Thư gửi cho con ngày mai

Theo PNO,
Chia sẻ

Ba mẹ biết về sự có mặt của con trong cuộc sống của ba mẹ không phải vào thời điểm được mong đợi nhất. Khi đó, ba mẹ còn đang là sinh viên năm cuối.

Tình yêu bốn năm đại học đã chín muồi nhưng ngày cưới vẫn còn trong lịch hẹn tương lai. Vì thế, cái ngày nhìn thấy hai vạch đỏ trên que thử thai, mẹ gần như hoảng loạn. Nước mắt lưng tròng, mẹ chìa cho ba xem với những cảm xúc xáo trộn: có niềm vui của bằng chứng gắn bó yêu thương, có nỗi lo sợ của những điều mờ mịt chưa được quyết định. Thế nhưng, ba con lại nhảy cẫng lên, reo mừng như đứa trẻ. Ba nói: “Yên tâm đi em, ba mẹ anh sẽ rất vui. Hóa ra mấy tháng trước, chị dâu của ba con bị sẩy thai, bác sĩ chẩn đoán anh chị khó có thể có con được nữa. Vì thế, con là niềm vui thay thế, niềm an ủi của cả gia đình bên nội.
 
Con lớn lên trong bụng mẹ từng ngày. Trên bàn học của mẹ là hàng chồng tài liệu cho luận văn tốt nghiệp lẫn với những cuốn sách về mang thai, về trẻ sơ sinh. Đang đào bới trong internet những thông tin về loài nấm, mẹ bất chợt lại nhào vào những trang web bà mẹ trẻ em. Mẹ theo dõi mình từng ngày từng tháng. Mẹ sung sướng khi đọc những dòng: “Giai đoạn này bào thai đã có chiều dài… cm. Não bộ đã bắt đầu hình thành...” và hạnh phúc với những tưởng tượng của mình về con.


Ngày mẹ bảo vệ luận văn tốt nghiệp, con được bác sĩ cho biết đã tròn ba tháng. Hôm đó ba con không có ở Sài Gòn. Nghe ông nội lên cơn đau tim, ba chạy về quê chăm nom. Phòng bảo vệ luận văn ngộp trong khói thuốc dày đặc, sự căng thẳng lo lắng. Chiều tối, về đến nhà, sau khi ăn cơm mẹ bỗng nghe có gì đó chảy từ trong người mình ra. Mẹ choáng váng khi thấy máu đỏ giữa hai chân. Bạn bè xúm vào lót gối cho mẹ nằm gác chân cao, các bạn nam ở dãy phòng đối diện chạy đi gọi taxi. Mẹ khóc nức nở vì lo lắng. Điện thoại của ba reo từng hồi dài sợ hãi trên con đường ba cùng chị dâu trở lên Sài Gòn. Bạn bè bế mẹ ra xe đến bệnh viện.

Con của mẹ thật kiên cường. Con đã không rời bỏ mẹ mà đi. Mặc những chẩn đoán của bác sĩ rằng con yếu, rằng tử cung của mẹ có thể không mang nổi con. Mặc những trách móc của bác sĩ về sự chủ quan, về sự thiếu hiểu biết của mẹ…; con đã trụ lại cùng mẹ, lắng nghe những van nài và động viên mẹ bằng những cử động đầu tiên nhẹ nhàng, yếu ớt. Những tháng ngày sau đó với ba mẹ là khoảng thời gian đầy hồi hộp, sợ hãi. Mỗi lần siêu âm, mẹ lại chăm chú quan sát gương mặt các bác sĩ, cố đoán xem họ đang nhìn thấy gì, chuẩn bị nói gì với mình và có giấu mình điều gì không. Những khi nghe họ nói: “Mọi việc đều tốt đẹp” mẹ thấy mình như bay lên không trung.

Ngày mẹ nhận bằng tốt nghiệp, con đã tròn 8 tháng. Trên bục nhận bằng, giáo sư chúc mừng mẹ với lời đùa: “Con của em lớn lên có thể bảo vệ luận văn cao học luôn, không cần học đại học nữa. Bé học thế là đủ rồi”. Mẹ mỉm cười với giáo sư vì niềm vui không nói nên lời nhưng trong tim mẹ là lời thầm thì với con: “Mẹ con mình đã cùng vượt qua những ngày tháng khó khăn biết bao. Từ nay mẹ biết, trong cuộc đời này, dù có bao gian truân cực khổ, dù có bao mệt mỏi vất vả, mẹ cũng sẽ không cô độc, sẽ không nản chí, sẽ không yếu hèn. Mẹ có sức mạnh, có lòng can đảm và có cả sự kiêu hãnh từ con. Mẹ con mình sẽ cùng nhau chiến thắng mọi điều".
Chia sẻ