Thuốc không kê đơn có phải là thuốc không có độc tính?

,
Chia sẻ

Nhiều người khi nghe nói thuốc không cần kê đơn là vội nghĩ ngay những loại thuốc này không có độc tính, dùng sao cũng được, bởi nếu độc thì bác sĩ đã phải lưu ý kê đơn rồi.

Nhiều người khi nghe nói thuốc không cần kê đơn là vội nghĩ ngay những loại thuốc này không có độc tính, dùng sao cũng được, bởi nếu độc thì bác sĩ đã phải lưu ý kê đơn rồi. Chính suy nghĩ này đã gián tiếp gây ra nhiều vụ ngộ độc thuốc giảm đau, các loại men vi sinh, men tiêu hoá… vừa qua.

Có hai loại thuốc hiện được bán tại các nhà thuốc, đó là thuốc bán theo đơn thuốc của bác sĩ, gọi là thuốc kê đơn (thuốc kê toa) và thuốc bán không cần đơn thuốc, gọi là thuốc không kê đơn. Cả hai loại này đều đòi hỏi phải sử dụng đúng mới đạt hiệu quả và an toàn.
 


Thuốc nào cũng có độc tính

Thuốc kê đơn là thuốc nếu không dùng đúng chỉ định của bác sĩ kê trong đơn thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ người dùng thuốc. Còn thuốc không kê đơn, còn gọi là thuốc OTC (viết tắt của Over The Counter, có nghĩa thuốc bán ở quầy không cần đơn thuốc) là thuốc có độc tính thấp, không có những tác dụng phụ có hại nghiêm trọng.

Thuốc OTC cũng là thuốc dùng trong điều trị các bệnh thông thường và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết có thăm khám, chỉ định thuốc hoặc theo dõi của bác sĩ. Từ ngày 1.7.2009, bộ Y tế Việt Nam đã ban hành danh mục thuốc không kê đơn và hướng dẫn thực hiện danh mục này. Theo đó, có hai loại: danh mục thuốc hoá dược và danh mục thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.


Nhìn vào danh mục thuốc hoá dược (thuốc tây) không kê đơn, ta sẽ thấy bao gồm những thuốc mà người bệnh có thể mua để tự điều trị các bệnh nhẹ, như thuốc giảm đau hạ nhiệt trị cảm sốt, thuốc trị ho, trị tiêu chảy, trị táo bón, hay thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng,...

Đơn cử là thuốc giảm đau hạ nhiệt paracetamol. Không chỉ có paracetamol không thôi mà còn có paracetamol phối hợp với các thuốc khác, đặc biệt có cả paracetamol phối hợp với thuốc gây nghiện codein.

Trước đây, paracetamol phối hợp với codein thuộc loại kê đơn, bởi liên quan đến tính chất gây nghiện và không an toàn nếu dùng sai (dùng tuỳ tiện dài ngày sẽ đưa đến nghiện như nghiện ma tuý).

Nay, thuốc phối hợp này thuộc loại không kê đơn nhưng được chú thích: “dạng thuốc chia liều không được chứa 30mg codein/đơn vị dạng thuốc” và đặc biệt: “thành phẩm chứa paracetamol và codein được bán không cần đơn với số lượng tối đa cho mười ngày sử dụng”.


Như vậy, trong danh mục thuốc không kê đơn vẫn có thuốc có “những điều kiện bắt buộc có sự tuân thủ của người phân phối và người sử dụng thuốc” chứ không phải sử dụng dễ dàng vô điều kiện.

Sở dĩ trong danh mục có loại thuốc đặc biệt này là vì paracetamol và codein cần được mua dễ dàng hơn để đáp ứng thuận lợi việc chăm sóc điều trị đau theo phác đồ “ba bước thang giảm đau” của tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo phác đồ đó, khi mới đau, tức đau nhẹ chỉ cần dùng thuốc giảm đau thông thường là paracetamol; đau mức cao hơn là đau trung bình nên dùng thuốc kết hợp như paracetamol và codein; còn đau nặng như đau ung thư phải dùng thuốc gây nghiện mạnh như morphin.

Hiện nay ở ta, bệnh nhân đau loại trung bình cũng khá nhiều nên thuốc paracetamol và codein được xếp vào loại không kê đơn để người bệnh dễ tiếp cận với thuốc điều trị hiệu quả là hợp lý.

Phải thận trọng hơn cả thuốc kê đơn

“Vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con”.

Khi nghe nói đến thuốc không kê đơn, người dùng thuốc thường có sự hiểu lầm thuốc loại này dùng sao cũng được. Vì vậy, có người cứ mua các loại thuốc hoặc chế phẩm như thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng, các axit amin, các loại men vi sinh, men tiêu hoá, chất bổ dưỡng như nhân sâm… dùng bừa bãi, bất kể liều lượng.

Đúng là các loại thuốc ấy mua không cần đơn (men vi sinh, nhân sâm được kể là “thực phẩm chức năng” không phải thuốc nên cũng thuộc loại mua không cần đơn) nhưng người dùng phải có sự hiểu biết nhất định về các thuốc không kê đơn, để sử dụng đạt hiệu quả và an toàn, đặc biệt là liều lượng và cách dùng.


Để có thông tin, người dùng thuốc có thể hỏi dược sĩ tại nhà thuốc. Nước ta đang hướng đến các nhà thuốc phải đạt chuẩn thực hành nhà thuốc tốt – GPP chính là để đạt đến dược sĩ tư vấn dùng thuốc trong mọi trường hợp.

Trong tình hình hiện nay, cách tốt nhất để có thông tin về thuốc, đặc biệt thuốc không kê đơn, là xem tờ hướng dẫn dùng thuốc. Nếu mua thuốc viên rời, không mua nguyên lọ thuốc, ta vẫn có quyền đòi hỏi nhà thuốc cho xem tờ này.

Trong tờ hướng dẫn dùng thuốc, ta cần đọc: thành phần – công thức (để biết đó đúng là dược chất sử dụng), chỉ định (những trường hợp dùng thuốc này), chống chỉ định (những trường hợp không được dùng thuốc này), cách dùng – liều lượng, tương tác thuốc…

Tóm lại, cả hai loại thuốc kê đơn và không kê đơn đều đòi hỏi sử dụng đúng cách, thận trọng. Riêng thuốc không kê đơn vì mua dễ dàng nên đòi hỏi càng phải thận trọng hơn đối với người dùng thuốc.


Ngộ độc Paracetamol do dùng bất kể liều lượng

Khi dùng thuốc paracetamol, ít nhất phải biết thông tin về liều dùng của paracetamol như sau: liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10mg/kg cân nặng, ngày uống 3 – 4 lần; liều tối đa cho trẻ là không quá 60mg/kg/ngày.

Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500mg, ngày uống 3 – 4 lần, không nên quá 4g trong ngày. Riêng với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém. Chính vì dùng bất kể liều lượng mà trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol, đa số là trẻ con.
 
 
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
Theo SGTT
Chia sẻ