Sống trong... nghĩa địa

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Hơn 20 năm qua, 39 hộ dân định cư ở đây phải sống chung với những ngôi mộ. Muốn có nước sạch, nhiều người phải đi xa hơn 1km, mua từng can phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Nếu không có tang ma, cũng chẳng mấy ai qua lại  con đường đồi lắt léo, vắng vẻ dẫn vào xóm Tân Sinh (xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình). Xóm như một ốc đảo nằm lọt thỏm trong nghĩa trang nhân dân thành phố. Đã hơn 20 năm qua, 39 hộ dân định cư ở đây phải sống chung với những ngôi mộ. Muốn có nước sạch, nhiều hộ dân phải đi xa hơn 1km, mua từng can phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Chạy xe mãi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Tân Sinh, nơi mà những người dân ngoài thành phố quen gọi là “xóm nghĩa trang”. Không khí tẻ nhạt, ảm đạm lúc nào cũng thoảng mùi nhang khói dễ khiến bất cứ ai cũng phải rùng mình.
 
Người chết “chiếm” đất người sống

Xóm Tân Sinh  nằm tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Nhà và vườn của 39 hộ dân nằm rải rác dưới chân đồi, bao quanh khu nghĩa trang thành phố. Trong không gian ảm đạm lúc nào cũng nghi ngút khói hương, vọng lại những tiếng khóc than rền rĩ.

Bà Lê Thị Tỵ, 68 tuổi dẫn chúng tôi ra khu vườn sau nhà. Tiếp giáp với vườn là nghĩa trang, chỉ được ngăn cách bằng một hàng tre. Bà thở dài bảo: “cách đây 30 phút, mới có một đám ma. Tôi ốm nằm trong nhà cũng không chịu được tiếng khóc than, kèn  trống, đau đầu lắm.”

Nén cơn mệt mỏi, bà kể với chúng tôi: “ngày trước, khi người ta đem chôn người thân trên mảnh đất đồi  kia, cũng chẳng ai nói chi, vì là quyết định của thành phố. Thế nhưng, càng những năm gần đây, các ngôi mộ này càng lấn chiếm đất của những người đang sống. Như nhà tôi, ngày trước cách nghĩa địa hơn trăm mét, giờ chỉ cách chưa đầy hai chục mét.”

Nhìn ra phía ngôi nhà bỏ hoang, bị vây quanh bởi hàng trăm ngôi mộ, bà Tỵ cho biết, đó là nhà của anh Trần Văn Toán, đã bỏ về quê cũ sinh sống hơn một năm nay do không thể tiếp tục “chung sống” với những ngôi mộ.
 
Những ngôi mộ sát cạnh nhà dân

Kể từ  khi nghĩa trang nhân dân được quy hoạch tại khu đồi đất của xóm. Ngày nào, các hộ gia đình ở đây cũng phải chịu tình cảnh như nhà có đám. Nhất là vào những dịp cuối năm, các gia đình  bốc mộ cho người quá cố. Công việc thường được tiến hành vào ban đêm. Tiếng khóc lóc, kèn trống không lúc nào ngớt.

“Đâu chỉ có thế, khi bốc mộ xong, đồ khâm liệm, tóc tai, quần áo…của người chết cũng bị vứt bừa bãi. Hôm mưa to, nước xối tất cả những thứ ấy xuống sân nhà. Ngày tạnh ráo thì mấy con chó nhà lại chực công về.” Như để chứng minh cho lời nói, ông Lê Mạnh Lung(73 tuổi) chỉ cho tôi xem tấm ván của người chết mới trôi theo nước lũ xuống rãnh trước cửa nhà.

Ông là một trong những người đầu tiên định cư ở mảnh đất này, khi cả vùng còn là mảnh đất hoang vu chờ người đến khai phá. Sau gia đình ông, các hộ gia đình khác cũng kéo nhau lên sinh sống. Xóm Tân Sinh được hình thành cũng là lúc vùng đất này được quy hoạch thành nghĩa trang nhân dân thành phố.

Thương những đứa trẻ chỉ dám quanh quẩn chơi trong sân nhà, ông Lung thở dài bảo: “nhiều người cứ bảo tôi già rồi, đơn từ mãi cũng chỉ thêm mệt, cũng có ích gì đâu. Mình già rồi, đến cái tuổi gần đất xa trời thì còn cần gì nữa. Nhưng còn đời con, đời cháu mình. Tôi chỉ mong thành phố quy hoạch hết khu này thành nghĩa trang, hỗ trợ cho chúng tôi 1 ít tiền để chúng tôi chuyển đi nơi khác.”
 
Nói rồi ông chống gậy bước  ra sân. Không khí ẩm mốc, tanh tanh mùi tử khí quen thuộc hàng ngày. Tay run run đốt một bó hương, ông bảo: “23 năm nay, ngày nào tôi cũng thắp hương cho những người quá cố. Tuy không quen biết nhau, nhưng họ cũng đã sống cùng gia đình chúng tôi trên mảnh đất này.”
 
Bỏ giếng khoan đi mua nước sạch

Khi vừa bước vào xóm, ông Trần Văn Sùng đã cho chúng tôi biết mấy năm trở lại đây, rất nhiều người trong xóm chết vì căn bệnh ung thư. Họ nghĩ rằng, nguyên nhân của căn bệnh đó chính là việc dùng nước giếng bị ô nhiễm đã nhiều năm nay.

Ông Trần Văn Nghĩa tuổi cũng đã gần thất thập cổ la hi dẫn chúng tôi ra xem nước giếng khoan ở sau vườn. Liền kề vườn, là khu nghĩa trang thành phố.
 
Hàng chục cái giếng khoan bị bỏ không vì không ai dám dùng nước

Đến bên cái giếng gỉ sét, đã bỏ đi từ lâu, ông cẩn thận cậy nắp, bơm lên một ca. Ông bảo: “đấy các cô xem, nước vừa có màu vàng, mùi lại tanh. Hơn 5 năm nay, nhà tôi không dám ăn nước ở cái giếng này. Những ngày mưa, không đi mua được nước, phải dùng tạm nước giếng là cả nhà chẳng ai thiết ăn uống gì, nghĩ đã thấy ghê ghê.”

Không có tiền lắp đặt đường ống dẫn nước, gia đình ông phải đi mua nước cách nhà hơn 1km. Tất cả thu nhập chỉ trông chờ vào tiền chạy chợ của vợ và 700.000 đồng tiền lương của ông. Thế nhưng, ngoài chi phí sinh hoạt, mỗi ngày ông phải chi trả thêm 15.000-20.000/m3 nước máy.

Giống như gia đình ông Nghĩa, rất nhiều hộ khác ở đây cũng phải bỏ giếng khoan đi đong từng xô nước về ăn. Có nhà tốn hàng triệu đồng khoan giếng nhưng cũng phải bỏ đi.

Cách đây mấy năm, đài PT-TH tỉnh có phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước của xóm. Các cán bộ của sở TNMT có về kiểm tra mẫu nước và kết luận nước giếng không dùng được. Nhưng đến năm 2007, chương trình nước sạch mới hỗ trợ cho mỗi hộ 4 triệu đồng để lắp đường ống dẫn nước từ trại giam Hòa Bình sang. Nhưng muốn lắp đặt phải tốn chừng 10 triệu đồng, nên chẳng mấy gia đình trong xóm ở đây có vốn để đầu tư.
 
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết nước ở xóm Tân Sinh đã ô nhiễm từ nhiều năm nay.

Khi chúng tôi tìm hiểu về vấn đề nước sạch, được những người dân trong vùng giới thiệu đến nhà bà Lê Thị Tỵ. Ngồi nói chuyện  trong căn nhà ẩm mốc bà pha ấm nước chè mời khách và bảo: “nước máy đấy, yên tâm không phải nước giếng đâu. Tôi cứ nói trước thế, chứ khách khứa đến nhà có mời nước cũng chẳng ai muốn uống. Nhà nào có con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng thì đến là khốn khổ. Có mời cũng chẳng mấy ai đến dự, họ không dám ăn cỗ ở đây.”

Chuyện những đám cưới buồn tẻ đến phát khóc của những đôi vợ chồng trẻ không phải là chuyện hiếm ở đây. Sau khi  cưới, đa phần vợ chồng dắt nhau đi xứ khác mưu sinh. “Thanh niên trai tráng không đứa nào chịu nổi cảnh sống này cũng bỏ đi nơi khác kiếm sống, giờ xóm chỉ còn lại toàn những người già và trẻ nhỏ. Lo nhất cho bọn trẻ, ăn uống không được vệ sinh nhỡ mắc bệnh thì khổ lắm.”
 
Rời “xóm nghĩa trang” vào chiều muộn, khi các nhà đã đỏ đèn. Ở cái xóm hoang vu này, chỉ một lúc nữa thôi là nhịp sống chìm vào đêm tối. Thanh niên trai tráng không tụ tập nói chuyện phiếm, và những đứa trẻ chỉ biết làm bạn với bốn bức tường. Ấn tượng còn lại về xóm Tân Sinh chỉ là nhịp sống lay lắt trên cái nền ảm đạm, lúc nào cũng thoảng mùi nhang khói, và tiếng chim hú đến rợn người...
Chia sẻ