Tiếc nuối làng nghề làm đèn ông sao

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Đèn ông sao - món đồ chơi giản dị mỗi dịp Trung thu đang có nguy cơ biến mất trước sự lấn chiếm của đồ chơi nhập ngoại đắt tiền.

Kéo theo đó là sự mai một của làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay... Đúng vào thời điểm này những năm về trước, làng sao Báo Đáp (Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định) đã tấp nập những chuyến xe chở đèn ông sao đi về các tỉnh.
 
Nhưng năm nay, không khí thật ảm đạm, quạnh quẽ mặc dù Rằm Tháng Tám đang đến gần. Nhiều hộ dân đã bỏ nghề, vì sản xuất không có lãi, không có người mua. Chỉ còn lại một vài hộ gia đình sản xuất cầm chừng, cố gắng “bám trụ” với nghề.

Lay lắt tìm đường sống

Khi chúng tôi đến làng Báo Đáp, không khí không còn nhộn nhịp như mọi năm. Những con đường làng phơi đầy đèn ông sao cũng không còn, chỉ lác đác vài hộ gia đình mang một vài chiếc ra hong khô.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Yến (xóm 1, thôn Báo Đáp) than thở: “năm nay ai cũng sản xuất cầm chừng, gọi là có làm cho vui chân vui tay, cho khỏi mất nghề truyền thống của cha ông để lại. Chứ chẳng ai còn thiết tha làm sao như mọi năm nữa. Giá rẻ đã đành, nhưng hình như bây giờ bọn trẻ cũng không còn thích thú với những chiếc đèn xanh đỏ này nữa. Chúng nó thích những món đồ đắt tiền hơn kia”.
 
Đây là thực trạng chung của cả một làng nghề với hơn 300 hộ sản xuất đèn ông sao. Nhiều hộ gia đình đang chuyển hẳn sang nghề làm hoa nhựa, cho thu nhập cao hơn và cái chính là không lo bị chủ hàng trả lại.
 
Những ngày cận kề tết Trung thu, làng sao nhộn nhịp vào mùa.

“Để làm được đèn ông sao, phải trải qua thời gian dài và nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn của người sản xuất. Suốt từ tháng Giêng, những hộ sản xuất phải lo đi mua nứa, mua đay và giấy bóng kính. Mỗi ngày đều chẻ nứa, buộc khung, phơi khung cho đến tận tháng 5 thì bắt đầu làm đèn ông sao. Ròng rã hơn bảy tháng trời, nếu thời tiết thuận hoà thì được lãi vài ba triệu, còn không, coi như lỗ”. Vừa nói, bà Yến vừa nhanh tay dán miếng giấy bóng xanh đỏ vào khung.

Trong làng chỉ còn những người già còn “sống chết” giữ lại nghề của cha ông. Hầu hết, thanh niên đều đi làm thuê hoặc xoay ra làm những công việc khác cho thu nhập cao và thường xuyên hơn. Làm đèn ông sao, chỉ là việc mùa vụ, tuy vất vả nhưng thu nhập lại thấp.

Gia đình ông Vũ Văn Kháng (đội 4, thôn Báo Đáp) là một trong những hộ sản xuất lớn nhất trong làng. Năm nay, gia đình ông cũng sản xuất cầm chừng hơn mọi năm. Do lượng sao bị ế từ năm ngoái còn tồn đọng lại rất nhiều. Mặt buồn buồn, ông nói không giấu nổi vẻ lo lắng: “như mọi năm, nhà tôi không còn chỗ mà đứng, từng chồng sao xếp cao ngất mà cũng bán hết. Năm nay chỉ làm bằng một nửa (khoảng 2 vạn chiếc), mà xem ra chưa ai đến mua. Bọn trẻ bây giờ thích đèn của Trung Quốc, vừa có đèn, có nhạc. Tôi cũng nhiều lần cải tiến cho chiếc đèn ông sao của mình mới mẻ hơn, nhưng không thành công”.
 
Bà Yến tất bật chuẩn bị làm những chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ.

Cùng chung tình trạng với làng Báo Đáp, làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng lao đao trước cơ chế thị trường. Hàng trăm hộ chuyển sang làm nghề phụ khác, thay vì làm đèn ông sao như mọi năm. Hai làng nghề truyền thống sản xuất đồ chơi mỗi dịp rằm Trung thu đang kề bên vực của sự tàn lụi. Trước sự lấn chiếm của những món đồ chơi Trung Quốc đắt tiền, người dân đang dần quay lưng lại với những món đồ truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay.
 
Tương lai nào cho nghề tổ truyền?
 
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Sơn (xóm 2, thôn Báo Đáp) chỉ sản xuất bằng một nửa so với mọi năm (khoảng 1 vạn chiếc) do lo sợ tình trạng như những năm trước. Bà kể: “năm trước, làng này ai cũng làm nhiều. Nhưng sau Trung thu xe chất đầy hàng về trả lại. Trời mưa nhiều, gặp nước là hỏng hết, không bán được nên chủ hàng dồn lại đem trả. Năm nay, thời tiết còn mưa bão từ mấy ngày trước, nên hiếm có người đến mua. Chủ yếu là tự mình đem đổ hàng cho các thành phố lớn”.

Suốt bảy tháng trời, bà cùng ba người con tận dụng mọi thời gian ngoài công việc đồng áng để làm đèn ông sao. Tuy nhiên, vụ nào lãi nhất cũng chỉ được ba triệu đồng, như năm ngoái là thất thu. Bà than: “đấy cô xem, cả bảy tháng, ba người làm mới được ba triệu. Còn lỗ nữa thì làm sao chúng tôi làm mãi được. Cũng phải kiếm nghề khác mà mưu sinh thôi”.
 
Chị Lan cặm cụi dán giấy màu vào chiếc đèn ông sao cỡ lớn.

Đèn ông sao có bốn loại kích cỡ khác nhau. Loại nhỏ nhất có đường kính 25 mm, được bán với gíá 1, 5 nghìn đồng/chiếc, cái lớn nhất có đường kính 50mm được bán với giá 2,5 nghìn đồng/chiếc. Đấy là giá bán đổ cho các mối hàng, nhưng khi về các thành phố lớn, giá của mỗi chiếc đèn ông sao như thế này phải gấp 10 lần giá mua. “Mỗi chiếc đèn, trừ nguyên vật liệu đi, tôi lãi được 200-400 đồng. Chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng có cái để cho các em nó làm thêm, khỏi đi chơi bời lêu lổng”, ông Nguyễn Văn Bản (xóm 4, thôn Báo Đáp) cho biết.

Gia đình ông năm nay chỉ sản xuất bằng ¼ so với các năm trước (1 vạn chiếc). Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm chỉ còn cách Trung thu hai tuần nữa, mà số lượng hàng vẫn chưa bán được. Ông buồn buồn nói: “tôi tính ngày mai thuê chiếc xe chở ra Hà Nội bán. Nhưng tiền xe bây giờ cũng mất gần 1 triệu, không biết có hoà được vốn không. Chẳng dám mong lời lãi”.
 
Những chiếc đèn ông sao này sẽ được vận chuyển tới mọi nơi, góp phần
đón Tết Trung thu thêm rực rỡ.
 
Như năm ngoái, sau Trung thu, bình quân mỗi gia đình bị trả lại 1/3 số hàng đã sản xuất. Gia đình ông Bản cũng bị chủ hàng trả lại 1 vạn chiếc đèn. Bảo quản được gần một năm, nhiều chiếc đã mục nát nên đành vứt đi làm củi đun bếp. Tuy nhiên, theo lời ông Bản, gia đình ông không phải hộ duy nhất ở đây rơi vào tình trạng như thế.

Ông Nguyễn Quốc Việt, chủ tịch xã Hồng Quang cho biết: “sự thất thu của làng nghề Báo Đáp trong mấy năm gần đây khiến nhiều hộ dân lao đao. Bỏ nghề thì không đành, mà làm thì thua lỗ. Chúng tôi cũng rất lo lắng khi nhìn những chiếc đèn thủ công, mẫu mã đơn giản, khó cạnh tranh với các loại đồ chơi ngoại xuất hiện trên thị trường. Trước đây, làng Báo Đáp có thử nghiệm làm đèn ông sao bằng máy móc, sản xuất hàng loạt. Các thanh tre, nứa được thay thế bằng nhựa ép. Nhưng khi dùng keo dán giấy bóng thì không ăn. Cách làm đại trà bằng máy móc không khả thi, nên bắt buộc phải làm thủ công”.
 
Phơi thanh gỗ làm cán sao.

Tuy nhiên, khi hỏi những người làm nghề truyền thống lâu đời như ông Nguyễn Văn Đĩnh, ông Vũ Văn Kháng… thì ai cũng khẳng định: dù có lỗ, chúng tôi cũng sẽ sản xuất cầm chừng, chứ nhất định không bỏ nghề. Còn người chơi đèn, thì còn làm để giữ lấy nghề của cha ông.

Trên thị trường, trước sự lấn chiếm đến 90% những đồ chơi nhập ngoại của Trung Quốc, không chỉ làng làm đèn ông sao, mà các làng nghề cổ truyền khác cũng đang lâm vào cảnh lao đao. Thời điểm nhà nào cũng tấp nập, đỏ đèn làm đến tận khuya để kịp giao hàng vào cận tết Trung thu chỉ còn trong ký ức. Còn hiện tại, hàng trăm hộ dân đang bỏ nghề truyền thống kiếm kế sinh nhai. Tương lai rồi sẽ đi về đâu cho những làng nghề cổ truyền của Việt Nam?
Chia sẻ