Thai giả, không lạ!

,
Chia sẻ

Bác sĩ ơi, tại sao lúc này có nhiều phụ nữ có thai... mà không có thai nhi xảy ra nhiều nơi, báo chí đã lên tiếng, còn ngành y giải thích thế nào về chuyện này?

Th_giang... @...

Có gì đâu, bởi đối với ngành y chuyện này không lạ. Thai giả ở người có tên khoa học là Pseudocyesis, gốc từ tiếng La tinh: Pseudo là “giả” và cyesis là “có thai”, thường gọi đơn giản là thai giả (False pregnancy). Thai giả đã được ghi nhận từ thời cổ đại. Hippocrates, hơn 300 năm trước Công nguyên, đã mô tả 12 trường hợp có thai giả như vậy. Người ta không chỉ thấy các trường hợp có thai giả ở người mà còn có cả ở loài chó, mèo, chuột... Y văn thế giới đã có những nghiên cứu về vấn đề này và đây là một minh chứng cho mối tương quan mật thiết giữa thân và tâm, một lĩnh vực thuộc y khoa tâm thể (Médecine psycho-somatique).


Tại Mỹ, trước năm 1945, tỷ lệ có thai giả khá cao, cứ vài ba trăm ca mang bầu thì có một bầu... giả, không có thai nhi. Hiện nay tỷ lệ này hiếm hơn, có lẽ khi trình độ hiểu biết về sức khỏe sinh sản tốt hơn thì người ta ít bị ám ảnh hơn. Nghiên cứu cho thấy, các ca có bầu giả tập trung ở lứa tuổi 33, nhỏ nhất... sáu tuổi và lớn nhất 79 tuổi! Hai phần ba các trường hợp có gia đình, một phần ba độc thân. Các dấu hiệu có thai ở những người này không khác gì mấy với người có thai thật. Cũng ốm nghén như ai. Cũng ụa mửa buổi sáng, cũng căng ngực, 60% - 90% trường hợp bụng cũng to ra như có bầu thật, và khoảng hơn phân nửa có rối loạn kinh nguyệt (nhưng không dứt kinh hẳn như có bầu thật). Có gần 20% các trường hợp có bầu giả mà bác sĩ cũng chẩn đoán không ra, cho đến lúc siêu âm mới... tá hỏa! Thậm chí có “bà bầu” còn nghe thai máy, thai đạp trong bụng, có người còn có dấu hiệu “lâm bồn”, đau bụng như người sắp sinh tới nơi khiến bác sĩ cũng bị nhầm lẫn.

Vấn đề thú vị là tại sao người ta lại có thai giả? Ấy chẳng qua là do ước muốn quá, mong có bầu quá, hoặc ngược lại, sợ có thai quá rồi bị ám ảnh, sinh ra những triệu chứng, dấu chứng như có thai thật. Ám ảnh mạnh, tác động lên não bộ, làm thay đổi các hormones (kích thích tố) trong cơ thể, từ đó dẫn đến các thay đổi về sinh lý, chuyển hóa. Chẳng hạn từ lâu người ta biết trẻ gái ở thành thị sớm có kinh nguyệt hơn trẻ gái ở nông thôn do tiếp xúc sớm với thông tin, truyền thông. Gần đây, nghiên cứu về stress, người ta hiểu thêm cơ chế tác động của stress lên cả một trục suốt cơ thể từ vùng dưới đồi đến tuyến tùng và nang thượng thận (hypothalamo-pituitary-adrenal axis) làm thay đổi cả hệ thống kích thích tố trong cơ thể, sinh ra rất nhiều rối loạn sinh lý và bệnh lý mà khi chữa trị nếu thiếu quan tâm dễ từ bệnh này sinh ra bệnh khác. Do vậy, người thầy thuốc ngày nay cần có cái nhìn toàn diện "thân-tâm" khi tiếp cận với bệnh nhân là vậy.

Có thai giả cũng là một trường hợp bệnh lý, cần được chữa trị. Có thể tự khỏi, sau khi người bệnh “vỡ mộng”, thấy ra sự thật, nhưng có khi cũng cần đến trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần, phân tâm học... Nhưng tốt nhất hãy cảnh giác, đừng để bị ám ảnh rồi bị lường gạt, tốn kém, mất thì giờ... như một bệnh nhân có thai giả khỏi bệnh đã lên tiếng trên báo chí gần đây.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc

Phụ nữ Online


Chia sẻ