Thế hệ iCool

,
Chia sẻ

Thế hệ iCool (I’m cool, ám chỉ Tôi cool, “tốt nước sơn” như những sản phẩm của Apple: iPod, iPhone...) là một thế hệ lưỡng lự. “Xã hội cho chúng tôi khá nhiều sự lựa chọn nhưng chính điều đó lại khiến chúng tôi ngơ ngác khi phải chọn lựa”.



Cái nhìn mới về “thế hệ” trẻ!

Chẳng ai có thể nói rằng tôi viết, tôi biết về cả một thế hệ trong số những người trẻ từ 15 đến 25 tuổi, nhưng những suy nghĩ của tác giả Ric Graf rất đáng để tham khảo.

Khi cầm được bằng tốt nghiệp trung học trong tay, Ric cũng không thiếu gì lựa chọn: học nghề, học đại học, du học, hay phiêu lưu hơn, làm một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, đi học theo kiểu giao lưu văn hoá. Cuối cùng, Ric đã chẳng chọn gì cả, đơn giản vì anh ta không thể quyết định.

Cảm giác đó gần giống như khi bạn đứng trong một cửa hàng bán sôcôla, hộp nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn, nhưng chẳng biết mình thực sự thích gì, chọn bừa có khi lại phí tiền. Thế nên tốt nhất là... đi về.

Thế hệ thường được coi là may mắn, sung sướng sinh từ năm 1985 trở đi cũng đang có được nhiều sự lựa chọn như thế trước ngưỡng cửa “vào đời” - thời điểm sau trung học. Một con đường trước đây chỉ có đi thẳng hoặc rẽ trái hay phải thì nay đã thành ngã tư, ngã năm, ngã sáu.

Thế hệ iCool (I’m cool, ám chỉ Tôi cool, “tốt nước sơn” như những sản phẩm của Apple: iPod, iPhone, v.v...), theo Ric, hơn hết là một thế hệ lưỡng lự. “Xã hội cho chúng tôi khá nhiều sự lựa chọn nhưng chính điều đó lại khiến chúng tôi ngơ ngác khi phải chọn lựa”.

“Câu hỏi chung của chúng tôi là: Chúng tôi là ai và chúng tôi thực sự muốn gì?”

Tại Đức, tác giả Ric Graf (sinh năm 1985), từng gây chú ý khi ra mắt cuốn sách "iCool. Wir sind so jung, so falsch, so umgetrieben" ( Thế hệ iCool. Chúng tôi trẻ như thế, sai lầm như thế, âu lo như thế) vào năm ngoái. Ric đã lấy trường hợp của mình làm điển hình để nói ra sự bất an và lưỡng lự của một bộ phận “thế hệ” đồng hành trước những quyết định quan trọng trong đời.

(Tham khảo blog của Ric: www.myspace.com/ricgraf)

Ở xã hội của Ric Graf, hàng năm có khoảng 70.000 SV bỏ học giữa chừng, bằng gần 1/4 số tân SV. Cách đây 20 năm con số này chỉ bằng một nửa. Điều này chứng tỏ ngày nay những người trẻ hoang mang nhiều hơn về những quyết định của mình. Một phần bởi họ bị đẩy đi với tốc độ nhanh hơn thế hệ cha mẹ, cũng nhận được nhiều kỳ vọng hơn nhưng phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Thất nghiệp chính là một trong những nỗi lo tồi tệ nhất.

Để cảm thấy không bị lép vế, một SV mới ra trường ít nhất phải tốt nghiệp loại khá, vài năm kinh nghiệm, và sử dụng thành thạo (nhiều hơn) một ngoại ngữ. Và quan trọng vẫn phải trẻ! Làm việc theo hợp đồng, ký mới theo năm... khiến cuộc sống của nhiều người trẻ luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Mọi cơ hội đều mở. Nhưng chẳng có lấy một cơ hội chắc chắn.

Có một xu hướng khác là... thử hết mọi thứ. Có thể, do muốn chứng tỏ năng lực bản thân. Cũng có thể do sợ bỏ mất những cơ hội tốt (làm việc này sẽ cho mình một tương lai tốt hơn làm việc kia?).

Cô bạn thân của tôi tốt nghiệp ĐH Ngoại giao, bắt đầu làm cộng tác viên cho các tạp chí, rồi làm quản lý bộ phận PR của một công ty truyền thông, làm phát thanh, tham gia vào các dự án phi chính phủ, viết kịch bản cho phim tài liệu, dịch phim. Hiện cô đang làm cùng lúc tại hai kênh: VTV4 (dựng bản tin tiếng Pháp) và VTV6 phụ trách nội dung chương trình Kết nối trẻ.

Bạn có thấy phục không? Tôi thì thấy choáng ngợp quá. Cô bạn tôi giải thích, phải thử nhiều thứ như thế là vì muốn xem nghề nào mới thực sự hợp với mình. Nhưng đến nay thực ra bản thân cô ấy vẫn chưa tự trả lời được đâu.

Liệu “thế hệ lưỡng lự” có thành “thế hệ lạc lối“? Câu trả lời là: Không!

Phải đối mặt và học cách quyết định nhiều vấn đề quan trọng sớm hơn, người trẻ dễ mang cảm giác bị bỏ rơi. Đôi khi là cô độc nếu không nhận được sự chú ý đúng mức. Nhiều người khác thế hệ đã từng nghĩ rằng, giới trẻ bây giờ hay làm quá mọi thứ lên. Họ “có vẻ” nổi loạn hơn, vui cũng nhiều và buồn cũng nhiều. “Bọn trẻ ngày nay lười và chỉ giỏi trốn tránh”... “Bố mẹ sẽ chẳng bao giờ hiểu được chúng con nghĩ gì” (câu nói mà các bậc phụ huynh “dị ứng” nhất!) v.v và v.v...

Sẽ luôn luôn có những va chạm thế hệ như thế. Vậy, nếu thời “vô lo vô nghĩ” ngắn chẳng tày gang, chẳng thà tránh nghĩ đến nó. Giới trẻ phương Tây hay dùng vài tháng đôi khi là tới một năm hoặc hơn sau khi tốt nghiệp trung học để đi du lịch đấy thôi? Nhưng nếu thử cân nhắc một chút, thực ra ý nghĩa của những chuyến đi đó là gì? Liệu họ sẽ có được những quyết định đúng đắn về cuộc sống và nghề nghiệp hơn trước đó? Hay chỉ vì họ muốn tự thưởng cho mình một thời gian tránh phải nghĩ về đoạn đường trước mắt, tự quên đi những trách nhiệm tiếp theo của mình?

Việc nhiều bậc phụ huynh thích quyết định hộ con mình và bắt họ đi theo những con đường đã được phân luồng sẵn cũng khiến cho nhiều người trẻ ngây thơ và yếu ớt hơn trước những chọn lựa của mình. Hay để họ tập đối mặt? Lưỡng lự nghĩa là bạn vẫn có thể quyết định, dù sẽ đúng nhiều hay ít, phải không?

Theo Sài Gòn tiếp thị

 

Chia sẻ