"Thảm họa âm nhạc" – Tìm cách “khống chế” ở phương nào?

Phan Duy - Thiên Di,
Chia sẻ

Nhịp đập của Vpop đang bắt đầu "chán dần", khi những “thảm họa” âm nhạc cứ “đùng đùng” lan truyền khắp cộng đồng mạng.

Những “bước đi” của thảm họa nhạc Việt

Khi công thức để nổi tiếng ngày nay được một số người muốn-làm-ca-sĩ ngộ nhận rằng chỉ cần “scandal, scandal, và scandal”, thì chuyện vận dụng tối đa phương thức “thảm họa” để tạo nên làn sóng dư luận cũng là điều dễ hiểu. Sự thành công của “trạm thử nghiệm” được cho là đầu tiên – Vọng Cổ Teen của Vĩnh Thuyên Kim đã “mở màn” cho hàng loạt những “đột phá” sau này của thế hệ trẻ. Họ - những con người đang cố gắng hết sức để âm nhạc Việt nhanh chóng… thoái trào.

Vĩnh Thuyên Kim thành công vang dội với Vọng cổ teen

Thật ra, xét một cách công bằng, Vọng cổ teen không hẳn là một thảm họa nhạc Việt. Vĩnh Thuyên Kim hát tốt,  ca từ bài hát cũng chẳng đến nỗi, cái “bắt tai” người nghe duy nhất chính là sự kết hợp của nhạc thị trường với… vọng cổ. Nhạc phối hợp lý, ca sĩ vào “ngọt lịm”, người nghe rõ ràng vừa nghe vừa… buồn cười, nhưng cũng vừa thích thú. Việc xếp Vọng cổ teen vào danh sách “thảm họa” chỉ là vì nó bật lên nhanh quá, ai cũng nghe, ai cũng nghêu ngao hát, rồi người thì lipsycn theo với phong cách hài, kẻ thì quay MV minh họa mang đậm tính chê bai. Đột nhiên, Vọng cổ teen nổi tiếng mà chính cô ca sĩ thể hiện cũng không ngờ. Thêm vào đó, sự xuất hiện gần như cùng một thời điểm với Đừng yêu em – Lê Kiều Như và Da nâu – Phi Thanh Vân cũng khiến Vọng cổ teen rơi vào trạng thái “cá mè một lứa”. Vĩnh Thuyên Kim lại là cô ca sĩ mang đậm phong cách thị trường. Tất cả lý do làm mọi người cho rằng Vọng cổ teen “bắn phát pháo” cho thảm họa. 

Ngô Thanh Vân trước kia cũng đã từng kết hợp nhạc điện tử với vọng cổ

Ngoài ra, nếu cho rằng việc kết hợp tiết tấu vọng cổ vào bài hát tạo nên thảm họa, thì chúng ta đã có thảm họa từ lâu lắm rồi. Ca khúc Thiên Đường (Sáng tác: Quốc Bảo) trong Album Thế giới trò chơi của "đả nữ" Ngô Thanh Vân từ chục năm trước đã xuất hiện điều này, nhưng chẳng ai gọi đó là thảm họa cả. 

Riêng với Đừng yêu emDa nâu trở thành thảm họa vì những lý do hoàn toàn khác. Một vì Lê Kiều Như hát quá tệ, và một là ca khúc 4 câu được Phi Thanh Vân thể hiện quá “thiếu hơi”. Chưa kể đến những tác động khác là quyển sách, bộ ảnh sexy của Lê Kiều Như, rồi phát ngôn gây shock của Phi Thanh Vân. Tổng hợp tất cả, chúng ta có những “bàn tay” đầu tiên tạo nên thảm họa.

Sự trở lại và “bành trướng” 

Sau khi công chúng, truyền thông gọi bộ ba Vọng cổ teen – Đừng yêu em – Da nâu là thảm họa khiến cho những hit này thời điểm đó nổi như cồn, thì thị trường “thảm họa” yên ắng một thời gian dài. Tưởng rằng cùng với sự bứt phá của chàng ca sĩ tài năng Noo Phước Thịnh và scandal của Hồ Ngọc Hà, thảm họa đã “lui quân”. Nhưng dường như việc thành công ngoài sức tưởng tượng của thế hệ F1 đã khiến cho “đàn em” noi theo. Nói dối (Phương My) cùng… Trinh, đừng sợ! (Kiều Trinh) được sinh ra trong “mùa thảm họa mới”. Và quả thật, đây mới là thảm họa nặng nề của âm nhạc Việt.


Phương My từng tung album đầu tay là Đến Khi Nào Hỡi Anh, nhưng hầu như khán giả không quan tâm đến sản phẩm này. Cho đến khi cô gái trẻ "liều mình" cho Nói dối ra đời. Công chúng phản đối, báo chí ngó lơ, nhưng Phương My lại xem đó là tiếng vang lớn nhất và hiên ngang trả lời một bài phỏng vấn rằng: “Mỗi khi bạn làm được việc mọi người chú ý tới bạn. Bạn là một thiên tài!”. Ngay cả đến MV Em sợ mất anh gần đây, Phương My vẫn tiếp tục phong cách này để dư luận có thể “ném đá” tùy thích vì cô lo gì khi danh tiếng của cô dù theo chiều hướng xấu nhất, cũng đã được mọi người biết đến. 

Hình ảnh trong MV Nói dối - Phương My 

Và clip Trinh, đừng sợ! của Kiều Trinh

Còn Trinh, đừng sợ! thì chúng ta… không còn gì để nói. Chỉ hy vọng rằng nghệ sĩ đôi lúc nên biết điểm dừng. Để rồi đằng sau sự nối tiếng ấy còn là tôn trọng, thần tượng và yêu mến, chứ không phải một cái lắc đầu quay lưng.

Quả thật, những bước đi của thảm họa nhạc Việt dường như đang ngày càng “bành trướng”, vì bây giờ, chúng ta không những có ca khúc thảm họa, mà còn có cả nhóm nhạc HKT thảm họa cơ mà! 

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Từ trước đến nay thật sự mà nói Vpop thật sự chưa có một sự nhúng tay kịch liệt từ các cơ quan chức năng có ủy quyền để xử lý. Chỉ phải khi nào báo chí lên án dữ dội thì các cơ quan này mới bắt đầu làm việc. 

S&M của Rihanna khi muốn được phát hành sang Anh Quốc đã buộc sửa lời

Trong khi đó, các thị trường nước ngoài như: Jbiz, USUK, Kbiz… thì những ca khúc được đánh giá là không phù hợp sẽ bị cấm biểu diễn và buộc ca sỹ đó sửa lời. Điển hình như trường hợp ca khúc S&M của Rihanna, khi muốn được phát hành sang Anh Quốc đã buộc sửa lời lẫn tên bài hát là Come On để phù hợp vì lời ca khúc này quá khêu gợi lẫn quá ướt át. 

Và chúng ta cần thiết nhất là phải kiểm duyệt lời ca khúc lẫn nhạc gay gắt hơn nữa, sẵn sàng phạt nặng đối với các “thảm họa âm nhạc”. Để từ đó tạo tiền đề âm nhạc Việt Nam có thể phát triển một cách chuyên nghiệp hơn, cũng như đi vào guồng để hoạt động. 

Thay cho lời kết…

Lipsync chúng ta còn “chật vật” đương đầu

Còn nhớ chỉ cách đây không lâu, hai bản tin thời sự của VTV đề cập về các thảm họa Vpop đã gây được hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận. Một cách rõ ràng, công chúng đang “chán ngấy” và cần một biện pháp mạnh tay hơn để xử lý vụ việc. Nhưng, ngay cả chuyện lipsync chúng ta còn “chật vật” đương đầu, thì câu chuyện “thảm họa” với giấc mơ kết thúc biết bao giờ có thật?
Chia sẻ