Sốc khi con bị cô giáo gọi là... "thái giám"

,
Chia sẻ

Đức, cậu bé 3 tuổi đang học tại một trường mầm non của Hà Nội, buồn thiu kể với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo bảo con giống thái giám”...

Hôm đó đi học về, cậu không cười nói vui vẻ và bi bô kể chuyện cho mẹ nghe như mọi khi. Nhìn vẻ mặt buồn thiu của cậu con trai, chị Hương - mẹ bé Đức liền hỏi: “Hôm nay đi học có chuyện gì kể cho mẹ nghe không Đức?”. Cậu bé lí nhí nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo bảo con giống thái giám”...
 
Câu trả lời ấy khiến chị Hương rất bất ngờ và cũng cảm thấy giận cô giáo của bé. Biết con mình nhút nhát và có phần hơi bẽn lẽn, nhưng chị Hương không thể hiểu tại sao cô giáo có thể nói như vậy về con trai mình và lại ngay trước mặt bé. Để rồi, như con kể lại, các bạn trong lớp cùng cười ồ và đặt cho em biệt danh là “Đức Thái giám”.
 

Thái độ của cô giáo khi đó thế nào mà khiến một đứa bé 3 tuổi,
chưa hiểu “thái giám là gì” phải buồn bã như vậy
 

Chị Hương hiểu, đó có thể chỉ là một lời nhận xét bâng quơ, nhưng chị không thể hiểu nổi, thái độ của cô giáo khi đó thế nào mà khiến một đứa bé 3 tuổi, chưa hiểu “thái giám là gì” phải buồn bã như vậy?

Theo một số chuyên gia tâm lý, trẻ em vốn dĩ rất ngây thơ, trong sáng và suy nghĩ có thể còn non nớt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các em không có những suy tư, cảm nhận về các sự việc đang diễn ra. 

Trái lại, mỗi sự vật, sự việc, hiện tượng dù nhỏ nhưng cũng có thể khiến các em chú ý, ghi nhớ, đánh giá và từ đó dần hình thành nên nền tảng nhận thức và tư duy.

Trong thực tế cuộc sống, bản thân những người đã trưởng thành cũng có không ít những lời nói, việc làm gây thất vọng, và đáng buồn hơn là nó lại thường xuyên được thực hiện một cách vô thức trong giao tiếp với trẻ.

Những ý nghĩ hay câu nói kiểu như: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”, “Chuyện người lớn, trẻ con biết gì mà tham gia” hay “Ôi, bọn trẻ con ý mà, biết gì đâu”... ta có thể dễ dàng nghe thấy xung quanh mình, thậm chí ngay chính trong gia đình mình.

Hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 1800 1567 của Bộ LĐTB&XH là những thắc mắc về cách hành xử của người lớn - Ảnh minh hoạ: nguồn Internet

Đó là những điều đã ăn sâu vào tâm trí những người trưởng thành - những người được gọi là “người lớn”, khiến họ dường như ngày càng đánh giá thấp khả năng nhận thức và ý kiến riêng của trẻ em. Và phải chăng, chính lối suy nghĩ ấy là nguyên nhân cho rất nhiều lời nói và hành động tuỳ tiện trước mặt con trẻ?
 
Trong số hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 1800 1567 của Bộ LĐTB&XH, có rất nhiều câu chuyện các cháu tâm sự là những băn khoăn, thắc mắc về thái độ, cách hành xử của thầy cô, cha mẹ hay những người lớn xung quanh mình:

- “Em yêu con chó nhà em vô cùng, nhưng mẹ em lại đem cho nó đi mà không nói với em, không để em nhìn mặt nó lần cuối”.

-  “Cô ơi, mẹ em lúc nào cũng bảo nếu được học sinh giỏi thì thích gì mẹ cũng mua cho, nhưng đến khi được, mẹ em lại bảo làm gì có tiền, vớ vẩn. Thế là thế nào ạ?”.

- “Mẹ em thường đọc trộm nhật ký của em, thế là mẹ em đúng hay sai?”.

- “Bố mẹ em cãi nhau suốt ngày, em phải làm gì bây giờ?”.

- “Em thấy cô giáo toàn thiên vị cho một bạn cùng lớp”.

Đó là một số tâm sự của các em, các cháu khi gọi điện tới đường dây tư vấn và hỗ trợ này. Đây đều là những chia sẻ rất đời thường, không có gì to tát nhưng đó mới chính là mối quan tâm và khúc mắc trong suy nghĩ của lứa tuổi này.

Người lớn hãy lắng nghe lời con trẻ - Ảnh minh hoạ: nguồn Internet

Từ những tâm sự ấy, ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, hành động của người lớn, nhất là cha mẹ và thầy cô có ảnh hưởng lớn thế nào tới trẻ. Chỉ một lời nói, một cư xử nhỏ cũng khiến các em suy nghĩ.

Đau lòng hơn là những câu chuyện bố mẹ hay quát nạt các em, thiên vị giữa các con trong gia đình, hay chuyện cha mẹ các em li hôn: “Cô bảo cháu ở với bố thì cháu sẽ ở với bố, cô bảo cháu ở với mẹ thì cháu sẽ ở với mẹ”. “Bố mẹ cháu đã ly hôn nhưng suốt ngày bố đến đánh chửi mẹ con cháu”.

Theo bà Vũ Kim Thanh, người phụ trách đường dây tư vấn này, đồng thời cũng là Trưởng phòng Nghiên cứu các vấn đề xã hội của Viện Nghiên cứu môi trường và vấn đề xã hội, thì khi các bậc phụ huynh được hỏi: “Anh/chị có hiểu con mình không?”, họ đều không ngần ngại mà trả lời rằng: “Tôi đẻ ra nó mà lại không hiểu à?”. Nhưng thực chất là họ không hiểu.

Để cha mẹ xích lại gần con cái, bà Vũ Kim Thanh chia sẻ: “Người lớn hãy lắng nghe lời con trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ, phân tích cho trẻ hiểu cái nào đúng, cái nào sai. Người lớn hãy là một người bạn của trẻ để trẻ chia sẻ tâm tư cũng như tình cảm của mình”.

Theo các chuyên gia, không nắm bắt được tâm lý của trẻ, không coi trọng lời hứa với trẻ con và không quan tâm đến cảm nhận của con em mình là điều nhiều bậc phụ huynh phạm phải mà không hay biết, do vậy dẫn đến những hành động vô tình làm tổn thương tâm hồn nhạy cảm của trẻ.

Một trong những điều người lớn luôn dạy cho con em mình đầu tiên là phải biết tôn trọng người khác, nhưng liệu bản thân người lớn đã thực sự tôn trọng trẻ em theo đúng nghĩa hay chưa? Đó là câu hỏi cần được suy nghĩ và trả lời một cách nghiêm túc.

 Nhiều học sinh tử tự vì không được "lắng nghe"

Nhập viện Nhi Đồng 1, TP HCM vào tháng 12/2009, em Dung ở Đồng Nai, được chẩn đoán bị ngộ độc thuốc cỏ paraquat. Nguyên nhân khiến bệnh nhi tìm đến cái chết là do bị bố mẹ mắng vì liên tiếp đi chơi đến khuya mới về nhà.

Trường hợp thứ hai là một nam học sinh tại Bến Tre, sau 3 ngày bỏ nhà đi bụi về nhà sợ ba mẹ mắng nên tự mua thuốc diệt cỏ uống. May mắn là vài phút sau khi uống, học sinh này quằn quại than đau và được người nhà phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu.

Kém may mắn hơn, ngày 7/12, tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, Bình Định, em Thảo đã nhảy xuống cầu Trường Thi tự sát. Gia đình cho biết, thời gian gần đây cha mẹ có la mắng Thảo do em lơ là trong chuyện học hành.

Theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh không nên dồn các em trong độ tuổi dậy thì vốn có nhiều thay đổi tâm sinh lý đến “chân tường” bằng cách la mắng thái quá hoặc dùng những lời lẽ quá xúc phạm khi các em phạm lỗi. Thay vào đó hãy tìm hiểu thật kỹ sự việc và tìm cách khuyên bằng lý lẽ sẽ hiệu quả hơn.

 
Theo Hồ Hương - Kim Anh
VNN
Chia sẻ