TP.HCM: Sợ hãi sống trong những ngôi nhà nứt toác chờ sập

Hương Thu,
Chia sẻ

Một số nhà dân trên đường Nam Hòa (Q.9, TP.HCM) bỗng dưng bị nứt toác do ảnh hưởng của việc thi công. Chưa có cơ quan nào vào giải quyết, người dân phải dựng tạm giàn giáo vì sợ nhà sập.

Hơn 1 tháng nay, một số nhà dân sống trên đường Nam Hòa (phường Phước Long A, quận 9, TP. HCM) lâm vào tình trạng bị nứt toác. Tường nhà, trần nhà tạo khe hở lớn và phần nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng. 

Người dân ở đây cho biết, nguyên nhân khiến các nhà bị nứt và sụt lún là do một đơn vị thi công đến đào đường để xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Nam Hòa. Và hiện tại, đơn vị này chưa có biện pháp hạn chế, khắc phục những hiện trạng nguy hiểm cho người dân sống trong những căn nhà lún nứt. Theo đó, có nhà đành chịu cảnh từng mảng tường nứt dài, có nhà vì nứt và lún nhiều quá nên phải dùng hệ thống giàn giáo chống đỡ từ trần nhà.

nhanut1
Hộ dân bị thiệt hại nặng nhất là anh Trần Minh Đức (ngụ số 157 Nam Hòa). Nhà anh phải làm hệ thống giàn giáo nâng đỡ trong nhà. Trong ảnh, vợ anh Đức cho biết, may mà nhà vốn có nghề xây dựng nên mới có giàn giáo để chống đỡ chứ nếu không cũng mất tiền triệu làm hệ thống này.

nhanut2
Cạnh đó, căn nhà kế bên số 159 Nam Hòa thuộc sở hữu của anh Trần Minh Định (anh trai anh Đức) cũng phải chắn đỡ bằng giàn giáo. Bước vào nhà chỉ có một lối đi duy nhất và bé xíu vì giàn giáo chống đỡ trần nhà chắn ngang cửa. 

nhanut3
Từ đầu tháng 9, khi đơn vị thi công làm đường Nam Hòa, lắp đặt hệ thống ống nước thì nhà anh Đức có hàng chục điểm bị nứt toác, sụt lún làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình anh. 

nhanut4
Khoảng sân nhà bị sụt lún tạo thành kẽ hở. "Nhà tôi xây đã lâu, đến đầu năm 2015 mới sửa sang lại cho kiên cố thì gặp tình cảnh oái ăm này. Gia đình cũng chỉ biết dùng kèo cột chống đỡ cho an toàn. Nỗi lo luôn thường trực nhất là khi nhà tôi còn có người già", vợ anh Đức cho hay.

nhanut5
Vết nứt kéo dài, nơi rộng nhất đến gần 5cm, có thể cho vừa hai ngón tay người lớn vào.

nhanut6
Tường nhà cũng nứt toác thành vệt dài. Người dân cho hay, những vết nứt nặng phải dùng giàn giáo để chống đỡ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ như không gian trở nên chật chội, lộn xộn. "Việc dắt xe khó khăn hơn, tối đi mà không để ý dễ bị đụng vào giàn giáo. Khi mưa thi nước thấm nhiều hơn", anh Định cho hay.

nhanut7
Cạnh đó, tường nhà của ông Nguyễn Công Tằng (số 147) cũng bị nứt làm đôi.

nhanut8
Ông Tằng cho biết, vết nứt xuất hiền từ đầu tháng 9 khi có đơn vị thi công làm đường và ngày càng nứt nhiều hơn.

nhanut9
"Từ khi xảy ra tình trạng nứt nhà đến nay, một số sinh viên thuê trọ ở đây đã xin chuyển đi nơi khác vì sợ nhà sập. Một số hộ thuê nhà kinh doanh thì yêu cầu giảm tiền thuê”, ông Tặng buồn rầu cho hay.

nhanut10
Trên cửa sổ, các mối nối với tường nhà của chị Đỗ Thị Quý (số 149) bị bong tróc.

nhanut11
Ngoài nứt tường thì cổng nhà chị Quý còn bị sụt lún khiến hai cánh cửa bên cao bên thấp, không thể đóng bằng khóa được mà phải dùng dây buộc. Người dân cũng đã gửi ý kiến lên UBND phường Phước Long A.

nhanut12
Ở đầu đường Nam Hòa, các vật liệu thi công vẫn để ngổn ngang.

Trao đổi vấn đề trên với UBND Phường Phước Long A, đại diện phường xác nhận có tình trạng nhà nứt, sụt lún do việc thi công làm đường Nam Hòa. "Chúng tôi đã cử cán bộ địa chính xuống xem tình hình và tính toán mức thiệt hại cho người dân", vị đại diện nói. 

Ngoài ra, tối 21/10, tại nhà ông Nguyễn Công Tằng đã diễn ra buổi họp giữa người dân của khu phố 1 với cán bộ của phường Phước Long A và đơn vị thi công. Tại buổi họp, người dân nhất trí để đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành xong con đường Nam Hòa nhưng phải tính toán để tránh gây thiệt hại cho các hộ bị ảnh hưởng. Việc xem xét đền bù vẫn chưa đi đến thỏa thuận cụ thể.

Chia sẻ