Số khổ

Lam Anh,
Chia sẻ

Người ta bảo khi sinh ra mỗi người đã có số phận rồi, số khổ cực, đắng cay như đã vận vào cái dáng tất bật khắc khổ của chị vậy.

Ngày chị đưa anh về ra mắt gia đình nói sẽ kết hôn với anh, anh trai chị quát: “Thằng đàn ông 40 tuổi, ăn bám bố mẹ là loại bỏ đi, không thể là thằng đàn ông tử tế. Mày mà lấy nó thì đừng anh em với tao. Khổ một lần còn chưa thấm sao?”. Bố mẹ chị đã ngoài 70, già yếu cả rồi chỉ nói với chị một câu: “Thôi thì cuộc đời mày, mày tự quyết, bố mẹ đã ép buộc mày một lần khổ rồi”. Chị khóc, nghĩ cũng là một kiếp đàn bà mà sao chị khổ đến vậy.

***

Chị lấy chồng rất sớm. Khi chị chưa 18 tuổi, mẹ anh đã mang trầu cau sang hỏi cưới. Chị bước chân về nhà anh làm dâu mà tình yêu chưa chạm tới tay. Lấy nhau về, hai vợ chồng cặm cụi đi làm thuê. Cái nghèo quanh quẩn ở bên, căn nhà xiêu vẹo, tường bong tróc vôi vữa, loang lổ rêu, khi mưa đến chị và mẹ chồng vội vàng gom hết xô chậu đặt từng góc hứng nước. 

Buổi tối, anh thích ra ngồi quán nước đầu làng rít điếu thuốc lào, chén chè, chén rượu với đám thanh niên, nói dăm ba thứ chuyện tào lao trong làng ngoài xã. Không biết từ lúc nào anh vướng vào lô đề cờ bạc. Những hôm anh thắng, anh vui vẻ rượu thịt với bạn say sưa tới tối, hôm thua, anh dồn hết nỗi bực tức trút giận vào chị và con. Những vết bầm tím anh để lại trên người chị có khi cả tuần chưa mờ vết. Chút tiền vợ chồng dành dụm được để sửa sang nhà cứ với dần.

Từ ngày chồng dính vào lô đề, mẹ chồng hay chửi chị: “Mày để thằng chồng đổ đốn như vậy, thân làm vợ không biết chăm lo cho chồng. Đồ đàn bà vứt đi”. Mọi nỗi uất ức đổ lên đầu chị. Một tay chị vất vả nuôi con, lo toan gia đình, ai thấu hiểu cho chị. Chị cay đắng nghĩ, cũng phận đàn bà đi làm dâu, sao mẹ chồng chị hay buông lời cay nghiệt. 

Chị có nói thì bà chặn ngang: “Đồ mất dạy, dám cãi lời tao, từ ngày mày về làm dâu, mày làm được gì cho cái nhà này, chỉ đem vận xui đến, cút đi cho khuất mắt tao”. Khi chồng chị về với bộ dạng say khướt, miệng lẩm bẩm chửi, mẹ chồng tay chống nạnh chỉ thẳng vào mặt anh: “Thằng mất dạy, về mà dạy dỗ con vợ mày”. Anh không cần biết vợ đúng hay sai xông vào đánh chị tới tấp vì tội  “hỗn láo với mẹ chồng”.

Số khổ 1
Số khổ cực, đắng cay như đã vận vào cái dáng tất bật khắc khổ của chị vậy (Ảnh minh họa).

Khổ đau, uất ức, chị bỏ chồng. Cha mẹ chị mắng chửi: “Đừng để tao đến chết phải mang tiếng nhục nhà vô phúc, có con gái bỏ chồng”. Chị nước mắt tràn trề: “Con khổ lắm rồi, con không thể tiếp tục được nữa”. Chị khăn gói bước chân ra khỏi nhà anh sau hơn 7 năm chung sống. Khi đó con gái chị được 4 tuổi. Chồng và mẹ chồng không cho chị đưa con đi, bắt chị hàng tháng đóng tiền nuôi con.

Chị xuống Hà Nội đi làm làm tạp vụ cho nhà hàng. Nhiều lần về thăm con, chị bị chồng và mẹ chồng đánh chửi, đuổi từ cổng không cho vào. Khi anh có thêm người vợ mới, đứa con trai ra đời thì con gái chị bị bố và bà nội mắng chửi thường xuyên hơn, có khi là những trận đòn đau. Chị thương con đến quặn lòng.

Chị muốn đón con xuống Hà Nội, nhưng với đồng lương ít ỏi, làm sao chị có thể nuôi con đi học ở thủ đô này. Lực bất tòng tâm, lại thêm nhà chồng không cho chị đón con đi, họ coi đây là sự trừng phạt với chị.

***

Thấm thoắt chị đã sống vò võ một mình hơn chục năm trời, nỗi cô đơn thấm vào từng nỗi đau của chị. Là người đàn bà, nên chị cũng cần lắm một người đàn ông để dựa vào. Chị ước mơ cuộc sống hạnh phúc hơn. 

Chị nghĩ ông trời thương chị khi cho chị gặp anh trong một ngày mưa tối mùa đông. Chị ngồi trú mưa ở quán nước ven đường, anh cũng đang ngồi uống nước. Đôi ba câu chuyện làm quen, anh chị cho nhau số điện thoại, thêm vài lần găp gỡ đi chơi. Sau ba tháng anh ngỏ lời muốn cưới chị. 

Anh ngoài 40, đã li dị vợ, có một đứa con gái tầm tuổi con gái chị nhưng sống với mẹ nó. Anh bảo chị, anh bỏ công việc lái xe đường dài Bắc Nam ở nhà tìm cơ hội làm ăn mới, mua chiếc xe tự lái vừa kiếm tiền nhiều vừa làm chủ, vợ chồng gần nhau hơn. Anh hứa với chị biết bao điều. Chị tin, rất tin những gì anh nói. 

Sau ngày cưới, chị sớm có thai. Chị bần thần. Chị chưa chuẩn bị tâm lý để có thêm con, anh không việc làm, công việc của chị không ổn định. Anh thì sướng ôm chị cười sảng: “Em phải sinh cho anh một thằng quý tử”. Thời gian nghén, chị muốn mua tẩm bổ cho con cũng không dám, sợ sẽ tiêu lẹm vào số tiền tiết kiệm bao lâu mới có. Chị nhắc anh chuyện mua xe hay xin việc đi làm, anh ậm ừ: “Để anh tính”. Nhưng sự “tính” của anh kéo dài từ tháng này sang tháng khác bằng việc la cà quán xá, tụ tập bạn bè chơi bời.

Những hôm trời nắng, chị phải ngồi ngoài trời rửa mấy chậu bát đĩa, bụng to làm chị đứng lên ngồi xuống thật khó nhọc. Chị thấy cực quá, về nhà chị khóc mắng anh không biết thương vợ thương con. Anh lớn tiếng: “Đừng có lắm mồm, ghét nhất cái loại đàn bà cứ lải nhải một chuyện, cô thích nuôi con thì đẻ, không thì bỏ nó đi”. Nước mắt chị rơi, đau khổ tột cùng, những hy vọng vụn vỡ, cuộc đời chị hình như lặp lại nỗi đau của hơn 10 năm trước, lúc đó em bé đã được 5 tháng.

Chị tiêu dè xẻn từng đồng để dành tiền cho việc sinh nở. Hôm chị mở tủ hốt hoảng thấy số tiền dành dụm đã trống trơn. Chị gọi hỏi anh, anh bảo lấy cho ông chú mượn. “Em sắp sinh con rồi, tiền anh còn mang đi đâu, anh định để cho mẹ con em chết sao?”. Anh quát: “Cô câm mồm lại, người ta mượn rồi người ta trả, có ai ăn quỵt tiền cô mà lu loa lên hả”. Chị nuốt nước mắt vào trong, gọi điện cho chú anh hỏi chú anh có thể thu xếp gửi chị số tiền đó sớm được không. Chú anh quát lớn: “Chú đâu có vay tiền gì của vợ chồng mày”. Chị biết anh đã lấy số tiền đó đi chơi bời hết rồi. Anh sống vô trách nhiệm với cuộc đời anh, thì chị hy vọng gì anh có trách nhiệm với chị và con nữa.

Con đạp làm chị đau, nhiều hôm nằm ngủ chị không ngủ được, cứ lật bên này bên kia, khó thở. Anh càu nhàu: “Nằm im cho người khác ngủ”. Chị nằm ngủ mơ ú ớ, anh quay sang đạp cho chị một cái: “Cút sang chỗ khác mà ngủ, làm tao tỉnh giấc hoài”. Chị đau gần như ngã. Khi ấy chị đã mang thai được hơn 7 tháng.

Chị cay đắng nghĩ đến việc sau khi sinh con sẽ li dị với anh. Hạnh phúc mong manh, ngắn chẳng tày gang. Chị cần tổ ấm, cần người đàn ông nương tựa chứ không phải cần thêm những nỗi đau cho cuộc đời chị nữa. Chị làm khổ đời chị, làm khổ thêm cả đời con chị sau này. Người ta bảo khi sinh ra mỗi người đã có số phận rồi, số khổ cực, đắng cay như đã vận vào cái dáng tất bật khắc khổ của chị vậy. 37 tuổi chị đã sắp qua hai lần đò, nhưng chị vẫn chưa được chạm tay vào hạnh phúc lấy một lần.
Chia sẻ