Top những album "chất" nhất của nhạc Việt

Duy Khánh,
Chia sẻ

Album mới trên thị trường nhạc Việt thì không thiếu, nhưng Album có "chất" thì có lẽ hơi khan hiếm.

Một sản phẩm đạt chất lượng về nghệ thuật: ca khúc hay, hòa âm phối khí tuyệt, ca sĩ thể hiện tốt. Một album được đông đảo công chúng đón nhận và một album có những sáng tạo mới lạ, ghi dấu ấn của người ca sĩ... Có thể nói  một cách nôm na là những điều kể trên để hình thành về cái "chất" cho một Album ca nhạc.
 
"Chất" ở đây không phải là điều gì quá cao siêu. Nó đơn giản là một yếu tố nhỏ, nhưng cực kỳ quan trọng để hình thành nên một album đáng để nghe, đáng để cảm nhận và đáng được thưởng thức. Điểm thu hút hơn cả, cái "chất" ở đây sẽ mang đến tính cách âm nhạc riêng biệt, thu hút, lôi cuốn và ấn tượng.
 
Bây giờ biển mùa đông - Đức Tuấn
 
Bây giờ biển mùa đông – Đức Tuấn Album "Bây giờ biển mùa đông" gồm 10 ca khúc, trong đó có 4 bài hát mới công bố của nhạc sĩ Dương Thụ, là: "Tiếng võng", "Xa xăm", "Ở lại mùa đông" và "Đi về cuối biển".
 

Album quy tụ ê-kíp sản xuất âm nhạc và các nghệ sĩ cộng tác đều là những tên tuổi hàng đầu hiện nay, như Anh Quân, Huy Tuấn, Sơn Thạch, Hồng Kiên, nghệ sĩ violon Xuân Huy, các ca sĩ hát bè cũng những gương mặt nổi bật của opera Việt Nam như Thăng Long, Vành Khuyên và các nghệ sĩ xuất sắc của các dàn nhạc tại Hà Nội.

Album "Bây giờ biển mùa đông" đã được bắt nguồn từ việc nhạc sĩ Dương Thụ cần tìm kiếm một giọng nam thể hiện các ca khúc của mình trong một album trọn vẹn, với ý tưởng âm nhạc thống nhất, và ý tưởng của Đức Tuấn muốn mở rộng danh mục biểu diễn và ghi âm của mình sang dòng nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi khác, sau thành công với nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.
 
Âm nhạc của Dương Thụ đã được Đức Tuấn chọn như một thử thách cho lối hát của mình với một dòng nhạc đậm phong cách Hà Nội và đã từng đem lại thành công cho những tên tuổi lớn của nhạc nhẹ Việt Nam.

 

Đức Tuấn đã quyết định khai thác mạnh chất cổ điển, thể hiện từ cách phối khí mang màu sắc giao hưởng, cùng tiếng piano và những câu intro mượt mà, những đoạn gian tấu mênh mang, đến cách hát chau chuốt, chuẩn mực.
 
Phần hòa âm đầy sáng tạo được xây dựng bởi nhạc sĩ Anh Quân, có sự tham gia của các nhạc sĩ khác như Huy Tuấn, Sơn Thạch, Hồng Kiên.
 
"Bây giờ biển... mùa đông", người nghe sẽ cảm thấy điều gọi là “nghịch lý” ấy trong cách hát tưởng như rất “trung tính” của Đức Tuấn ở những bài trước đây vẫn thường được thể hiện theo lối dồn nén cảm xúc, chất chứa dằn vặt, đôi khi bung phá mãnh liệt như "Về tìm trên cát", "Trở về", "Bài hát buồn". Sản phẩm này đạt đẳng cấp một đĩa Hi-End, vốn còn khá hiếm hoi trên thị trường âm nhạc trong nhạc

Afterlife – Nguyễn Xinh Xô

8 tác phẩm Mask, Foot prints, Falling like an angel, Deep water, Nothing comes clear, The magic man, Afterlife, Blue Butterfly… chung màu sắc chủ đạo của electropop. Khác hẳn với sự lãng đãng và ngọt ngào của miền hoài niệm trong những ca khúc trước. Sản phẩm mới của anh có phần "lạnh lẽo" không rực rỡ cũng không tươi tắn.

 

Cảm xúc của Afterlife đầy xáo trộn, lẫn lộn và day dứt, vẽ lên một khía cạnh khác về quan điểm của tác giả đối với cuộc sống.  Đó là một khát vọng, có thể nói một cách mơ hồ là khát vọng mang đậm "chất nghệ sỹ" được hóa bướm bay lên, được thăng hoa bằng âm nhạc và được thoát khỏi những rối bời của đời sống thực tại.

 

Nguyễn Xinh Xô đang đầu tư tâm sức vào mảng âm nhạc hiện đại này, và Afterlife sẽ chỉ là câu chuyện đầu tiên anh đưa đến mọi người và tương lai sẽ là những sản phẩm tương tự như thế.

Cock-tail - Hà Anh Tuấn

Album gồm 7 bài hát được liên kết để diễn tả một câu chuyện về anh chàng pha chế cocktail theo ý tưởng nội dung của Hà Anh Tuấn.

 

Đây là album thứ hai và là dự án chính của Hà Anh Tuấn trong năm 2010. Album mang tên Cock-tail cũng là một cách chơi chữ của Hà Anh Tuấn với hình ảnh con gà trống trên bìa đĩa cùng với chủ nhân. Cả thể loại âm nhạc, cách hát và lời ca bằng tiếng Anh của đĩa này là những gì mà Hà Anh Tuấn rất hài lòng và muốn chia sẻ với các bạn trẻ.

Album theo thể loại R&B, toàn bộ do nhạc sĩ Việt kiều Dương Khắc Linh sáng tác với phần lời tiếng Anh. Tuy sáng tác riêng để thực hiện album này nhưng Hà Anh Tuấn cho biết, anh không đề nghị Dương Khắc Linh phải “đo ni đóng giày” cho mình mà tự do sáng tạo theo cảm xúc.
 
Những bài hát trong album trên nguyên tắc là độc quyền nhưng Hà Anh Tuấn cũng nói rằng ai muốn hát thì có thể sử dụng.

Lê Cát Trọng Lý

Album gồm 9 ca khúc, trong đó có những ca khúc quen thuộc như “Chênh vênh”, “Chuyến xe”, “Hương lạc”, “Mùa yêu” và giới thiệu sáng tác mới của Lê Cát Trọng Lý như “Bài không tên”... Riêng ca khúc “Chênh vênh” đoạt giải Bài hát Việt có hai bản - một đệm piano và một chơi bằng guitar do Lê Cát Trọng Lý thể hiện.
 
Album còn có 2 ca khúc cùng hơi hướng, giọng điệu như những sáng tác của Lê Cát Trọng Lý là “Lúng ta lúng túng” (Sa Huỳnh) và “Cơn bão nghiêng đêm” (Dương Thụ).
 
 
 
Với 9 ca khúc, người nghe như được gặp một cô gái trẻ trung, hiện đại nhưng biết cảm nhận cuộc sống một cách tinh tế. Cô khám phá mọi thứ xung quanh và để âm nhạc nói hộ mình.
 
Cuộc sống với cô là những thắc mắc “Ngày xưa, rất xưa lúc chưa ai biết sống. Từ một nơi chẳng tên gọi hóa ra vạn triệu tinh tú. Tiếng của tôi đến từ đâu, chết về đâu?” (“Giấc mộng lớn”), là những trải nghiệm ghê gớm “Thương em anh trèo non cao, mua mưa, thâu mây tan mệnh bạc” (“Chênh vênh”), là tình yêu cuộc sống “Em nay biết yêu hoang tàn, nay biết yêu hoang đường, nay biết yêu sao trời mộng mơ” (“Trời ơi”)… Âm nhạc của cô tự nhiên, trong trẻo như ánh nắng, như khí trời vậy.

The Unmake-up – Đoan Trang

Album “The Unmake-up” gồm 10 bài hát của các nhạc sĩ Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Đức Cường, Trần Lê Quỳnh và 1 bài do Đoan Trang sáng tác.
 

Đây được xem như một bộ sưu tập ca khúc gây ấn tượng sau 10 năm ca hát của Đoan Trang. Tuy nhiên phần lời không phải là bản chuyển ngữ mà được viết mới dựa trên tinh thần của nội dung lời ca bằng tiếng Việt.

Đoan Trang chia sẻ: Album hát tiếng Anh này không phải với tham vọng sẽ là một album “quốc tế” mà đơn giản là do nhu cầu bản thân và khá nhiều bạn bè người nước ngoài đã yêu thích những ca khúc mà Đoan Trang trình diễn, họ muốn hiểu thêm nội dung của ca khúc.

Đây cũng là dự án mà Đoan Trang đã ấp ủ và thực hiện từ năm 2008 đến nay.  Album do nhạc sĩ Quốc Bảo và Nguyễn Công Phương Nam hòa âm và được thu âm tại Đức. 

 Li ti - Tùng Dương

Album Liti gồm 8 bản nhạc, trong đó có 6 ca khúc và 2 bản hòa tấu. 6 bài hát có những bài đã từng được Tùng Dương biểu diễn trước đây, nhưng tất cả đều được thu âm chính thức lần đầu tiên.
 
Sẽ không cần phải nói nhiều về chất lượng các bài hát, vì hầu hết đều là những tác phẩm tâm huyết của các nhạc sĩ đã sáng tác ra chúng, và 4/6 bài hát đã giành giải cao tại chương trình Bài hát Việt qua các năm, một bảo chứng cho giá trị nghề nghiệp của mỗi bài: “Con cò”, “Sáng nay”, “Li ti”, “Đồng hồ treo tường”.
 
Hai bài hát mới: “Trời cho” và “Giăng tơ” đều được các nhạc sĩ viết riêng cho Tùng Dương, theo ý định của Tùng Dương là dành riêng cho dự án âm nhạc này.

Hai bản hòa tấu “Giao diện mở” và “Hoài vọng” do Nguyễn Công Phương Nam và Sebastian Parche sáng tác vừa có tính chất nối dài ý tưởng âm nhạc đã triển khai trong các bài hát liền trước vừa kết nối với bài tiếp sau.
 
Bản hòa tấu ambient Hoài vọng còn là một cái kết nhẹ nhàng, khép lại không gian âm nhạc đa chiều trước đó.

Dù định nghĩa về thể loại electronica có thể hơi phức tạp và hơi khó hình dung, và dù là một album electronica chuẩn mực, Liti không hề khó nghe. Album này có sự kết hợp khéo léo giữa các âm thanh điện tử với dàn nhạc giao hưởng và một chút màu sắc âm nhạc dân gian châu Á trong những bài đậm màu sắc dân gian như “Con cò”, “Giăng tơ”.
 
Nhiều phong cách electronica khác nhau đã được đưa vào album này, do đó, người nghe sẽ thấy ở đây một không gian âm nhạc đa chiều – nhạc phim, nhạc thư giãn ambient, electro-jazz, tri-hop và cả post-rock - nhưng có tính thống nhất về ý tưởng rất cao.
 
Phần âm thanh giao hưởng được các nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Beethoven (The Beethoven Orchestra) của thành phố Bonn (Đức) thể hiện đã đem lại hiệu quả tuyệt vời cho các bản hòa âm rất công phu và góp phần quan trọng làm âm nhạc của Liti mềm mại hơn, dễ tiếp cận hơn với công chúng còn phần nào lạ lẫm với dòng nhạc này.  
 
Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Xinh Xô, Lê Cát Trọng Lý và Đoan Trang  những gương mặt với cá tính âm nhạc khác nhau. Chính gu thẩm mỹ âm nhạc cùng với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng đã giúp họ có được sản phẩm ưng ý.
 
Những album kể trên không phải là tuyệt tác hay tuyệt phẩm gì ghê gớm nhưng điều quan trọng mà các sản phẩm ấy có được là một sản phẩm âm nhạc thực thụ, khán giả nghe không chỉ để thư gian mà còn thưởng thức và một số ca khúc với ca từ hay, hòa âm bay bổng sẽ làm giàu cảm xúc, định hướng yếu tố thẩm mỹ trong nghệ thuật cho người nghe chứ không “làng nhàng” như rất nhiều băng đĩa đang lan tràn trong làng nhạc Việt. 
Chia sẻ