"Thảo dược" hay "độc dược" cho trẻ?

,
Chia sẻ

Thậm chí các sản phẩm như gối thảo dược (gối thơm), lá tắm, trà thảo dược... cũng được nhà sản xuất khuyên dùng cho cả trẻ sơ sinh!

"Rừng" thảo dược

Các loại gối thơm đủ kích cỡ, kiểu dáng tròn, vuông, hình bán nguyệt, gối ôm... được quảng cáo bên trong, ngoài bông gòn còn có lá đinh lăng, hương nhu, ngải cứu, lá thảo quyết minh, vỏ đỗ và nhiều loại thảo mộc thiên nhiên khác dành cho trẻ từ sơ sinh trở lên, giá bán từ 50.000đ - 80.000đ/cái, 160.000đ - 200.000đ/bộ. Đánh vào tâm lý các bà mẹ, nhà sản xuất liệt kê hàng loạt tính năng, tác dụng của sản phẩm, nào là "điều hòa máu lên não, hạn chế đau đầu; thanh nhiệt, chống ra mồ hôi trộm, làm mát đầu" đến "đuổi muỗi, giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc, không giật mình...".

Sản phẩm được chào bán rộng rãi từ chợ, cửa hàng, bán tràn lan ở lề đường đến các trang web; đặc biệt là những trang web, diễn đàn dành cho các bà mẹ. Gối thơm rao bán trên các trang web thường là sản phẩm có tên hiệu - gối thảo dược C, B... được may cẩn thận, ép chân không, có bao bì. Còn loại gối bày bán tại các chợ, lề đường thì đường may cẩu thả, không có thông tin nào về sản phẩm, ngoài lời giới thiệu của người bán. Ghé ngã tư Nguyễn Oanh, Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mua một chiếc "gối thảo dược" giá 50.000đ, chúng tôi được người bán giới thiệu "trong gối có từ năm - bảy loại thảo dược quý rất tốt cho giấc ngủ của trẻ em", nhưng lại không cho khách kiểm tra vì "đã may kín, tháo ra thì hỏng". Về kiểm tra lại, hóa ra trong gối phần lớn là bông gòn, có thêm một ít viên tròn màu đen không rõ là gì, cây cỏ, lá khô có mùi hắc, bốc mùi ẩm mốc nhiều hơn là mùi thảo dược.

Dạo quanh các trang web dành cho mẹ và bé, người tiêu dùng sẽ choáng ngợp trước một "rừng" sản phẩm trà thảo dược dưới dạng pha sẵn đóng hộp, dạng cốm, túi lọc, được giới thiệu cho bé từ sơ sinh trở lên đều uống được. Nguyên liệu là "hoa quả rừng, hoa quả tổng hợp, thì là, sâm dứa, chiết xuất từ thảo dược...". Ngoài ra, còn có nước cam thảo, nước lô hội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với tác dụng: "bổ sung vitamine C, bồi bổ cơ thể, chống tưa lưỡi, hỗ trợ tiêu hóa, giúp thông mũi, mát họng, giúp bé ngủ ngon".

Phần lớn mặt hàng này đều được quảng cáo là hàng xách tay từ Pháp, Đức có giá từ 125.000đ - 185.000đ/hộp. Ở chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), An Đông (Q.5) chỉ một số ít sạp có bán mặt hàng này, nhưng cũng đều ở dạng "hàng ký gửi". Và dù không biết rõ về sản phẩm, nhưng người bán vẫn tự tin thuyết phục khách là "trà này rất tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ từ bốn tháng trở lên, trẻ dưới một tuổi nên uống  ba-bốn lần/ngày, hai lần/ngày đối với trẻ trên một tuổi"(!?).



Dược thảo "lá thơm" được bán công khai tại khu vực Hải Thượng Lãn Ông,
Q.5, TP.HCM với giá 10.000đ/gói - Ảnh: P.Huy

Phổ biến nhất là vào mùa nóng, nhiều bà mẹ thường có xu hướng mua các loại lá về tắm cho trẻ thay cho sữa tắm, vì nghĩ là sẽ giúp trẻ mát hơn, không bị rôm sảy. Tại khu chợ Đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), lá tắm được đóng gói sẵn trong bịch ni lông, giá 10.000đ/gói. Theo người bán, sản phẩm này có thành phần gồm: mướp đắng, kinh giới, sài đất, chanh, ké đầu ngựa, hoàng liên... có tác dụng bảo vệ da, phòng lở ngứa, trị rôm sảy. Lá tắm cho trẻ còn có loại lá tắm vào mùa hè hay mùa đông, lá tắm dưỡng da, lá tắm ngứa 20.000đ/gói 200g. Cũng quảng cáo có thành phần thảo dược, sản phẩm "nước tắm thảo dược cho trẻ sơ sinh" dưới dạng dung dịch hay "bột thảo dược" được chào bán trên mạng, giá 30.000đ/chai, được khuyên "dùng bôi hoặc đắp trực tiếp lên chỗ viêm da, mụn nhiễm khuẩn của trẻ” và "kiêm luôn" việc dùng làm... dung dịch vệ sinh cho phụ nữ!.

Rước bệnh như chơi!

Không ít bà mẹ đã nghe theo lời giới thiệu, quảng cáo mua cho trẻ dùng, nhưng nhiều trẻ lại... không ưa dùng, thậm chí trẻ "không ngủ, quấy khóc", như lời các bà mẹ chia sẻ trên một số diễn đàn.



Gối thảo dược, lá tằm quảng cáo "tốt cho trẻ" được bày bán tràn lan

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM, lá đinh lăng, lá thuốc cứu, lá ngũ trảo, vỏ hành hương... giúp người lớn trị đau lưng nhưng thành phần thảo dược phải có liều lượng vừa phải và không phải ai cũng dùng được. Với trẻ nhỏ thì càng cần cẩn trọng, không nên tùy tiện bỏ thảo dược vào gối cho trẻ nằm, vì nếu dùng thảo dược không đúng thành phần, liều lượng, độ tuổi... sẽ rất nguy hiểm, dù là dùng để tắm hay ngửi.

Nếu thảo dược bị ẩm mốc, sẽ gây dị ứng cho trẻ; mùi nặng, hắc sẽ kích thích thần kinh khiến trẻ khó ngủ, hay giật mình, hoảng hốt, ho, sốt, khó thở. Các bà mẹ không nên lạm dụng dung dịch, bột thảo dược, lá tắm cho trẻ, vì da trẻ nhạy cảm, rất dễ dị ứng; càng không nên bôi trực tiếp lên da trẻ, vì dung dịch đậm đặc sẽ gây tác động mạnh đến da.

Theo lương y Nghĩa: "Quảng cáo về sản phẩm như vậy là thiếu cơ sở, muốn dùng sản phẩm cho trẻ phải có kiểm chứng lâm sàng cụ thể". Cụ thể: thảo quyết minh chỉ có hạt sau khi rang kỹ, khói vàng bay hết thì mới có tác dụng an thần. Còn lá thảo quyết minh không hề có tác dụng an thần. Đặc biệt, không nên cho trẻ uống trà thảo dược, nhất là đối với trẻ sơ sinh; chỉ người mẹ uống là đủ. Đã từng có trường hợp bà mẹ cho trẻ uống nước cam thảo quá liều, khiến trẻ tím tái, khó thở. Đó là chưa kể trong thành phần sản phẩm có hương liệu thảo dược. Tuyệt đối không nên cho trẻ nhỏ uống nước lô hội, phải là tuổi thiếu niên trở lên mới uống được, vì nước lô hội có tác dụng thanh nhiệt với liều nhỏ, nhưng liều cao hơn sẽ gây sổ và dẫn đến ngộ độc nếu liều cao.

Ngay cả các loại lá tắm theo dân gian như khổ qua, chanh, lá chè, diếp cá... nếu các bà mẹ chưa có kinh nghiệm sử dụng, chưa biết có tác động lên da trẻ thế nào, thì cũng không nên tự ý dùng cho trẻ.

PGS.TS.BS Đoàn Thị Ngọc Diệp - Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo, từng có trường hợp trẻ nhập viện do người nhà tự ý dùng lá đắp lên da trẻ gây nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng huyết. Các bà mẹ không nên tự ý dùng bất kỳ loại lá nào cho trẻ, đặc biệt là khi da trẻ đang bị tổn thương (mụn, nhọt, bỏng...) vì sẽ làm cho vết thương càng nặng thêm.

Theo PNO

Chia sẻ