Thế giới phép thuật khiến trẻ con mê mệt của bà mẹ giám đốc công ty vận tải yêu nghề... phù thuỷ

Lê Minh,
Chia sẻ

Vì tình yêu với những mụ phù thủy bí ẩn từ bộ phim hoạt hình thời thơ ấu, chị Trần Hoài Thư, hiện đang là giám đốc 1 công ty vận tải, đã quyết định phải tạo ra 1 sân chơi cho “nhiều phù thủy nhí” ngoài đời thực có thể tự tay thực hiện những “phép thuật” màu nhiệm.

Tâm sự của bà mẹ “mê phù thủy": “Ngày nhỏ, phim hoạt hình chiếu ròng rã trong chương trình “Những bông hoa nhỏ” là Hãy Đợi Đấy. Tôi thích bộ phim và bộ truyện tranh tuyệt đẹp này, tuy nhiên hình tượng tôi thích nhất là mụ phù thủy miệt mài điều chế thuốc bên cái nồi nghi ngút khói. Mụ phù thủy trong thời ấu thơ cho tôi một hình tượng kiên cường và mạnh mẽ, cố gắng vượt qua những thử thách đau đớn nhất và không bỏ cuộc cho đến khi hoàn thành sứ mệnh. Tôi thích điều đó đến mức ngủ mơ tôi cũng thấy mình cưỡi trên cây chổi bay lượn trên những ngọn cây xoài, khi lớn lên một chút thì tôi rất thích những thí nghiệm khoa học. Giờ đây tôi bắt tay vào xây dựng CLB khoa học Sao Nhỏ cho các con với mong muốn nhìn thấy nhiều hơn những phù thủy nhỏ trong phòng thí nghiệm. Hình ảnh những cô cậu bé với ánh mắt long lanh bên một “phát minh” nho nhỏ, hay những tiếng ồ, à thán phục và reo hò khoái chí khi vượt qua chính mình khiến tôi hạnh phúc biết bao”.

1
Chị Trần Thị Hoài Thư (SN 1980, Giám đốc một công ty vận tải) người sáng lập CLB Khoa học Sao nhỏ.

Từ bức tranh nước chanh “thần bí”… 

Là bà mẹ của hai đứa con trai, chị Trần Thị Hoài Thư khá vất vả trong việc tìm kiếm sân chơi phù hợp cho con. “Hồi ấy là những năm 2013, tôi đi khắp Sài Gòn để tìm sân chơi ngoại khóa dành cho con trai nhưng không có. Các nhà thiếu nhi khi ấy toàn dạy những lớp học thiên về nghệ thuật, hát, múa, vẽ, văn thể mỹ phù hợp với các bé gái, còn các lớp học về robot hay lego dành cho con trai thì hoàn toàn không có”, chị Thư tâm sự. Cùng lúc ấy, thông qua FB bạn bè, chị Thư phát hiện những hoạt động ngoại khóa của con họ ở nước ngoài rất hay. Các bé tham gia rất nhiều hoạt động khoa học hấp dẫn như tìm hiểu cơ chế tạo rễ cây khi trồng cây trong hộp chứa đất, tạo mưa, sấm, chớp trong phòng thí nghiệm, tạo những cột khói đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng từ sáp màu và một số chất hóa học đơn giản. 

Thích thú với các hoạt động ngoại khóa bạn bè ở nước ngoài chia sẻ, chị Thư tìm hiểu rồi đem về dạy con trai mình. “Tiết học khoa học đầu tiên tôi dạy con là dùng nước chanh vẽ nên một bức tranh thần bí lên một cái đĩa nhựa. Thần bí ở chỗ bức tranh sau khi vẽ xong thì trắng tinh, không có hình thù gì cả”, chị Thư kể. “Tôi dùng bàn ủi ủi lên bức tranh nước chanh. Nước chanh dưới tác động nhiệt độ của bàn ủi sẽ biến thành màu vàng, bức tranh không màu liền xuất hiện dòng chữ “Chúc mừng Giáng sinh” cùng một cái mặt cười”. Nhưng bài học không dừng lại ở đó. Sau nỗi ngạc nhiên thích thú vì sự đổi màu của nước chanh dưới tác động của nhiệt độ, bé thắc mắc “Mẹ ơi, nếu chanh làm được, thì giấm cũng làm được phải không, vì giấm cũng chua như chanh? Vậy nước đường, nước muối có làm được không?” Từ những câu hỏi, bé tự tay thực hành thí nghiệm với hàng loạt những nguyên liệu khác để kiểm chứng các giả thuyết của mình. 

 “Hồi xưa tôi nghĩ  khoa học phải có kiến thức chuyên môn, dụng cụ này nọ rất phức tạp, nhưng sau này khi dạy con, tôi đã nghĩ khác. Kiến thức khoa học có thể bắt đầu từ hủ đường, hủ muối, quả chanh, lọ giấm trong nhà bếp, đơn giản vậy thôi và ai cũng có thể học được”, chị Thư tâm sự. 

… đến CLB Khoa học dành cho trẻ em

Những kiến thức khoa học đi kèm các trò chơi của chị Thư không chỉ khiến con chị yêu thích mà những đứa trẻ nhà hàng xóm vô tình qua nhà chơi cũng hào hứng không kém. Thế là cứ mỗi hai ngày cuối tuần, chị Thư mở cửa cho các bé nhà hàng xóm qua chơi chung với hai con trai. Mỗi tuần các bé được thử sức với một trò chơi khoa học mới lạ: làm thế nào để thổi xà phòng tạo bong bóng to ơi là to, làm tên lửa nước từ baking soda, tự tay lắp ráp kệ sách, từ những que kem và động cơ làm thế nào có thể tạo thành ôtô, xe tải và cả chiếc thuyền… 

2
Các bé thích thú thổi xà phòng tạo bong bóng to (Ảnh: NVCC)

3
Các bài học về động cơ và dòng điện  (Ảnh: NVCC)

Sau một năm tổ chức trò chơi khoa học ở nhà, khi tham gia Hội quán các bà mẹ TP.HCM và nhận thấy những hoạt động dành cho các bé trai quá ít ỏi, chị Thư bày tỏ ý tưởng về một sân chơi khoa học thường xuyên dành cho các bé thì được các mẹ ở Hội quán rất ủng hộ. “Tháng 3/2016, tôi tổ chức hoạt động khoa học đầu tiên vượt ngoài khuôn khổ nhà mình, đó là làm núi lửa nhân tạo bằng baking soda cộng với giấm và một chút xà bông, hỗn hợp này sẽ tạo ra hiện tượng phun trào như núi lửa. Khi cho màu vào “ngọn núi lửa đang phun”, núi lửa lập tức biến hóa màu xanh, vàng, đỏ đẹp mắt. Hoạt động này ngay lập tức thu hút toàn bộ trẻ em cả bé trai lẫn bé gái trong buổi họp mặt ngày hôm đó”, chị Thư kể lại. 

Từ đó, CLB Khoa học Sao nhỏ ra đời và hoạt động đồng hành cùng với tổ chức Hội quán các bà mẹ. “Ban đầu tôi nhờ đồng nghiệp là các anh kỹ sư tàu biển hướng dẫn cho bé các bài học đầu tiên về động cơ. Sau này khi hoạt động của Sao nhỏ được nhiều người biết đến, tôi mời được nhiều bạn trẻ có chuyên môn khoa học về giảng dạy cho các bé như nhóm SaiGon Sciencetist và hiện nay nhóm SV năm cuối thuộc Khoa Vật lý Physic Magic (ĐH Sư phạm TP.HCM) là giáo viên của hầu hết các hoạt động của Sao nhỏ”, chị Thư cho biết. 

4
Thí nghiệm làm núi lửa nhân tạo bằng baking soda cùng giấm và xà bông (Ảnh: NVCC)

Các lớp học của CLB Khoa học Sao nhỏ thiết kế dành cho các bé độ tuổi từ 6 – 11 tuổi, được tổ chức vào hai ngày cuối tuần. Các lớp học tập trung vào việc ứng dụng và thực hành, nên các bạn nhỏ rất thích thú vì được trải nghiệm cảm giác “tự tay tạo ra sản phẩm”. Nội dung lớp học cũng rất đa dạng như làm đèn giao thông bằng nước màu đường, làm kính tàu ngầm, đốt cỏ bằng kính lúp, tái hiện trận thủy chiến Bạch Đằng bằng sa bàn, tàu có động cơ và cọc nhọn, tìm hiểu Mai An Tiêm bằng cách nào đã vận chuyển dưa hấu để đưa về đất liền nhanh nhất. “Trong tiết học về Vũ trụ, các bé dùng những quả bóng xốp, bóng bay để làm ra hành tinh riêng của mình. Cô giáo sẽ thổi một quả bóng lớn chính giữa để làm Mặt trời tô màu đỏ, làm những quả bóng xốp xung quanh tô màu xanh của Trái Đất, thêm những đám mây miêu tả những hành tinh làm từ khí, vẽ thêm những vòng tròn để miêu tả những quỹ đạo. Khi làm những hoạt động này, các con sẽ nhớ hết tất cả tên của các hành tinh”, chị Thư hào hứng thuật lại không khí của một lớp học.  

5
Chị Thư đang hướng dẫn bé đốt cỏ bằng kính lúp. 

6
Các bé đang tái hiện trận thủy chiến Bạch Đằng (Ảnh: NVCC)

7
Tiết học về vũ trụ và các hành tinh (Ảnh: NVCC)

Không chỉ hoạt động trong nhà, vào mùa hè này, CLB Khoa học Sao nhỏ còn tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa đưa các bé về với thiên nhiên. Các bé được đi hái rau trong vườn, học phân biệt các loại quả bầu, bí, mướp, nhận biết hoa, lá, rễ cây, cho thỏ, vịt ăn lá cây, xem heo, gà, tìm hiểu các loại cây thuốc khi đi thăm vườn thuốc Nam ở Tây Ninh…. Thích thú nhất là hoạt động đi xem cừu ở Vũng Tàu thu hút gần 200 người gồm cả bố mẹ và bé tham gia. Trong mỗi chuyến đi, chị Thư vừa là trưởng đoàn vừa đóng vai trò như một “phóng viên” chụp ảnh và ghi lại những suy nghĩ của các bé. 

Tôi nhớ có lần tổ chức cho các bé đi thăm ruộng muối ở Long Sơn. Đến đây các bé được trực tiếp trò chuyện với các bác diêm dân về qui trình tạo ra hạt muối rồi còn tự tay cào muối nữa. Trên đường về nhà có bé hỏi “Một kg muối bán tại ruộng có giá là 200 đồng/kg, vậy một miếng gà rán mình ăn có giá 30.000 đồng thì mua được bao nhiêu kg muối?”, rồi đưa ra kết luận “Làm ra đồng tiền cũng vất vả quá ha”, chị Thư kể. “Có bé thì suy tư “Làm sao có cái máy nào đó để người ta làm ra muối nhanh hơn không?” Tôi nghĩ tình yêu với khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi như thế sau những chuyến đi quan sát thực tế đời sống”. 

8
Sau một hồi chơi với cuốn chiếu, cậu bé này đã không còn sợ hãi, thậm chí còn thích thú cho cuốn chiếu di chuyển trên ngón tay của mình 

9
CLB Khoa học Sao nhỏ trong một lần đi xem heo, gà. 

“Có những bà mẹ rất tự tin nói rằng con mình cái gì cũng biết vì sách nào cũng đọc cả rồi. Thế mà khi lần đầu tiên gặp con bò ngoài đồng bé liền chỉ thẳng vào mặt con bò và la lên “A, con chó to thế”. Tôi nghĩ rằng dù con sâu có bé thế nào, con voi to lớn ra sao thì tất cả cũng chỉ có kích thước vừa vặn một trang sách, các bà mẹ nên đưa bé ra đời thực để tận mắt chứng kiến các con thú to nhỏ thế nào, hình thù thật sự ra sao”, chị Thư bày tỏ. 

10

11
Các bé thích thú đi xem cừu ở Vũng Tàu.

12
CLB Khoa học Sao nhỏ đi thăm ruộng muối ở Long Sơn (Ảnh: NVCC)

13
Niềm vui thích hiện rõ lên khuôn mặt của các bé khi thu hoạch rất nhiều tôm cá 

“Tôi học cách trân trọng khả năng và trí tưởng tượng của những đứa trẻ” 

Thế là đã gần 2 năm kể từ ngày đầu tiên bà mẹ “mê phù thủy” Trần Thị Hoài Thư tự mày mò thiết kế giáo án từ các quyển sách dạy khoa học cho trẻ em ở nước ngoài, đến nay khi CLB Khoa học Sao nhỏ đi vào hoạt động và tổ chức khá nhiều lớp học với nội dung phong phú, ánh mắt chị Thư vẫn lấp lánh khi nói về Sao nhỏ như thưở ban đầu. “Tổ chức sân chơi cho con nhưng bản thân tôi lại học được rất nhiều điều từ bọn trẻ. Tôi nhìn trẻ con bằng con mắt khác, vô cùng trân trọng. Tôi nhìn thấy nhiều bố mẹ đi cùng CLB và làm hộ con, tôi muốn nói một điều với bố mẹ rằng họ không làm giỏi bằng con mình đâu”, chị Thư bày tỏ. “Cùng một thí nghiệm gắn động cơ lên một que kem, có bé sẽ làm ra con chuồn chuồn biết bay, có bé làm tàu thủy, có bé thích làm ô tô, và có bé nhất quyết con sẽ làm một giá sách biết chạy. Trí tưởng tượng của trẻ em phong phú hơn người lớn chúng ta nhiều, hãy trân trọng khả năng này của bé”. 

15
 “Những hoạt động ngoài trời sẽ khiến trẻ biết yêu thiên nhiên hơn”

Là người sáng lập ra sân chơi khoa học dành cho trẻ em thông qua hoạt động của Sao nhỏ, nhưng chị Thư cho biết mình không kỳ vọng điều gì lớn lao đằng sau sân chơi này. “Hầu hết nội dung các khóa học của Sao nhỏ đều nhắm vào việc khơi gợi trí tò mò của trẻ với các hiện tượng tự nhiên xung quanh đời sống hàng ngày. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi quan sát thấy các bé đặt rất nhiều câu hỏi thông minh cho các giáo viên đứng lớp. Tại sao bóng đèn bật sáng khi chúng ta chỉ có một cục pin, một cục nam châm, một sợi dây đồng và một bóng đèn? Tại sao tàu chở hàng lại to còn cano thì nhỏ? Có phải người ta cạo lông cừu bằng cái tông – đơ khi mình đi cắt tóc không? Tôi tin rằng chính những câu hỏi ấy sẽ khơi gợi niềm cảm hứng giúp các bé yêu thích các môn khoa học hơn. Tất nhiên sở thích này chỉ như một cái chồi non cần nuôi dưỡng, tôi mong các bậc bố mẹ sẽ khuyến khích bé để cái chồi ấy phát triển thành một cây trưởng thành”.

16
“Tôi tin rằng chính những câu hỏi đầy tính tò mò sẽ khơi gợi niềm cảm hứng giúp các bé yêu thích các môn khoa học hơn. Tất nhiên sở thích này chỉ như một cái chồi non cần nuôi dưỡng, tôi mong các bậc bố mẹ sẽ khuyến khích bé để cái chồi ấy phát triển thành một cây trưởng thành”.

Chia sẻ