Thầy hút thuốc trong lớp, trò đi cấp cứu

,
Chia sẻ

Hít phải khói thuốc của thầy giáo trong giờ học, một học sinh lớp 9, ngụ tại quận 11, TP HCM, đã lên cơn suyễn cấp phải nhập viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học
Thuốc lá bị cấm hút nơi công cộng, nhưng đa số người dân không nhận thức được vấn đề này. Ảnh: Hoàng Hà.
Y dược TP HCM, nơi cứu chữa bệnh nhân, cho biết, hai ngày trước, bệnh nhi đến khoa hô hấp trong tình trạng khó thở, tím tái và phải hơn nửa ngày cấp cứu, sức khỏe của em mới tạm ổn.

Trao đổi với các bác sĩ, gia đình bệnh nhân cho biết, cháu bị mắc bệnh suyễn từ nhỏ, mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc hít phải khói bụi là lên cơn, nhưng đây là lần nguy kịch nhất.

Từ chối cung cấp tên trường và tên vị giáo viên đã đốt thuốc trong lớp học, tuy nhiên người nhà bệnh nhân cho biết, con họ thi thoảng than phiền về việc giáo viên này hay hút thuốc trong lớp.

Qua tìm hiểu của VnExpress.net, tình trạng thầy giáo hút thuốc lá tại một số trường trung học, thậm chí tiểu học ở TP HCM, không phải là ít và nhiều phụ huynh học sinh cũng tỏ ra bức xúc trước hiện tượng này.

"Một lần đi họp phụ huynh, tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy thầy giáo bật lửa mồi thuốc ngay khi trao đổi việc học tập của cháu với tôi. Điều này theo tôi là không nên. Các thầy có thể hút thuốc nhưng cũng phải chọn đúng chỗ", chị Hoa nhà ở Tân Bình, nói.

Nhiều cha mẹ học sinh ở quận 5, Bình Thạnh, Hóc Môn, thì cho biết, con họ vẫn thường xuyên nhìn thấy cảnh thầy giáo buông khói tại các hành lang trong giờ ra chơi vốn có nhiều học sinh qua lại. Một số em mắc suyễn, về đến nhà thấy bị mệt.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM, cho biết, việc giáo viên hút thuốc ngay trong giờ dạy là điều hoàn toàn không nên. Tuy nhiên cũng theo ông, hiện Sở chỉ có yêu cầu chung, yêu cầu giáo viên không nên hút thuốc trong khuôn viên nhà trường nhằm tạo môi trường trong sạch cho các em, chứ chưa có quy định cụ thể.

Còn theo nhiều thầy cô hiệu trưởng trường cấp 2, 3 tại TP HCM, nhà trường vẫn chưa thể ra nội quy cấm giáo viên từ bỏ thói quen hút thuốc. Tuy nhiên, họ vẫn luôn nhắc nhở giáo viên không nên hút thuốc trong lớp học hoặc trước mặt học sinh.

“Đang dạy mà hút thuốc là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, việc hút thuốc phì phèo trong tiết dạy còn ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người thầy”, một hiệu trưởng trường cấp 3 tại quận 1, nói.

Còn theo cô hiệu trưởng trường THCS tại quận 8, không yêu cầu giáo viên bỏ hẳn thuốc lá, song ban giám hiệu nhà trường vẫn thường xuyên nhắc nhở giáo viên không nên hút thuốc trong các buổi họp hoặc trong khuôn viên trường.

"Chúng tôi yêu cầu như thế để một phần để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên nữ và học sinh, mặt khác, việc các thầy hút thuốc "ngon lành" có thể gây tò mò khiến các em tập hút theo", cô này nói.

PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Trưởng Trung tâm Chăm sóc Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết, suyễn là tình trạng viêm mạn tính của đường dẫn khí, dẫn tới tình trạng khi gặp các tác nhân kích thích như khói bụi, côn trùng, lông động vật. Trong đó khói thuốc là tác nhân nguy hiểm nhất vì dễ kích thích suyễn lên cơn.

Khi lên cơn cấp, người bệnh sẽ ho, thở khò khè, khó thở và nặng ngực, trường hợp nặng có thể gây tử vong. Đặc biệt, bệnh suyễn ở trẻ em khó phát hiện và dễ lầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp khác như viêm phế quản nên có khi các em không được điều trị đúng bệnh và còn để lại nhiều tác hại về sau.

Cũng theo tiến sĩ Lan, để tránh trẻ bị suyễn lên cơn, người lớn cần giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là khói thuốc, do khói của một điếu thuốc lá có thể lưu trong nhà đến 4 giờ, cho nên khi nhà có trẻ bị suyễn, người lớn không nên hút.

"Đối với nhà trường, học sinh bị bệnh suyễn cần phải được thầy cô quan tâm nhiều hơn. Kể cả việc quét lớp, lau bảng, chạy thi, bơi thi trong giờ học thể dục... các học sinh này đều phải được miễn tham gia", tiến sĩ Lan nói.

Theo bác sĩ Phan Thị Hải, Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế, từ mấy năm nay, hành vi hút thuốc lá đã trở thành bất hợp pháp ở những nơi công cộng quan trọng nhất như trường học, bệnh viện, rạp chiếu bóng, nhà ga bến tàu... Chế tài cũng đã có. Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt là 50.000-100.000 đồng. Tuy nhiên cho đến nay, việc giám sát hành vi hút thuốc lá nơi công cộng vẫn khó thực hiện.
 
Theo Thiên Chương
Vnexpress
Chia sẻ