Thạc sỹ quản lý giáo dục kể chuyện bị học sinh ném gạch, gọi là "mụ ấy" và cái kết bất ngờ sau 30 năm ra trường

Hạ Uyên ,
Chia sẻ

Làm việc với những đứa trẻ vị thành niên, nếu không thu phục được học sinh là do giáo viên chưa đủ thu hút (hình thức, lời ăn tiếng nói, ứng xử, hiểu biết chung, pháp luật, độ sắc sảo - cứng tay). Giáo viên cần tìm cách khác và nếu không thể làm gì thì cũng đã có pháp luật.

Chị Lù Thị Hồng Nhâm là thạc sỹ quản lý giáo dục ở Hà Nội chia sẻ những tình huống sư phạm gặp phải lúc làm giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của mình cũng như qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích.

Từ vụ cô giáo Tuất, thạc sỹ quản lý giáo dục kể chuyện từng bị ném gạch, gọi là "mụ ấy", "bà ấy" và cái kết bất ngờ sau 30 năm ngày ra trường - Ảnh 2.

Chị Lù Thị Hồng Nhâm là thạc sỹ quản lý giáo dục ở Hà Nội.

"Tôi bị ném gạch, gọi là "mụ ấy"..."

Năm 1987, tốt nghiệp ĐHSPHN1, điểm 31/40, cùng quá khứ thành viên tuyển quốc gia Văn lớp 4,7,10; quá khứ bao nhiêu năm làm lớp trưởng, liên chi đội trưởng, Phó Bí thư đoàn trường phổ thông nội trú... tôi nhận việc tại cấp 3 Tô Hiệu, Sơn La. Lúc đó, lớp tôi nhận là 12K của đồng nghiệp - cũng là bạn đại học.

12K có gì hay? Sau khoảng 1 tháng nhận lớp, tôi thấy:

1. Dễ chịu, là tất tật học trò mặt mũi sáng sủa, tất tật vui vẻ, tư duy tốt, lớp bề nổi tốt. Không có thành phần nào xuất sắc về học tập, thể thao, cũng không có thành phần nào cá biệt, chỉ là vài bạn hơi cá tính.

2. Chúng yêu cô giáo cũ và thích cách cô giáo cũ quản lý lớp. Chúng đoàn kết hơi quá và có vẻ chúng hơi tự hào quá về tập thể. Một số giáo viên nhận xét: Lớp ấy là một hiện tượng.

Tới đây bạn có thể nghĩ rằng: Ô thế thì có gì mà khó! Nhưng các giáo viên chủ nhiệm lâu năm hẳn sẽ hiểu cái khó của một giáo viên chủ nhiệm kế thừa lớp khác, khi tôi nhắc đến điểm 2 ở trên. Cách cô giáo cũ điều hành là thế nào không quan trọng, quan trọng chắc chắn một cô giáo mới sẽ có điểm khác. Nếu mà chúng cùng đoàn kết quá thì hệ quả là khi cần, chúng sẽ cũng chống đối bạn, và nếu chúng tự hào về bản thân hơi quá, có thể nguy cơ là chúng sẽ chủ quan - không thấy chúng sai (chưa cần biết là sai to hay nhỏ).

Phải quản lý lớp và từng cá nhân thế nào? 23 tuổi, tôi chẳng có nhiều kinh nghiệm, cũng chẳng học hỏi được ai xung quanh, các anh chị dạy lớp đó cũng có bảo tôi nên cẩn thận...

Tôi chẳng có ý định thay đổi gì lớp này, mà chỉ có ý định lựa theo chúng nó và quan điểm của tôi là có sao dùng vậy, đúng tinh thần pháp luật. Tôi cho học trò biết trường yêu cầu gì, theo tôi thì lớp nên như thế nào cho ổn, tụi nhỏ bảo là tôi "lên lớp" chúng nó, tất nhiên rồi.

Tôi khuyến khích chúng nó học, đọc, chơi, văn nghệ, thể thao, yêu nhau, học thêm... và mắng/ phạt khi cần.

Tôi có đi chơi cùng lớp, thăm bố mẹ bạn nọ bạn kia khi cần, cùng chúng nó ố - á khi đến thăm nhà một bạn mà mẹ ngồi vắt chân hút thuốc lá phí phèo tiếp chúng tôi, tôi đi dỗ một bạn "cố gắng quay về học thay vì đi làm nương mùa gặt".

Tôi lén đằng sau hội đồng kỷ luật trường xui một em chuyển trường trước khi em ấy bị đuổi học chính thức vì hồi ấy bị kỉ luật thì toi đời...

Từ vụ cô giáo Tuất, thạc sỹ quản lý giáo dục kể chuyện từng bị ném gạch, gọi là "mụ ấy", "bà ấy" và cái kết bất ngờ sau 30 năm ngày ra trường - Ảnh 3.

"Tôi bị chúng nó gọi là bà ấy, mụ ấy cũng chuyện thường!". (Ảnh minh họa)

Tôi có bị học sinh lớp này ghét? Chắc chắn rồi!

Tôi từng bị NÉM GẠCH! (Nhà tập thể các giáo viên ở thấp hơn mặt đường Tô Hiệu, mỗi thầy cô đơn thân hay đa thân gì cũng chỉ được ½ gian, sát đường)... Năm đầu chủ nhiệm tôi bị chúng réo tên ném gạch xuống mái nhà. 

Hôm đầu bị tôi rõ buồn, ngỡ mình là người tệ nhất quả đất. Tôi hỏi quanh hàng xóm, các anh chị bảo: "Chuyện thường, em mà cho chúng nó điểm dưới trung bình hay nhắc nhở là chúng ném"... Vậy là tôi học cách làm quen: Okay, có thể bị ném đá, bị réo, bị chửi... Có 1 lần, tôi thậm chí còn nhận diện được giọng nói của cậu học sinh nào, chỉ là tôi tỉnh bơ, không để ý. Ném bị bông mãi rồi cũng chán....

Tôi bị chúng nó gọi là bà ấy, mụ ấy cũng chuyện thường!

Chúng nó ra trường năm 1989. Không đứa nào trượt, mỗi đứa một nghề. Một số thành viên lớp vẫn giữ liên hệ với tôi, 1, 2 em trở thành đồng nghiệp.

Năm 2019 chúng mời tôi dự 30 năm ngày ra trường, rất vui và đến nay vẫn đứa yêu (nhiều) - đứa còn hơi... hận cô (vài chi tiết), chỉ là tất cả đều thừa nhận cô không làm gì sai, cô chân thành, lớp ổn.

Chúng nó kể lại chuyện chúng tà lưa tôi để chúng quay cóp thế nào, rủ nhau bắt nạt tôi ra sao, hôm ấy thằng đấy con đấy..., rồi cả tỷ thứ chúng làm đằng sau tôi mà có cái tôi biết, cái tôi không thèm biết... 

Chúng nó tặng tôi 2 triệu, nhân đấy tôi hô hào chúng nó tự nguyện góp thêm, bảo chúng nó hô hào cả khóa góp thêm và nộp coi như đóng góp vào Quỹ học bổng do Hội khuyến học tỉnh Sơn La quản lý... Lớp cử đại diện đi trao quà tặng, về "chat" với cô, cảm động... Một số đứa có vẻ vẫn ngưỡng mộ tôi theo cách của chúng nó.

Với tôi vậy là đủ. Tôi chả mấy khi thích cái kiểu họp lớp chủ nhiệm nhưng tôi lặn lội rủ lão bạn già cùng dạy thời ấy lên cùng là vì tôi vẫn yêu thương bọn nó. Tôi hiểu rằng, bạn có tuyệt vời đến 100% cũng không thể có được con số 100% người yêu bạn, huống hồ bản thân tôi còn thấy tôi hình như cũng hơi có vấn đề.

Năm 1991, chắc là thấy tôi quản lý lớp 11K – 12K khá ổn nên chú hiệu trưởng nhặt học sinh "cá biệt", các thầy cô không thích... khoảng hơn 40 đứa ở khối 12, gần chục nữ còn lại là nam... giao tôi chủ nhiệm.

Chúng tôi có lên kế hoạch một chút, tôi cho xung phong làm lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, cờ đỏ... rồi bầu cho chính thức. Có lẽ là chúng thương tôi hồi ấy mẹ góa con côi, nên ngoan hết sức: Lao động đứng nhất trường, đá bóng đứng nhất trường, học hành cực kì tiến bộ. Tất nhiên tôi LUÔN CÙNG CHÚNG NÓ! Đồng nghiệp hơn tuổi, vài người hỏi thăm kinh nghiệm, tôi "được khen" đó đây trong trường.

Tiếc là chưa hết năm học, tháng 3/ 1992, tôi quyết định rời Sơn La về Hà Nội ôn thi Thạc sỹ, bàn giao lại lớp cho một giáo viên dạy giỏi Văn nhất nhì trường hồi ấy, rất tốt tính... Chị mang 1 quyển sổ và 1 cái bút đến hỏi tôi về lớp, về bạn nào cần chú ý. Tôi thật sự chẳng có cái tên nào để bàn giao, các em đều tốt.

Ứng xử thế nào từ góc độ một giáo viên, với các học sinh - sinh viên chống đối mình? 

Chị Hồng Nhâm cho rằng, sau nhiều năm, chị đúc rút được kinh nghiệm cho mình, có thể đúng với người này không đúng với người kia nhưng chị đã ứng dụng khá hiệu quả. Đó là: Nhìn thẳng vào sự thật - tìm cách xử lý - tránh xung đột trực tiếp - mục tiêu ổn thỏa/ an toàn hai bên.

Từ vụ cô giáo Tuất, thạc sỹ quản lý giáo dục kể chuyện từng bị ném gạch, gọi là "mụ ấy", "bà ấy" và cái kết bất ngờ sau 30 năm ngày ra trường - Ảnh 4.

1. Bản thân: Mình có sai? Sai ở đâu, nguyên nhân, bắt đầu sai từ khi nào, mức độ trầm trọng?

2. Học sinh có sai, sai ở đâu, nguyên nhân, sai đến mức độ nào? Yếu tố gia đình/ xã hội/ bạn bè/ cộng đồng liên quan?

3. Từ 1 và 2 để tìm ra cách xử lý. 

Xử lý của tôi luôn bám vào nguyên nhân, bám vào pháp luật, lẽ phải và số đông đồng thuận và nếu cần:

- Tôi "lui" một chút để câu chuyện êm đẹp mà không ảnh hưởng đến nhân phẩm của tôi, bảo toàn cục diện chung, tôi sẽ nhường và nói cho đối phương biết là tôi lùi 1 bước.

- Tôi sẽ tuyệt đối không lui, nếu cảm thấy có gì khuất tất, nếu nhận thấy học sinh là bị xúi giục, tôi sẽ khéo léo tìm ra được ai đứng đằng sau, và tìm cách hiệu quả nhất để họ không đạt được mục đích.

- Hình phạt với học sinh: Khi cần tôi vẫn sẽ dùng, đúng như luật cho phép, và giải thích rõ với phụ huynh, học sinh để họ biết vì sao, để họ hiểu càng nhiều càng tốt từ góc độ quy định của pháp luật và nhà trường, quy định của lớp và cam kết cá nhân trong lớp.

4. Trong toàn bộ quá trình xử lý vụ việc, tôi sẽ luôn bình tĩnh, cân nhắc lợi hại hai bên, nhường nhịn nếu có thể, cho học sinh cơ hội nếu có thể, cho học sinh và cho tôi thời gian để sửa sai và xây dựng những cái tốt. Tôi cố gắng trở thành bạn của học sinh và nếu không thể, ít nhất hiểu nhau và đường ai nấy đi trong ý thức tôn trọng sự thật.

5. Tinh thần thoải mái, làm chủ bản thân: Bạn đang làm việc với những đứa trẻ vị thành niên, nếu bạn không thu phục được học sinh là do bạn chưa đủ thu hút (hình thức, lời ăn tiếng nói, ứng xử, hiểu biết chung, pháp luật, độ sắc sảo - cứng tay), bạn cần tìm cách khác và nếu bạn KHÔNG THỂ LÀM GÌ, thì cũng đã có pháp luật. 

Học sinh, phụ huynh cũng như người ngoài đời, đa dạng, không làm được thì "bơ đi": Báo cáo cấp trên, lờ hết các hiện tượng chống đối, làm chủ tinh thần và cảm xức bản thân, không cay cú, sẽ còn nhiều học sinh tốt cần mình, hãy để dành bản thân cho các học sinh cần mình...

Từ vụ cô giáo Tuất, thạc sỹ quản lý giáo dục kể chuyện từng bị ném gạch, gọi là "mụ ấy", "bà ấy" và cái kết bất ngờ sau 30 năm ngày ra trường - Ảnh 5.

Sau này đi du học, và 20 năm gần đây là nghề tuyển sinh du học, tôi mới thấy từ lâu các nước đã tuyển giáo viên rất kỹ. Chẳng hạn như ở Úc, muốn trở thành giáo viên bạn phải thi kì thi năng lực có tên Casper: Bạn phải chứng minh được bạn có đủ các kỹ năng cần cho việc làm giáo viên, tất nhiên kĩ năng xử lý vấn đề là một phần trong đó...

Đồng nghiệp ơi, từ từ thôi, lớp/ trường nào chả có học sinh như vậy. Là giáo viên bạn phải lường trước những chuyện này. Đi dạy và quản lý con vàng con bạc nhà người ta, tức giận, buồn bã đến mấy cũng phải luôn nhớ: Không được mắng chửi quá, không được đánh, chỉ được dùng cái gọi là các biện pháp và kỹ năng sư phạm để giáo dục - giáo dưỡng...

Luôn nhớ, đối diện những chuyện này là một phần của công việc làm giáo viên. Nếu nghĩ được vậy, bạn sẽ nhẹ lòng và bình tâm xử lý. Xem lại các mối quan hệ, ứng xử, đồng nghiệp, cấp trên, vui vẻ thì ở lại, không thì thay đổi. Khối tư nhân làm việc cũng rất tốt, lương ổn, nhiều tự do và nếu bạn thực sự có nhân cách, có tài thì nhiều học sinh tốt đang chờ bạn...

Chị Lù Thị Hồng Nhâm là Cử nhân Văn khoa, ĐH Sư phạm HN1; Cử nhân Anh văn ĐH Sư phạm ngoại ngữ HN; Thạc sỹ ngôn ngữ học, ĐH Sư phạm HN1 và là Thạc sỹ quản lý giáo dục, ĐH New South Wales, Úc.

Chị có gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, 19 năm làm việc trong khối nhà nước với tư cách là giáo viên cấp 3, giảng viên đại học bán thời... Từ năm 2000 đến nay, chị là giám đốc công ty TNHH Tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh.

Chia sẻ