Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 6 bài học quan trọng này

M52 - H.H,
Chia sẻ

Hãy để trẻ nhỏ hiểu rằng, Tết Nguyên Đán không chỉ là một kì nghỉ dài ngày, được ăn ngon, mặc đẹp, nhận tiền lì xì mà còn rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng khác về truyền thống văn hóa, tình cảm gia đình...

Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp thực hiện hàng loạt hoạt động tâm linh ý nghĩa, mà còn là thời điểm để mọi người trong gia đình quây quần, sum họp.

Tuy nhiên, với hầu hết trẻ em thì Tết chỉ đơn giản là các em được nghỉ học, mặc quần áo đẹp và nhận phong bao lì xì... Để giúp con nâng cao nhận thức, trân trọng tình cảm gia đình... cha mẹ nên dạy cho con nhiều bài học trong dịp Tết:

1. Dạy trẻ về những tập tục cơ bản của ngày Tết

Tết Nguyên Đán là một ngày rất đặc biệt trong truyền thống của người Việt và có rất nhiều hoạt động để trẻ trải nghiệm. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu vể ý nghĩa ngày Tết mà còn khiến trẻ có sự tự hào, tự tôn dân tộc.

Không cần phải bắt con ngồi vào bàn rồi ngoan ngoãn nghe bố mẹ đọc vanh vách lý thuyết từ trong sách, trên mạng. Sự cứng nhắc ấy chỉ khiến trẻ chán ngán và không vào đầu được chút thông tin gì.

Đơn giản, cha mẹ chỉ cần cùng trẻ trang trí đào, mai, quất...  rồi kể ý nghĩa của những loại cây này trong dịp Tết. Nếu trẻ hào hứng tham gia dọn dẹp nhà cửa cùng cha mẹ, đừng ngại phân công những việc đơn giản như xếp sách vở, đồ chơi, dán sticker trang trí… Thông qua những việc làm ấy, cha mẹ hãy cho trẻ hiểu từng chút một về những tập tục ngày Tết. Chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hào hứng và khi nhớ hơn khi chính mình được góp sức.

Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 4 bài học quan trọng này - Ảnh 1.

Khai bút đầu xuân, xin chữ là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. (Ảnh minh họa)

2. Biết cảm ơn khi người lớn trao tiền lì xì

Việc trao - nhận lì xì vốn bắt đầu từ sự tích dân gian, mỗi đứa trẻ sẽ được nhận một đồng xu nhỏ, được gói trong giấy đỏ để tránh bị quỷ dữ đeo bám, xua đuổi bệnh tật, mang lại may mắn, sức khỏe. Vì thế, cha mẹ cần giảng giải ý nghĩa của hành động này để trẻ biết trân trọng tấm lòng người trao. 

Khi được lì xì, trẻ cần phải thể hiện sự biết ơn và lễ phép, đưa 2 tay ra nhận, sau đó nói lời cảm ơn. Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Một đứa trẻ ngoan, biết cảm ơn chắc chắn sẽ khiến người lớn cảm thấy vui vẻ trong những ngày đầu xuân năm mới.

Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 4 bài học quan trọng này - Ảnh 1.

3. Biết ít nhất một câu chúc Tết

Chúc Tết là một nét văn hóa đẹp của người Việt đã tồn tại từ lâu đời. Và hàng năm, "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". Điều này thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với họ hàng nội ngoại 2 bên và sự kính trọng, biết ơn với người đã có công dạy dỗ, giáo dục mình. 

Và mỗi khi đi chúc Tết, mọi người sẽ gửi tới nhau những câu chúc sức khỏe, may mắn, tài lộc trong một năm mới. Cha mẹ nên dạy cho trẻ một số câu chúc, bài thơ đơn giản để chúc Tết để biết về cách giao tiếp đặc biệt trong ngày Tết. Ngoài ra, cha mẹ nên nói cho trẻ về sự khác nhau của các câu chúc dành cho ông, bà, cô, chú, anh, chị…

Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 4 bài học quan trọng này - Ảnh 3.

4. Dạy trẻ biết ơn ông bà và tổ tiên

Thông qua các hoạt động như tảo mộ, thăm viếng người thân, cha mẹ hãy chia sẻ với con về những đóng góp của tổ tiên, sự vất vả của ông bà khi nuôi cha mẹ nên người để trẻ ghi nhớ và dần phát triển lòng biết ơn. 

Trong bữa cơm ngày Tết của đại gia đình, cách ngoài lời cảm ơn đôi khi cũng cần gợi ý cho con có những hành động cụ thể tri ân ông bà, cha mẹ như: bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà, quạt mát cho mẹ.... Các bé từ 4 tuổi nên được dạy về lòng tri ân – điều sẽ làm nên giá trị của con người trẻ trong tương lai.

5. Dạy con cách cư cử lịch sự trên bàn ăn

Đi chúc Tết bà con họ hàng, hầu như mọi người đều giữ gia đình lại ăn một bữa cơm năm mới đầu xuân, do đó cha mẹ cần dạy con cách cư xử lịch sự trên bàn ăn.

Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 4 bài học quan trọng này - Ảnh 6.

Trước khi bắt đầu ăn, con phải mời tất cả mọi người theo thứ tự từ cao xuống thấp, sau đó, chờ cho người lớn tuổi nhất bắt đầu ăn thì mình mới được phép ăn (Ảnh minh họa).

Thứ nhất, con phải mời tất cả mọi người trên bàn ăn theo thứ tự từ cao xuống thấp, sau đó, chờ người lớn tuổi nhất bắt đầu ăn thì mình mới được phép ăn. Thứ hai, khi con muốn ăn một món mà nó ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. Và thứ ba, trước khi đứng dậy kết thúc bữa ăn thì phải mời mọi người lần nữa và thông báo "con đã ăn no rồi ạ".     

6. Giúp con hiểu ý nghĩa những món ăn ngày Tết

Nói đến Tết, người ta không thể không nghĩ ngay đến bánh chưng, đến củ kiệu dưa hành, đến mâm ngũ quả… Và mỗi một món ăn trong ngày Tết luôn mang trong mình những ước vọng, những gửi gắm về một năm mới bình an và sung túc.

Cha mẹ hãy kể cho con nghe về sự tích cây nêu, sự tích bánh chưng bánh dày, về ý nghĩa của từng loại quả được bày biện trong mâm ngũ quả để con hiểu và thêm yêu Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, nhận lì xì mà trở nên ý nghĩa nếu cha mẹ dạy trẻ 4 bài học quan trọng này - Ảnh 1.

Chia sẻ