Suối nguồn: Cuộc sống là một biển hồ đam mê

Thụy,
Chia sẻ

Một cuốn sách không dành cho những người nông nổi, vội vàng.

Tác phẩm: Suối nguồn

Tác giả: Ayn Rand

Dịch giả: Nhiều dịch giả

Nhà xuất bản: Nxb Trẻ

 
Cuốn sách này cũng không phải viết ra để cho những người thức thời, luôn mưu cầu những điều hiện tại, ưa những đợt sóng bình lặng…

Suối nguồn, một cuốn sách dài hơn 1.200 trang, đầy biến động, nhưng lôi cuốn đến tận những trang cuối cùng, khi số phận đã được ngã ngũ.

Suối nguồn, là một dòng suối chảy siết, nhiều gấp khúc, nhiều dữ dội, thậm chí đôi lúc còn là sự cuồn loạn đến nghiệt ngã. Đó là cuốn sách giành cho những trái tim quyết liệt, tham vọng, đam mê, và cháy bỏng đến tận cùng dù sự tận cùng đó phải vật vã từ trong đau đớn tuyệt vọng.

Ayn Rand đã viết nên một bản tình ca ca ngợi sự đam mê cùng những khát vọng của con người bằng một giọng văn sắc sảo, tỉnh táo, đôi khi lạnh lùng đến độc ác. Nhưng chỉ có như vậy mới chứng tỏ được bản chất thực sự của con người giữa cuộc sống mênh  mông ào ạt này.
 
Và cũng chỉ có lối viết cứng cỏi sắc lạnh ấy mới có thể xây dựng nên cá tính riêng biệt cho các nhân vật chính của tác phẩm như Howard Roark, Henry Cameron, Gail Wynand…. Họ là những kiến trúc sư, những nhà báo…

 
Họ là những người có tài năng, có đam mê đến cuồng nhiệt, nhưng họ không đứng chung với bất kì ai, họ không thể là nhập được cùng với bất kì một dòng suối nào khác. Bởi vậy, họ cô độc. Cô độc đến đau đớn. Nhưng không có tuyệt vọng, bởi chỉ khi ấy, sự đam mê mới được đẩy đến đỉnh điểm.
 
Đọc Suối Nguồn rồi mới thấm thía một điều “Càng tài năng thì càng cô độc”, và suy cho cùng, sự sáng tạo trong đam mê của riêng bản thân mỗi người, trong sự đau khổ quyết liệt mới là sự sáng tạo chân chính. Đó là khi Howard Roark, Henry Cameron không chịu thỏa hiệp với sự nổi tiếng giả tạo, cần mẫn, mô phỏng theo những cái đã cổ xưa như  những người xung quanh.
 
Những cái Tôi chân chính, chấp nhận đánh đổi tất cả, thậm chí cả tính mạng của mình, để giữ gìn sự trong lành của niềm đam mê và sáng tạo. Đó là điều tồn tại bất tận. Bất tận trong đau đớn khi Howard Roark phải thốt lên rằng “Con người nên buông tay nhau ra”…, bởi tài năng không bao giờ có thể là số đông, và không bao giờ được là số đông. Chấp nhận đam mê, và theo đuổi sự đam mê của mình, chính là bản chất của sự cô độc.

Sự quyết liệt đau khổ ấy khiến cho trái tim của bất kì ai khi đọc tác phẩm của Ayn Rand đều có đôi lần cảm thấy nghẹt thở trong một sự vật lộn, tranh đấu. Con người, chính họ đã chọn hướng đi cực đoan, đau khổ, gai góc cho riêng mình. Nhưng với họ, đó mới là con đường đích thực của cuộc sống này.

Và với chúng ta, đặc biệt là những trái tim trẻ tuổi, chúng ta không có quyền dừng lại hay thỏa hiệp trong cuộc sống của mình. Hãy bước đi cùng Suối Nguồn

Chia sẻ