “bảo” thật tình những mặt hàng nào hôm nay ngon, mặt hàng nào kém tươi hơn, hàng hoa quả nào có xuất xứ từ Trung quốc, hàng nào thực sự là hàng Việt Nam... Giá họ bán cho bạn cũng mềm hơn, không chỉ thế, mua xong bạn hoàn toàn có thể gửi lại mà không cho bị đổi chác hay lén bỏ bớt thực phẩm ra.



Những người bán hàng quen mặt sẽ cho bạn thực phẩm tốt với giá cả dễ chịu.

Chị Hằng (Định Công Thượng - Hà Nội) chia sẻ:

“Chị có hàng bán hoa quả quen, chuyên mua của họ. Bao giờ giá cũng rẻ hơn người khác một chút. Hơn nữa, mặt hàng nào là hoa quả Tàu họ cũng nói cho mình biết để tránh. Lần nào đi chợ tôi cũng mua hàng đó. Mua xong thì gửi xe luôn rồi chọn thêm một số thực phẩm khác, đỡ phải dắt xe lòng vòng quanh chợ, vướng víu”.

Không chỉ thể, khi có người bán hàng quen, đôi khi bạn còn có “tiện” hơn nữa, như chị Mai Loan (Kim Mã Thượng - Hà Nội) cho biết:

“Tôi có một số người bán hàng quen. Họ nhìn thấy mình là biết mình cần gì, muốn gì rồi. Giờ tôi còn lấy số điện thoại của họ nữa. Đôi khi về hơi muộn hoặc có việc bận, tôi chỉ việc gọi điện thoại dặn là họ sẽ gửi lại thực phẩm ở nhà người quen giúp, mai trả tiền cũng không sao”.

Tuy nhiên cũng cần thận trọng “càng quen càng lèn cho đau”.

Tuy vậy, việc lệ thuộc hoàn toàn và liên tục vào những người bán hàng quen này chưa hẳn đã là một “chiêu” đi chợ hoàn hảo. Chị An (Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội) kể: “Mình đã bị một vố khá đau khi phát hiện hàng mua quen lại bán cho mình đắt hơn những người khác. Dĩ nhiên, đắt hơn cũng không quá nhiều nhưng điều đó làm mình thực sự mất niềm tin vào người đó”.

Để hạn chế tình trạng “càng quen càng lèn cho đau”, đôi khi bạn hãy thử kiểm tra lại giá ở các hàng khác xem sao nhé!

6. Cân treo mi ni - tuyệt chiêu chống “cân điêu, đong thiếu”

Những hàng hoa quả bán rong và thậm chí hàng bán cố định ở một số chợ thường rất hay “cân điêu” cho khách. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở hàng hoa quả rong và hàng bán cá. Tận dụng việc hay di chuyển địa điểm bán hay việc khách hàng luôn nhờ làm cá ngay tại chỗ nên không thể “kiểm định” khối lượng khi về nhà nên họ thường hay “làm điêu”.

Tuy vậy, có thể khẳng định, những hàng hoa quả bán rong thường là những hàng có giá mềm mại nhất, nếu bạn có thể được mua cân đủ thì bạn đã tiết kiệm được khá nhiều tiền chợ rồi đó.

So với hàng sạp…

Hàng rong có giá rẻ hơn khá nhiều nhưng thường hay cân thiếu.

Chị Tâm Anh (Dịch Vọng - Hà Nội) bực tức: “Chẳng nhẽ lần nào cũng phải ra hàng rau cân lại rồi mới cho mổ. Báo giá con cá chép hơn một cân mà mình ước chừng chỉ tầm 8, 9 lạng. Họ làm sạch rồi, về cân lại chả được đến 7 lạng có chết người không? Cá thì đắt đó chứ chẳng rẻ gì, mà báo bao nhiêu mua bấy nhiêu, có mặc cả đâu cơ chứ!”.

Hàng cá là “chuyên gia” cân thiếu.

Chị Xuân (Chùa Láng – Hà Nội) thì đến giờ vẫn còn bức xúc vì:

Hồi đầu mùa, măng cụt có giá đến 60.000 - 70.000 đồng/kg. Đắt đỏ thế mà hàng bán vẫn cân điêu cho mình. Mà không phải hàng rong đâu nhé, hàng ngồi thường xuyên luôn, bán buổi tối mà. Rõ ràng xách túi măng có vấn đề nhưng đi biếu thì kiểm định làm sao. Lần mua ăn mang về nhà cân lại mới tá hỏa, một cân chưa đầy 8 lạng. Tức tốc mang trả và thề lần sau cạch mặt hàng đó ra”.

Chính vì thế mà hiện nay trên thị trường đã xuất hiện loại cây treo mi ni với độ chính xác cao, cho phép cân tối đa đến 5 kg. Chiếc cân nhỏ xinh này chỉ có giá 50.000 đồng, rất tiện cho vào cốp xe, túi xách, giỏ đi chợ. Với dụng cụ này, các bà nội trợ có thể thử độ trung thực của người bán hàng ngay tại chỗ để tránh bị cân thiếu mà thành ra mua đắt.


Cân treo mi ni là “tuyệt chiêu” cho các bà nội trợ trong trường hợp này.

Chị Hoàng (nhân viên ngân hàng) hào hứng chia sẻ:

“Mình đi chợ kém lắm, toàn bị xỏ mũi thôi, vì không biết ước lượng mà. Từ khi mua được cái cân này thấy đỡ hẳn. Hôm trước mua hoa quả hàng rong dặn ‘Chị cân đủ cho em nhé. Cân đủ em mới mua đấy’. Chị ý gật như bổ củi nhưng cân xong, mình kiểm tra lại bằng cân của mình thì một cân cũng chỉ 9 lạng tươi một tý. Chỉ để chị ấy cho thêm vào chứ cũng không quá gay gắt vì mình biết, hàng rong mà cân 9 lạng tươi cũng là hơi hiếm rồi”.

Hi vọng rằng với một số “bí kíp” mà chuyên mục Mua sắm chia sẻ, các bà nội trợ có thể đi chợ một cách thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm hơn nhé!


Nếu bạn muốn biết thêm về thông tin của các sản phẩm được giới thiệu trên chuyên mục Mua sắm, xin vui lòng liên hệ:

08.39309935/máy lẻ 103 hoặc muasam@afamily.vn, info@afamily.vn.
 
Chia sẻ