Sinh viên "đại gia" nói gì khi bị đánh đồng: Nhà giàu, học dốt, ăn chơi?

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Sinh viên đại gia phải đối mặt với điều gì? Nếu học dở, thì đó là do “Mải ăn chơi bằng tiền của bố mẹ”. Nếu học giỏi, thì đó là do “Được bố mẹ tạo điều kiện để học những trường xịn nhất, thì ai chả giỏi?

Từ lâu, cụm từ “Sinh viên đại gia” đã tồn tại trên giảng đường Đại học như một câu chuyện, đề tài thú vị kéo dài từ mặt báo cho đến hành lang trường học, từ những câu chuyện hội họp của nhóm bạn với nhau cho đến những trận tranh cãi… Sinh viên đại gia trong mắt mọi người là ai? Là những bạn trẻ chỉ mười mấy hai chục tuổi đã có xe đưa rước đi học mỗi ngày, là những bạn trẻ không bao giờ biết đến nỗi lo học phí, không cần đi làm thêm để kiếm tiền tiêu vặt, là những bạn trẻ không cần trăn trở lựa chọn khi muốn học thêm một khóa học mới. Tóm lại, họ không bao giờ phải lo nghĩ về tiền bạc khi theo đuổi con đường học hành cả.

Và vì vậy, mà "Sinh viên đại gia" phải bị gắn liền với rất nhiều định kiến. Nếu bạn cũng là một sinh viên bình thường như bao người, thì chắc chắn, bạn sẽ không bao giờ bị bàn tán, phân tích, mổ xẻ. Nhưng “chẳng may” bạn là Sinh viên đại gia, thì bạn phải đối mặt với điều gì? Nếu bạn học dở, thì đó là do “Bạn mải ăn chơi bằng tiền của bố mẹ”. Nếu bạn học giỏi, thì đó là do “Được bố mẹ tạo điều kiện để học những trường xịn nhất, thì ai chả giỏi?”. Nói chung, trong mắt người khác, bạn luôn bị phủ nhận những thành tích đạt được trong học tập, dù bạn học giỏi đến thế nào đi chăng nữa.

Chúng tôi đã thử trò chuyện với chính những người trong cuộc, những sinh viên được gắn mác "đại gia". Họ hiện đang học tập ở các trường Đại học trong nước lẫn ngoài nước. Họ có nền tảng và điều kiện gia đình khá tốt. Họ được tạo điều kiện học hành rất nhiều. Họ đều có những thành tích học tập đáng ngưỡng mộ cũng như hoạt động ngoại khóa, làm thêm vô cùng phong phú. Vậy họ nghĩ gì về những định kiến dành cho chính họ - Sinh viên đại gia?

Sinh viên

Sinh viên

Sinh viên

Sinh viên

Sinh viên

Định kiến 1: "Sinh viên có điều kiện thì chỉ toàn ăn chơi chứ học hành chỉ là thứ yếu?"

Lý Thành Cơ: Ăn chơi thì nên định nghĩa lại là ăn chơi như thế nào? Nếu đi ăn uống, gặp gỡ bạn bè, dù có bar pub thì vẫn là 1 phần trong đời sống, tạo dựng mối quan hệ xã hội, cái đó không xấu. Việc giao lưu rất cần có điều kiện về tiền bạc, và tất nhiên nhờ có điều kiện, nên họ sẽ được tiếp xúc với những thành phần cool hơn, thú vị hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không học.

Allison: Cái này cũng đúng mà cũng sai. Thứ nhất, cái gì cũng có hai loại, có sinh viên có điều kiện nhưng vẫn chăm học và ngược lại. Mà những thành phần mà chăm học thì sẽ chẳng bao giờ thể hiện đi chơi, mua quần áo, tiêu tiền vào xe cộ, nhà cửa, nên dù có giàu thế nào, thì về mặt nổi, không ai biết được. Nên ở đây chỉ sai ở chỗ "đa số," chứ có tiền thì kể cả sinh viên hay người lớn đều muốn ăn chơi đi đây đó cả.

Ân Đỗ: Điều kiện chỉ là yếu tố nhỏ quyết định đến việc ăn chơi hay học tập thôi, phần nhiều dựa vào ý chí của bản thân. Nếu đã muốn ăn chơi thì cho dù có điều kiện hay không người ta vẫn tìm cách. Nói về ý trên, mình nghĩ chắc “mọi người” chỉ mới gặp được một vài sinh viên đại gia thôi. Mình đã gặp được rất nhiều bạn sinh viên đại gia nhưng thành tích học tập cũng cực oách, bản thân các bạn luôn muốn chứng tỏ cho mọi người thấy tự bạn cũng có thể làm được, chứ không chỉ dựa vào gia thế khủng.

Sinh viên
 Ân Đỗ 

Định kiến 2: "Có tiền thì muốn học giỏi cũng dễ hơn là không có tiền."

Allison: "Thì dĩ nhiên là có điều kiện thì được hưởng thụ một nền giáo dục tốt nhất, ngoài việc học ra không phải lo việc gì khác nên đúng là có học giỏi hơn thật. Nhưng câu hỏi đặt ra là "Học giỏi ở đây có nghĩa là gì?". Sinh viên nghèo thì chỉ đọc sách, tận dụng những kiến thức trên trường, trên lớp nên về mặt lý thuyết thì tuyệt vời. Sinh viên có điều kiện hơn thì sẽ có điều kiện đi du lịch, thăm thú, trải nghiệm, gặp người này người nọ, "social life" sẽ tốt hơn, khéo léo hơn trong ứng xử và kiến thức bên ngoài nên khi đi làm cũng được trong dụng không kém gì những người bằng đại học từ những trường tốt. Như thế đồng nghĩa với việc người ta cũng mất thời gian học đi, điểm số sẽ không bằng những sinh viên suốt ngày cắp sách đến trường nên không thể nói là bất công được."

Sinh viên
Allison

Ân Đỗ: Nói thế theo mình là hoàn toàn không đúng. Thật ra các bạn có điều kiện sẽ gặp nhiều “khó khăn” hơn chứ, bởi vì những thứ sẵn có đôi khi khiến các bạn xao nhãng với mục tiêu của mình. Ngoài ra, những bạn có điều kiện sẽ dễ gặp phải nhiều cám dỗ hơn các bạn khác như họ có khả năng tiêu tiền cho những cuộc ăn chơi tụ tập thâu đêm suốt sáng, các loại thuốc kích thích không có lợi cho sức khỏe,.. Có nhiều tiền cách mấy, nhưng thiếu đi ý chí quyết tâm, khả năng làm chủ bản thân, mang suy nghĩ sống ỷ lại vào người khác, thì cũng khó có thể mà thành công được.

Lý Thành Cơ: Học là do mỗi bản thân, nhiều thứ cộng hưởng như thông minh, cần cù, kiên định. Có nhiều tiền chỉ có thể có nhiều lựa chọn vào trường tư và điều kiện học tập tốt hơn chứ không quyết định đến chuyện bạn tốt nghiệp trên 8 chấm.

Sinh viên
 Nguyễn Thế Lân

Định kiến 3: "Sinh viên đại gia rất biết lợi thế về tài chính nên thường không lo lắng gì khi cần trang trải những chi phí học hành".

Jade Trần: Mình may mắn được gia đình lo về tất cả mọi mặt tài chính nên cuộc sống khá nhẹ nhàng. Không cần phải lo về tiền bạc đương nhiên là đã cho mình nhiều thời gian hơn để học tập và tận hưởng cuộc sống sinh viên. Tuy nhiên qua những năm qua, theo kinh nghiệm của mình thì đi làm (nếu đúng ngành và đúng nghề nghiệp mình thích) là một cái vui, và mình nghĩ điều kiện gia đình tuy là một lợi ích lớn, không phải là tất cả để quyết định.

Thế Lân: Lân cũng không phải là giàu có gì, chỉ là ba mẹ dành dụm từ lâu rồi để Lân có thể đi du học thôi. Lân nhận thức được gia cảnh Lân vẫn khá hơn rất nhiều người và Lân có cơ hội được học hỏi nhiều thứ nhờ thế.

Ví dụ như Lân sinh ra ở cái thời Internet là một thứ rất mới và xa xỉ. Được tiếp cận với công nghệ sớm cho Lân một bước đi trước nhiều bạn cùng lứa. Thứ hai là được học ngoại ngữ sớm hơn nên có lợi thế hơn. Thứ ba, cái này thì Lân không có trải nghiệm nhưng quan sát các bạn của Lân có gia cảnh khá giả hơn. Họ được thừa hưởng một nền giáo dục toàn vẹn hơn, bao gồm âm nhạc, hội họa, v.v.. Những kiến thức và trải nghiệm đó ảnh hưởng đến sự trưởng thành và hoàn thiện của một con người rất nhiều. Nhưng mà Lân không phủ nhận là có những tiện nghi và lợi ích đó là đủ, ngoài ra thì tính độc lập, tự giác này nọ cũng quan trọng lắm.

Sinh viên
 Lý Thành Cơ 

Định kiến 4: "Đối với sinh viên có điều kiện, đi làm thêm chỉ là "làm màu" mà thôi"

Ân Đỗ: Nếu bạn luôn nghĩ làm thêm chỉ để có tiền thì bạn sẽ không tiến bộ được. Hãy nghĩ về những giá trị khác. Sau một thời gian làm thêm khi còn đang đi học, mình nhận ra nếu không thử làm thêm thì có thể sẽ là một thiếu sót lớn. Vừa đi làm trong lúc còn học mang lại nhiều ích lợi lắm, mình được dịp thử nghiệm những gì mình đã học áp dụng vào môi trường làm việc thực tế, và mình cảm thấy thật may mắn khi đã chuyên tâm trong các môn học, mỗi thứ thầy cô chia sẻ nơi trường học áp dụng được tất cả vào thực tế đấy!

Hơn nữa, việc làm thêm còn giúp mình sớm nhận ra những thiếu sót của bản thân, những lỗ hổng trong kiến thức mà vào lúc còn đi học này chính là thời điểm tốt để có thể củng cố. Một điều ích lợi nho nhỏ cuối cùng, chính là sau này ra trường, mình sẽ có được một cái CV thật ngon lành để nộp cho các nhà tuyển dụng.

Lý Thành Cơ: Có điều kiện hay không, cũng phải đi làm thêm. Không nên dành hết 4 năm chúi đầu vào học. Học nhiều mà không có kinh nghiệm thực tiễn cũng như không. Cho nên đừng bảo sinh viên có điều kiện đi làm thêm để "làm màu" nhé. Họ đúng là không đi làm chủ yếu vì tiền, mà là vì những giá trị mà nó mang lại.

Sinh viên
 Jade Trần

Định kiến 5: "Sinh viên có điều kiện là những người rất chảnh và vung tiền như nước."

Ân Đỗ: Sinh viên có điều kiện thật ra họ cũng như bao bạn sinh viên bình thường khác thôi. Khi hẹn hò nhau ăn uống, các bạn vẫn phải cân đo đong đếm xem chỗ nào vừa ngon vừa rẻ, khi đi xem phim họ vẫn chìa thẻ sinh viên để nhận được ưu đãi, họ vẫn cảm thấy bấn loạn trước các cửa hàng thời trang giảm giá. Các bạn cũng là những người trẻ có mơ ước, mong muốn có thành tựu, thích tập tành kinh doanh, mừng rỡ trước những đồng tiền mà mình kiếm được. Nếu có khác thì đôi khi, các bạn vẫn dùng tiền để đi ăn một bữa hoành tráng hay mua một món đồ đắt tiền mà bạn ấy siêu thích, nhưng chỉ là lâu lâu thôi nhé.

Lý Thành Cơ: Lứa sinh viên có điều kiện mình tiếp xúc có suy nghĩ thoáng và tích cực về cuộc sống. Họ không bị ràng buộc về tài chính nên họ có những ý tưởng học tập, khởi nghiệp hay và dám sống với đam mê của mình. Dù có tiền từ gia đình, nhưng các bạn vẫn đi làm thêm nhiều để lấy kinh nghiệm chứ không chây lười hoặc hoang phí như trên mặt báo hay nói.

Jade Trần: Sau những năm sinh sống và học tập ở nuớc ngoài, mình nhận thấy định kiến bạn nói đến chỉ đúng với một phần nhỏ những sinh viên du học có điều kiện tài chính; và trong những trường hợp này thì không phải chỉ là người Việt Nam mà nước nào cũng có. Bản thân mình cũng quen biết một vài người chỉ thích qua nước ngoài để ăn chơi và xài tiền của ba mẹ, và tiếc rằng tai tiếng thì thường được bàn đến và lan rộng nhiều và nhanh hơn… có lẽ một câu chuyện về những con người bình thường với cuộc sống bình thường thì không sôi nổi bằng.

 

Chia sẻ