Bộ phim của tôi:

“The pianist” – bản đàn của tình yêu và cuộc sống

Leawo,
Chia sẻ

Bộ phim “Nghệ sĩ dương cầm” là tiếng nói đầy thấu hiểu về giá trị và sức mạnh của âm nhạc đối với con người.

The Pianist là bộ phim của đạo diễn gốc Ba Lan Roman Polanski, chuyển thể từ hồi ký cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Wladyslaw Szpilman. Bộ phim là một lời kể lại chân thực của chính người trong cuộc về thảm họa diệt chủng do phát xít Đức gây ra, đồng thời cũng là phim hay nhất trong sự nghiệp đồ sộ của đạo diễn Roman Polanski về âm nhạc và sức mạnh của nghệ thuật.

“The pianist” – bản đàn của tình yêu và cuộc sống  1

The Pianist
đã đạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Cành cọ Vàng cho Phim hay nhất; giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Có lẽ thành công này đến từ tài năng và sự đồng cảm sâu sắc với số phận người Do Thái mà đạo diễn Roman Polanski cũng có gốc gác, nhưng hơn hết là sự thấu hiểu về tình yêu và niềm tin vào con người.

Bộ phim có bối cảnh là đất nước Ba Lan – nơi có hơn nửa triệu người Do Thái sinh sống trong Thế chiến thứ hai. Một trong những người Do Thái có may mắn sống sót sau đợt tàn sát của Hitler là nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman. The Pianist là một bản đàn rất cảm động kể về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của người nghệ sĩ. Ngay cả trong những lúc cùng khổ nhất, chính âm nhạc là điều kỳ diệu giúp đẩy lùi chiến tranh, xóa bỏ hận thù, mang con người lại gần nhau.

“The pianist” – bản đàn của tình yêu và cuộc sống  2

Nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman rất nổi tiếng trước chiến tranh với tiếng đàn êm dịu và có sức cuốn hút mãnh liệt. Tuy vậy, tiếng đàn yên bình của anh không được chiến tranh buông tha. Szpiman và gia đình cùng hàng triệu người Do Thái khác bị đưa vào trại tập trung và bị đối xử tàn tệ. Người nghệ sĩ này  phải lao động khổ sai, bị chà đạp quyền sống.

The Pianist sẽ kể lại cho người xem về tội ác của phát xít Đức trong những cảnh bắt bớ lúc đêm khuya, lúc hành hình những người vô tội. Trên phim, người Do Thái chết đói, chết cóng, chết vì bị đánh đập… Chính trong hoàn cảnh ấy, nghị lực sống của người nghệ sĩ dương cầm trở nên phi thường hơn bao giờ hết. Từ một nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc đẹp đẽ của Chopin, Szpilman sẵn sàng ăn cả những lát khoai tây thối và bị ngộ độc. Anh lang thang trong những khu phố đổ nát, chui lủi trong các gác mái, uống nước thải của bệnh viện… Anh làm tất cả, chỉ cần được sống, và thèm khát được chơi đàn.

“The pianist” – bản đàn của tình yêu và cuộc sống  3

Điểm nhấn nhiều ý nghĩa nhất của bộ phim là cảnh nghệ sĩ Szpilman chơi đàn cho một sĩ quan Đức nghe vào lúc gần cuối phim. Khi biết được mình đang gặp một nghệ sĩ dương cầm, viên sĩ quan Đức thay vì tặng anh một viên đạn vào đầu, đã yêu cầu anh chơi nhạc. Szpilman đã chơi đàn với tất cả những lo lắng, sợ hãi và cũng là say mê, thanh thản. Anh đã chọn chơi một bản của Chopin về tình yêu nước của những người dân Ba Lan, những ngón tay điêu luyện lướt trên phim đàn như được chơi lần cuối.

Sau khi nghe tiếng đàn, viên sĩ quan đã say đắm trước tài năng của Szpilman, thậm chí còn mang thức ăn, áo khoác giúp người nghệ sĩ vượt qua mùa đông buốt giá. Không còn ranh giới về quốc gia, dân tộc, tư tưởng, nhiệm vụ hay bất cứ rào cản nào, trước âm nhạc và nghệ thuật, giữa hai con người xa lạ chỉ còn tình yêu. Chiến tranh không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà bộ phim mang lại.

“The pianist” – bản đàn của tình yêu và cuộc sống  4

Đạo diễn Polanski muốn bộ phim trở nên chân thực nhất có thể, nên bất cứ cảnh chơi đàn nào của nhân vật Szpilman cũng đều do chính diễn viên Adrien Brody biểu diễn. Để đạt tới trình độ của nghệ sĩ Wladyslaw Szpilman, chàng diễn viên Brody đã khổ luyện trong nhiều tháng. Chính vì thế, tiếng đàn và cảnh chơi đàn trong phim đã thuyết phục được người xem, thực sự khiến khán giả rung động và ấn tượng.

Sau năm 1945, Ba Lan được giải phóng, nghệ sĩ Szpilman được sống thanh thản trong hòa bình đến hết phần đời còn lại. Ông mất năm 2000 sau một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật. Còn viên sĩ quan Đức yêu âm nhạc năm xưa đã mất từ năm 1952 trong trại tù nhân chiến tranh, để lại một nhật ký đầy hoài nghi về chiến tranh và con người.
Chia sẻ