Thầy giáo mầm non độc nhất tại Hà Tĩnh

,
Chia sẻ

Ai cũng nghĩ nghề "gõ đầu trẻ" mầm non là "địa hạt" của phụ nữ, thế mà lại có một thầy giáo duy nhất ở Hà Tĩnh làm nghề này

Nghề giáo viên cấp tiểu học thôi vốn đã ít có sự lựa chọn của cánh đàn ông. Với giáo dục mầm non, dường như lại càng là “địa hạt” của phụ nữ. Vậy mà, ở Hà Tĩnh, lại có duy nhất một người đàn ông làm cái nghề “gõ đầu trẻ” mầm non. Đó là thầy giáo Lương Xuân Phong ở Trường mầm non thị trấn Đức Thọ!
 
Niềm đam mê của “mì chính cánh”
 
Trong số 4.363 cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục mầm non Hà Tĩnh, thầy Phong là người đàn ông “độc nhất vô nhị”. Anh gắn bó với nghề đã 6 năm nay.
 
Trước khi là giáo viên mầm non, thầy Phong đã một thời ở trong quân ngũ. Vì có năng khiếu văn nghệ, nên Phong được đơn vị cử đi đào tạo tại trường nghệ thuật quân đội. Giải ngũ năm 1995, Phong ôm đàn đi phục vụ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng.
 
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ở huyện Đức Thọ, cứ nơi nào có liên hoan văn nghệ quần chúng, cơ quan nào cần “văn nghệ, văn gừng” thậm chí cả đám cưới, đám hỏi của bạn bè nếu cần “món” này, đều có mặt Phong.
 
Lang bạt kỳ hồ với cây đàn trên vai, cuối cùng chàng lãng tử đã “cắm chốt” tại Trường mầm non thị trấn Đức Yên. “Tôi cũng không biết duyên phận xui khiến hay là gì nữa. Năm 2000, tôi được cô Phượng mời về tập văn nghệ cho trường, rồi được cô ký hợp đồng” – Phong tâm sự. Cô Phượng hiệu trưởng thì tự hào: “Chính tôi phát hiện ra Phong và không ngần ngại ký hợp đồng với cậu ấy”. Hợp đồng mà Phong được ký là vừa làm bảo vệ, vừa đảm bảo các tiết dạy nhạc trong chương trình cho các lớp mầm non, với mức lương 800.000 đồng/tháng.
 
Nhưng, nghe Phong kể, mới hay anh có niềm đam mê thật sự với công việc này chứ chẳng phải là “cực bất đắc dĩ” như ai đó dè bỉu. “Thật ra, tôi thích nghề dạy học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn nếu vì tiền, mỗi lần đánh đàn phục vụ đám cưới, tiền công 300.000 đồng đâu có ít. Tháng phục vụ dăm bảy đám cưới, thu nhập bằng 3 lần dạy mầm non ấy chứ” - Phong nhỏ nhẹ.
 
Thầy Phong và các em học sinh
 
Lại có người chưa hiểu gì về Phong thì ác ý: “Tay ấy hâm hấp. Đàn ông mèng ra cũng dạy cấp 2 hay cấp 3, ai đời lại đi dạy mầm non, phần việc của các bà, các cô?!”. Lúc đầu nghe, Phong cũng buồn nhưng rồi công việc dạy học, tình cảm của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, khiến Phong thấy được điều cao đẹp, nghĩa lý của người thầy dạy học mầm non. Anh vượt qua được mặc cảm và gắn bó với nghề này cũng vì vậy!
 
Vừa làm bảo vệ vừa… tự học
 
Cô Trần Thị Thuỳ Trang - giáo viên cùng trường nhận xét: “Dạy mầm non cần đến sự tận tụy, trái tim thương yêu trẻ và đặc biệt là năng khiếu ca hát, âm nhạc. Chính âm nhạc là phương tiện tuyệt vời dễ cuốn hút trẻ mà thầy Phong lại có được năng khiếu này”.
 
Thật ra không phải thế. Phong đã mày mò, tự học, tự bồi dưỡng. “Lúc đầu, tôi nhận làm bảo vệ cho trường là để tự học, để có thời gian đi dự giờ đồng nghiệp và tìm hiểu tâm lý trẻ” - Phong nói. Chưa được đào tạo chính quy, Phong đã tham gia các lớp tại chức. Ban đêm, Phong đọc sách vở, tài liệu, nhất là những tài liệu liên quan đến đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Rảnh rỗi, anh lại lấy hộp xốp, vỏ bia làm những đồ dùng dạy học, tranh thủ vẽ tranh minh hoạ cho giờ giảng. Từ ngày Trường mầm non thị trấn Đức Thọ có Phong, không khí lớp học như vui tươi, sinh động hẳn lên. Học sinh không chỉ được học hát, mà còn được học đàn.
 
Các hội thi “Bé khoẻ, bé ngoan”, “Người công dân tí hon” có thêm bàn tay tài hoa của Phong thiết kế, tổ chức vẽ vời, tỉa tót càng thu hút được sự ham thích của các cháu. Việc làm hàng ngày của thầy Phong không chỉ đỡ vất vả rất nhiều cho các cô giáo, mà chất lượng dạy và học của trường cũng được nâng lên rõ rệt. Với tấm lòng yêu trẻ đặc biệt và sự tận tụy với nghề, Phong đã được vào biên chế.
 
Năm 2002, Trường mầm non thị trấn Đức Thọ là một trong 20 cơ sở giáo dục mầm non cả nước được Bộ GD&ĐT chọn thí điểm chương trình Kismart (Bé học vui - Dự án Vụ GDMN chủ trì, hãng IBM tài trợ). Được Ban giám hiệu tín nhiệm, thầy giáo Phong lại lặn lội vào Huế tiếp thu chương trình để về triển khai cho giáo viên và học sinh. Không dừng lại ở đó, Phong lại tự học thêm tin học.
 
Cùng đồng nghiệp, Phong đã rút ra được nhiều bài học khi tiến hành chương trình thí điểm, như thiết kế lại phòng học, đảm bảo an toàn cho trẻ khi học trên máy. Phong cũng đã kể với chúng tôi rất say sưa về ước nguyện làm sao đưa chương trình này đến với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. “Qua 5 năm thực hiện, tôi đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm. Nếu cơ sở giáo dục nào cần đến tư vấn, tôi sẵn lòng” - Giáo viên nam duy nhất trong nghề giáo dục mầm non ở Hà Tĩnh khẳng định, với niềm nhiệt huyết.
 
“Thầy Phong có tâm hồn yêu trẻ, có trái tim nhạy cảm, là người tài hoa, đàn hay, múa dẻo, hát ngọt. Thật may mắn khi trường chúng tôi có được người thầy giáo hi hữu như vậy. Hình như đó là chàng trai sinh ra để dạy… mầm non”.  Cô Nguyễn Thị Phượng (Hiệu trưởng trường MN thị trấn Đức Thọ)
 
Lê Văn Vỵ
TheoGiadinhnet
Chia sẻ