Sợ con dâu sướng hơn mình

,
Chia sẻ

Ngủ dậy, Liên đã thấy mẹ chồng cau có. Vừa quét nhà, mẹ chồng vừa than thở: ‘Làm dâu bây giờ sướng. Ngủ đến 7-8h sáng. Đâu như ngày xưa, từ 4-5h sáng đã lo cơm nước’.

Liên định nói: “Hôm nay là chủ nhật mà mẹ. Tối hôm qua, thức khuya nên con mới dậy muộn” nhưng lại cố nhịn. Liên biết, chỉ cần bào chữa một câu, mẹ chồng cô sẽ được dịp kể lể một hồi, toàn những chuyện ngày xưa đi làm dâu cực khổ thế nào. Nếu đó là những lời tâm tình thì không sao, đằng này… Bữa cơm nào ngồi đầu mâm, xới cơm, Liên cũng bị mẹ chồng kể khổ: “Ngày xưa mẹ phải xới cơm cho 9 người trong nhà chồng. Đâu như con bây giờ…”.

Suốt quãng thời gian đưa mẹ chồng đi siêu thị, Liên toàn nghe chuyện “mò cua, bắt ốc”, “đào khoai lang sống” của mẹ chồng. Sau đó, là chuyện quần áo vá, dép nhựa hàn ngang hàng dọc, không như con dâu bây giờ, sướng sao kể siết.

Lúc ốm nghén, mệt mỏi không ăn được, Liên lại bị mẹ chồng trách: “Mới tý đã giỏi kêu. Xưa, mẹ chửi vượt mặt vẫn phải ra đồng cày cấy mà có dám kêu lời nào”. Liên thấy tủi thân vì mẹ chồng không tâm lý. Ngày xưa và bây giờ khác nhau là tất nhiên. Mẹ chồng Liên không đặt vào hoàn cảnh của con dâu thời nay để thông cảm, lại cứ thích so đo. Nhiều lúc, mệt quá, Liên chỉ ao ước được ra riêng.
 

Cùng cảnh với Liên, My (quận Phú Nhuận, TP HCM) đã ôm con về nhà ngoại và dọa chồng: “Nếu không ở riêng thì vợ chồng ly thân cho đủ 6 tháng là ra tòa”. Mâu thuẫn phát sinh khi mẹ chồng My luôn… sợ con dâu sướng hơn mình ngày xưa.

Mẹ chồng My luôn càu nhàu khi thấy con dâu dùng máy giặt. Theo bà, bây giờ nước máy sẵn, chỉ mở vòi là đầy chậu, đâu có khổ sở kéo từng gàu nước như xưa. Thế sao, con dâu không tranh thủ giặt tay, vừa đỡ tiết kiệm, vừa không hỏng quần áo.

Mua quần áo mới cho mình, My cứ phải giấu giếm. Mẹ chồng biết, lại bảo con dâu hoang phí, dành tiền mà lo cho con. Hồi xưa, cả năm trời mới được bộ quần áo mới. Áo vá chằng chịt còn không dám vứt đi, chứ như bây giờ, áo còn mới đã đem làm giẻ lau nhà.

My giải thích vài câu thì mẹ chồng cho là “cãi lão”. Sau đó, cụ còn kể chuyện với hàng xóm: “Phải nhịn con dâu”. Câu nói đó đến tai bố mẹ đẻ của My. My đã khóc rất nhiều. Chán nghe mẹ chồng than vãn, My quyết định “vùng lên”. Cô ôm con về ngoại, gây sức ép buộc chồng phải ra riêng.

Thông cảm cho mẹ chồng

Nguyên nhân kể khổ của mẹ chồng có thể do thời làm dâu bị chịu nhiều ấm ức, cần được quan tâm và chia sẻ. Người già ít có thời gian và phương tiện giải tỏa căng thẳng nên than thở cũng là cách giải phóng bớt nỗi muộn phiền. Ngay bản thân người vợ cũng thích dùng chiêu kể khổ, than vãn với chồng. Thế mới thấy, kể lể hay than thở là tâm lý tự nhiên, nhất là với phụ nữ.

Nghe mẹ chồng than thở, con dâu đừng vội bực mình mà hãy bình tâm chia sẻ với mẹ chồng. Thử biến những câu chuyện ôn nghèo, kể khổ một chiều thành hai chiều. Thông qua câu chuyện, con dâu khéo léo trao đổi để mẹ chồng hiểu nỗi khổ của cảnh làm dâu thời hiện đại, như áp lực công việc, stress vì thăng tiến, học hành, chăm con cái… Qua đó, mẹ chồng sẽ thấu hiểu và cảm thông cho những lo lắng của con dâu hiện nay.

Tuy nhiên, kiểu kể khổ của mẹ chồng thường khiến con dâu khó chịu vì dai dẳng, không đúng lúc và có ý áp đặt, khiến con dâu tổn thương. Không khí gia đình không còn chỗ cho tiếng cười và những lời nói ngọt ngào. Thậm chí, con dâu trở nên ác cảm và muốn xa lánh mẹ chồng. Tất nhiên, để sống hòa thuận thì mỗi bên cần điều chỉnh một chút. Nhưng quan trọng con dâu cần tìm được tiếng nói đồng điệu với mẹ chồng.

Nếu mẹ chồng bắt đầu kể ngày xưa thế này là khổ thì con dâu cứ vui vẻ tiếp nhận. Tiếp tục câu chuyện bằng cách bây giờ, con thế kia cũng là khổ… Có thể, mẹ chồng sẽ “ngấm” tư tưởng, thì ra làm dâu thời nào cũng có nỗi khổ riêng.
 
Theo Me&be
Chia sẻ