Thóp căng, cổ cứng, coi chừng viêm màng não

Hương Cát,
Chia sẻ

Sốt cao, nôn ói, đau đầu, cứng cổ, thóp căng là những dấu hiệu nguy hiểm; nếu không điều trị, trẻ có thể tử vong hoặc bị các di chứng não úng thuỷ, yếu liệt chân tay, động kinh, điếc…

Trong tuần vừa qua, có rất nhiều trẻ bị viêm não, viêm màng não đã tới cấp cứu tại bệnh viện nhi Đồng 1. Hầu hết các bé được đưa đến đây trong tình trạng khá nặng, sốt cao tới 40 độ, nôn ói, đau đầu…

Sốt cao, cổ cứng, thóp phồng: Biểu hiện nguy cấp

Theo BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, viêm màng não là một bệnh lý thường gặp, đứng hàng thứ hai sau bệnh tay chân miệng. Số lượng bệnh viêm màng não điều trị hàng năm trung bình từ 800-900 bệnh nhi. Hiện nay, ước tính trung bình mỗi ngày, khoa này có khoảng 30 trẻ viêm màng não

Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu. Bệnh lây qua đường hô hấp. Siêu vi trùng hay vi trùng gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp. Siêu vi trùng hoặc vi trùng khi vào cơ thể sẽ vào máu, sau đó xâm nhập vào màng não và gây bệnh.

Bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở mọi nơi, bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

"Thông thường viêm màng não do vi trùng hay đi theo sau mùa cảm cúm. Một số trẻ bị viêm màng não sau khi bị viêm tai mũi họng mà không được điều trị dứt điểm. Hoặc sau một trận cảm cúm đơn thuần, nhưng do sức đề kháng yếu nên vi trùng trong cổ họng có thể tấn công lên não" - BS. Khanh nói.

Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh, ngay trong ngày đầu tiên của bệnh, hoặc chỉ sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi. Ở trẻ lớn, khi bị viêm màng não, trẻ sẽ sốt cao, than đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng.

Còn ở trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh sẽ là sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng. Trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng. Riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều. Khi nặng hơn, trẻ sẽ bị làm kinh, co giật, li bì, hôn mê.

Các triệu chứng kể trên có thể không xảy ra theo trình tự và không xuất hiện ở mọi bệnh nhân. Các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.

Viêm màng não do vi trùng: Có thể tử vong

Theo các bác sĩ, viêm màng não do siêu vi trùng, chủ yếu xảy ra ở những trẻ lớn, bệnh có thể tự khỏi, như đa số các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác

Viêm màng não do siêu vi trùng không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi tại bệnh viện chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.

Trong khi đó, viêm màng não do vi trùng  (viêm màng não mủ) thường xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống, đặc biệt là trẻ mới sinh cho đến 12 tháng tuổi. Nếu nhập viện sớm và vi trùng không quá kháng thuốc, trẻ có thể khỏi bệnh và hoàn toàn bình thường.

"Nhưng, nếu không điều trị hay điều trị trễ, trẻ có thể tử vong hay để lại những hậu quả như não úng thuỷ, chậm phát triển tâm thần vận động như yếu liệt chân tay, tổn thương thần kinh như động kinh, nhất là di chứng điếc

Để phòng ngừa bệnh viêm màng não, nên giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai.  

Hiện nay Việt Nam có hai loại vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm màng não. Trong đó, vắc-xin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influenza type B) có thể ngừa được 80-90% bệnh cho trẻ dưới 5 tuổi.

Một loại khác là vắc-xin giúp trẻ phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu vắc-xin này cần phải chích nhắc lại mỗi 3 năm cho trẻ trên 18 tháng tuổi. Nhiễm trùng huyết do não mô cầu có thể khiến nguy cơ tử vong ở trẻ cao.

Hãy tiêm phòng đầy đủ cho trẻ và nếu trẻ có những triệu chứng như trên, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện trước khi quá muộn.

 

Theo Hương Cát
Vietnamnet
Chia sẻ